Xoay xở 'chống trượt' lớp 10

Lâm An 11/03/2023 14:00

Trước thềm kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội, để giảm bớt áp lực cho con em, nhiều phụ huynh đã tìm hiểu và nộp hồ sơ vào các trường ngoài công lập.

Cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội luôn nóng dù năm học 2023-2024, thành phố có thêm 11 trường THPT xây mới và sửa chữa. Ảnh minh họa.

Chị Trần Thu Huyền (ở Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, để dự phòng cho con trước kỳ thi đầy áp lực vào lớp 10 THPT, chị đã mua thêm một số bộ hồ sơ của các trường ngoài công lập gần nhà. Theo chị Huyền dù mua hồ sơ, nhưng xác định đây là phương án chống trượt nên vẫn động viên con, trước mắt tập trung ôn thi theo đề thi chung, không ôn các bài kiểm tra năng lực riêng do các trường thông báo.

Mặc dù đến đầu tháng 6/2023, kỳ thi vào lớp 10 công lập tại Hà Nội mới diễn ra, sau đó mới công bố điểm chuẩn, các trường tuyển sinh… trong khi hiện nhiều trường phổ thông tư thục đã bán hồ sơ, tổ chức thi - xét tuyển đợt đầu… Vì vậy, dù là trường tư nhưng nếu không nhanh tay đăng ký thì cơ hội ghi danh cũng có thể tuột mất, nhất là khi các tiêu chí cạnh tranh ngày càng cao. Thậm chí để chắc suất học, nhiều phụ huynh chấp nhận rải 4-5 bộ hồ sơ và nộp phí xét tuyển, giữ chỗ cho con, dù sau đó, khi con đỗ trường công lập thì chấp nhận mất phí để rút hồ sơ.

Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 237 trường THPT, trong đó có 121 trường công lập. So với năm học trước, Hà Nội đã tăng 11 trường trong khi số học sinh lớp 9 toàn thành phố là khoảng hơn 100.000 em (giảm khoảng 29.000 học sinh so với năm 2022-2023). Dẫu vậy, với chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập dự kiến chiếm hơn 60% như mọi năm, cuộc đua vào lớp 10 chưa bao giờ hết nóng, nhất là ở những trường top đầu, các khu vực đông dân cư.

Hiện tại, 6 đoàn kiểm tra của Sở GDĐT Hà Nội đang tổ chức kiểm tra điều kiện tuyển sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố, bao gồm cả trường công lập, trường ngoài công lập, trường trung cấp, trường cao đẳng... Kết quả kiểm tra là căn cứ để Sở GDĐT Hà Nội phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 của từng trường và sẽ công bố rộng rãi để nhân dân được biết, làm cơ sở để phụ huynh và học sinh đăng ký nguyện vọng phù hợp. Thời gian phê duyệt dự kiến vào khoảng đầu tháng 4/2023.

Từ nay đến khi kỳ thi chung còn khoảng 3 tháng nữa, phụ huynh và học sinh nên cân nhắc và tìm hiểu thêm các cơ hội khác bên cạnh nguyện vọng vào các trường THPT công lập. Chẳng hạn, các trường công lập tự chủ, tư thục, bổ túc văn hóa, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên… Thay đổi quan niệm, nhận thức của phụ huynh, học sinh là vấn đề không dễ nên dù ngành giáo dục, các trường đã đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh nhưng tỷ lệ học sinh chủ động chọn học nghề vẫn chưa nhiều.

Kỳ khảo sát hàng năm với học sinh lớp 9 toàn thành phố cho thấy một bức tranh tổng thể tương đối thực chất, khách quan để phụ huynh biết năng lực của con em mình đang ở đâu, nên chọn hướng đi nào là phù hợp, nếu đăng ký xét tuyển thì nên chọn trường nào để không quá cao cũng không thấp quá.

Theo PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT, cần tiếp tục quan tâm xây dựng, mở rộng thêm trường lớp để đáp ứng đủ chỗ học tập cho học sinh có nhu cầu và nguyện vọng học tiếp lên bậc THPT. “Tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội, không riêng gì lớp 10 năm nào cũng nóng xuất phát từ việc hệ thống trường lớp không theo kịp tốc độ tăng dân số. Giải quyết bài toán cơ sở vật chất, cùng với đó là đổi mới kiểm tra, đánh giá người học trong trường phổ thông một cách toàn diện không chỉ là kiến thức Toán, Ngữ văn mà bao gồm cả nghệ thuật, thể dục thể thao… là các dạng tài năng khác nhau để mỗi người phát huy được hết sở trường của mình” - ông Nhĩ nêu quan điểm.

GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, việc đẩy mạnh phân luồng THCS hiện nay cần được các trường làm thực chất trên cơ sở phụ huynh, học sinh đồng thuận, không ép buộc. Muốn vậy, cần tạo điều kiện, cơ hội mở để việc học liên thông giữa các cấp học từ THPT lên cao đẳng, đại học, sau đại học được rộng mở. Khi đó, học sinh sẽ không nghi ngại để chủ động chọn trường nghề thay vì chạy đôn chạy đáo bằng được trường THPT để học mà không hiệu quả, kiến thức lơ mơ, hậu quả là tình trạng thừa thầy, thiếu thợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xoay xở 'chống trượt' lớp 10

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO