'Xin' tiền xây hạ tầng

Tú Anh 13/06/2020 07:30

Chúng ta chỉ quan tâm đến hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạ tầng đạo đức văn hóa thì sao?

Những ngày này, Quốc hội đang bàn thảo về dự thảo Nghị quyết quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội trong vòng 5 năm.

Theo đó, Hà Nội được quyết định thu một số khoản phí chưa được quy định trong Danh mục Luật Phí, lệ phí cũng như tăng mức thu phí. Chính phủ trình Quốc hội quy định Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Hà Nội được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố; cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách. Thành phố được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng; đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu….

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội để đầu tư cho các công trình cấp bách về giao thông, giải quyết ô nhiễm môi trường…

Còn thực tế, theo một lãnh đạo Sở GTVT TP Hà Nội, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đã có chuyển biến tích cực. Ðiều này thể hiện rõ qua sự gia tăng tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị. Năm 2015, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị, đến cuối năm 2019 đạt 9,75% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05%. Thành phố dã xây dựng khép kín hệ thống đường vành đai (từ vành đai 1 đến vành đai 4); các tuyến quốc lộ, các trục hướng tâm, đầu tư 8 cầu qua sông Hồng, sông Ðuống theo quy hoạch; tập trung đầu tư cải tạo 6 nút giao thông trọng điểm…

Tuy nhiên, “hạ tầng văn hóa” tại đất Tràng An lại đang rất có vấn đề. Nhan nhản trên mặt báo là những thông tin về ứng xử lệch chuẩn: Tình trạng hàng xóm, người thân trong gia đình mâu thuẫn, tranh chấp tài sản, đất đai dẫn đến các vụ án mạng dã man; sàm sỡ phụ nữ, trẻ em; người nhà bệnh nhân tấn công bác sĩ, nhân viên y tế hay một số vụ lái xe ô tô uống rượu bia, sử dụng ma túy gây tai nạn giao thông nghiêm trọng... Có thể chỉ vì một cái “nhìn đểu” mà một mạng người bị tước đoạt. Chẳng biết từ bao giờ, ra đường tại Thủ đô đã chứa đầy sự bất trắc.

Có người đổ tại cho quá trình đô thị hóa và tốc độ tăng dân số cơ học nhanh tại Hà Nội. Một nữ đại biểu Quốc hội từng lý giải hiện tượng này do “giáo dục đạo đức trong các gia đình đang có vấn đề”. Tuy nhiên, bên cạnh những sự ác độc hồn nhiên bởi phông văn hóa, ý thức thì có những sự ác độc tinh vi khởi sinh từ mặc cảm thua kém, tự ti. Những ẩn ức từ cơ quan do những sự “nâng đỡ không trong sáng”, stress từ việc bị thầy cô thiếu tôn trọng… có thể biến thành nhát dao oan nghiệt sau vụ cãi lộn hay những cử chỉ, hành động, lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Những nguyên nhân sâu xa này ít được nhắc đến, bàn đến. Cũng như “hạ tầng văn hóa” chưa được quan tâm bằng hạ tầng kinh tế - xã hội. Nếu cứ như thế này, Thủ đô chỉ có những con đường to đẹp chứ chưa thể có thế hệ công dân với trái tim rộng mở.

Xây dựng người Thủ đô thanh lịch văn minh cần kế hoạch dài hơi, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ gói gọn trong việc “xin” Quốc hội cho Hà Nội thêm ít tiền.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Xin' tiền xây hạ tầng