Nằm trong Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2020, Dự án “Tổ chức PHCN tại cộng đồng cho nạn nhân chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” do Bộ Y tế chủ trì đã được giao cho Trường ĐH Y tế công cộng thực hiện.
Ở giai đoạn 1 (từ năm 2008-2013), dự án được triển khai tại 3 tỉnh Thái Bình, Quảng Ngãi và Đồng Nai đem lại những hiệu quả thiết thực cho các nạn nhân và người khuyết tật.
Cán bộ dự án tham gia giám sát hoạt động trợ giúp người khuyết tật tại tỉnh Bến Tre.
Trong giai đoạn 2 (từ năm 2014-2016), dự án được mở rộng thêm ở 3 tỉnh Lào Cai, Quảng Nam, Bến Tre với việc chú trọng đến tăng cường phát hiện sớm-can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật.
Theo PGS TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội PHCN Việt Nam, cố vấn cao cấp của dự án, ở giai đoạn 2, dự án đã thực hiện khám và phát hiện khuyết tật, đánh giá nhu cầu phục hồi chức năng (PHCN) cho hơn 22 nghìn người khuyết tật.
Trong đó, hơn 13 nghìn người (trong đó có nạn nhân da cam) được cộng tác viên đánh giá nhu cầu PHCN, lập kế hoạch và hướng dẫn PHCN tại nhà, tư vấn và chuyển giao kiến thức cho nạn nhân/người khuyết tật và thành viên trong gia đình, cũng như hướng dẫn gia đình chế tạo những dụng cụ trợ giúp tự tạo như nạng, gậy, ròng rọc,… phù hợp để hỗ trợ quá trình tập luyện PHCN tại nhà của nạn nhân/người khuyết tật.
Phần lớn trong số đó sau khi tham gia dự án đã có tiến bộ trong tập luyện PHCN/hoà nhập xã hội với sức khoẻ được cải thiện rõ rệt.
Báo cáo sơ kết giai đoạn 2 của dự án cho biết đã có trên 1 nghìn lượt nạn nhân tại 6 tỉnh dự án (Thái Bình, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Lào Cai, Quảng Nam và Bến Tre) được khám chữa bệnh và PHCN theo đúng nhu cầu tại các bệnh viện trong phạm vi các tỉnh thực hiện dự án.
Riêng về mục tiêu phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật sau sinh cho trẻ khuyết tật trong đó có con cháu nạn nhân, dự án đã tiến hành điều tra 27 nghìn hộ gia đình với hơn 9 nghìn trẻ dưới 6 tuổi, đã phát hiện gần 5 nghìn người khuyết tật, trong đó có hơn 200 trẻ dưới 6 tuổi bị khuyết tật.
Chia sẻ về dự án, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Anh Cả cho biết: Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 35 nghìn người bị phơi nhiễm chất độc hóa học.
Tính đến cuối tháng 10/2016, Hội đồng giám định y khoa Trung ương và tỉnh Quảng Nam đã công nhận hơn 4000 người thuộc thế hệ thứ nhất bị nhiễm chất độc da cam, 1800 người thuộc thế hệ thứ 2 và 366 người thuộc thế hệ thứ 3.
Các nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam thế hệ thứ hai, thứ ba thường bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức về phát hiện, can thiệp sớm cũng như thực hiện PHCN cho đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ Hội nạn nhân chất độc da cam ở cơ sở và người nhà của các nạn nhân là rất cần thiết.
Chị Bùi Thị Nga - mẹ của 2 nạn nhân da cam xã Tịnh Ấn Đông, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Từ ngày dự án được triển khai, chúng tôi là những cộng tác viên được tập huấn và giao nhiệm vụ PHCN cho NKT.
Người đầu tiên tôi thực hành chính là 2 con của mình. Tôi bắt đầu với các động tác từ dễ đến khó. Sau một thời gian kiên trì, các cháu đã tiến bộ rõ rệt. Đó là niềm vui, là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời làm mẹ của tôi”.