Từ lâu, nghệ thuật Xòe Thái đã khẳng định sức sống trường tồn và lan tỏa. Xòe Thái được xem là một loại hình dân vũ của đồng bào Thái các tỉnh Tây Bắc, nhất là ở 4 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và Yên Bái. Trong đó, Yên Bái là tỉnh được lựa chọn đăng cai xây dựng hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái trình UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
1. Mới đây, tỉnh Yên Bái dự định tổ chức màn đại xòe Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia 5.000 người đã thu hút sự chú ý của dư luận. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chương trình “Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và khám phá Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019” (diễn ra từ ngày 20 đến 25/9). Tỉnh Yên Bái hy vọng khi tổ chức thành công màn đại xòe này sẽ được Tổ chức Kỷ lục thế giới công nhận, qua đó sẽ giới thiệu nghệ thuật xòe cổ và quảng bá điệu múa dân gian, dân vũ của đồng bào Thái - Tây Bắc ra thế giới.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự băn khoăn về màn múa xòe kỷ lục này. Các ý kiến đều tựu trung ở điểm, từ bao đời nay, điệu xòe Thái đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là tài sản tinh thần chung của người Thái ở vùng Tây Bắc. Sự độc đáo của xòe Thái đã được công nhận, không cần tới những “chiêu trò”.
Trước nhiều ý kiến góp ý chân thành, đồng thời, trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, sau khi cân nhắc và xem xét yêu cầu, điều kiện của Tổ chức Kỷ lục thế giới, tỉnh Yên Bái quyết định dừng đăng kí hồ sơ kỷ lục Guinness thế giới và vẫn tổ chức màn đại xòe theo thông lệ hàng năm để đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân và du khách khi đến với Mường Lò - Nghĩa Lộ (Yên Bái).
2. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật xòe Thái mang đậm tính tộc người, tính cộng đồng, thể hiện bản sắc của người Thái, đồng thời lan tỏa rộng rãi và trở thành nghệ thuật diễn xướng chung của đồng bào vùng Tây Bắc. Xòe Thái góp phần tăng cường giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các quốc gia.
Nghệ thuật Xòe Thái có 3 loại chính là: Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Trong đó, Xòe vòng là múa tập thể, mở rộng dần vòng xòe, cuốn hút mọi người hòa cùng niềm vui trong mỗi dịp Tết đến, xuân về hay trong mỗi dịp lễ hội, cuộc vui, liên hoan...
Ngoài các điệu múa như: Xòe quạt, xòe khăn, xòe nón, xòe quả nhạc, người Thái còn rất nhiều những điệu xòe mang tên những sự việc, nội dung, đạo cụ như: xòe chan khon, xòe kếp phắc, xòe kếp bók… Với những nét đặc trưng độc đáo, lại được các thế hệ người Thái bảo tồn và phát triển, xòe Thái đã thực sự trở thành tài sản văn hóa, là sợi dây gắn kết cộng đồng.
Các nhà nghiên cứu văn hóa đã chỉ ra, xòe Thái là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động của cộng đồng người Thái. Trong những lễ hội, ngày vui của bản làng, mọi người quây quần bên đống lửa, nắm tay nhau cùng xòe. Điệu xòe diễn ra như lời chào, lời mời gọi bạn bè, du khách gần xa, thể hiện sự mến khách, cách thức giao tiếp, kết nối cộng đồng, biểu trưng cho tình đoàn kết, mong muốn mở rộng hợp tác, giao lưu của đồng bào.
3. Múa xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay). Người Thái quan niệm: “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Múa xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù, đến tình yêu đôi lứa, người Thái thường tổ chức múa xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới. Người Thái có 6 điệu xòe cổ, là khởi nguồn của nghệ thuật dân vũ đồng bào Thái. Điệu xòe cơ bản nhất là “Khắm khăn mơi lẩu”- nghĩa là “nâng khăn mời rượu”. Đây là điệu xòe thể hiện nét văn hóa trong giao tiếp ứng xử của đồng bào dân tộc Thái.
Điệu xòe thứ hai là điệu “Phá xí”, nghĩa là xòe bổ bốn, điệu múa thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng người Thái. Cho dù là ai, dù có phải chia xa bốn phương trời, mười phương đất thì cũng luôn nghĩ về nhau, cùng nhau hướng về cội nguồn.
Điệu xòe tưng bừng và rộn rã nhất là điệu “Nhôm khăn”, hay còn gọi là điệu Tung khăn. Cùng với những chiếc khăn Piêu choàng trên cổ, những cô gái Thái đã thể hiện được niềm vui vo bờ bến mỗi khi làng bản có chuyện mừng vui như có đám cưới, đám mừng nhà mới hay mừng mùa bội thu…
Múa xòe biểu hiện sự đoàn kết thân thiện gắn bó, có tính tập thể, dân chủ cao nên người Thái cũng biết múa xòe và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc. Múa xòe là di sản văn hoá quý giá của người Thái có sức sống bền vững trong nhân dân.
Nghệ thuật xòe Thái đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và tháng 3/2019, Việt Nam đã đệ trình Hồ sơ di sản phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.