Số vụ chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng, thể hiện sự manh động, côn đồ và sự “coi thường pháp luật” của các đối tượng vi phạm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này?
Thời gian gần đây, số vụ chống người thi hành công vụ đang có chiều hướng gia tăng, thể hiện sự manh động, côn đồ và sự “coi thường pháp luật” của các đối tượng vi phạm. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần mạnh tay, tăng nặng khung hình phạt đối với các hành vi chống người thi hành công vụ để đảm bảo “thượng tôn pháp luật”, đồng thời tăng cường sự răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.
Liên tiếp xảy ra các vụ chống người thi hành công vụ
Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) vừa tạm giữ đối tượng Hoàng Quốc Anh (17 tuổi, trú tại số 2 ngõ 21 Nguyễn Như Đổ, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội) về hành vi “chống người thi hành công vụ”.
Theo điều tra, khoảng 16h20 ngày 26/11/2021, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn, Thượng úy Phan Tuấn Thành (Công an phường Cổ Nhuế 1) phát hiện một nhóm thanh niên điều khiển xe máy vi phạm luật giao thông đã tiến hành kiểm tra hành chính nhưng các đối tượng lên xe bỏ chạy. Thượng úy Thành chỉ giữ được 1 đối tượng là N.Đ.V. (17 tuổi, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Trong lúc Thượng úy Thành đang khống chế V., đối tượng Hoàng Quốc Anh lẻn lấy xe máy của V. phóng đi. Khoảng 1 phút sau, Anh quay lại, tay trái cầm 1 con dao dài đe dọa, uy hiếp rồi cầm dao chém 2 nhát vào xe máy của Thượng úy Thành nhằm “giải cứu” bạn, nhưng bất thành đành bỏ chạy. Sau đó, Quốc Anh được gia đình đưa đến Công an quận Bắc Từ Liêm đầu thú và khai nhận hành vi vi phạm.
Một vụ việc chống người thi hành công vụ hết sức nghiêm trọng vừa xảy ra tại thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng khiến dư luận hết sức hoang mang vì sự liều lĩnh, manh động của các đối tượng.
Cụ thể, sáng 30/10/2021, lực lượng thi công công trình để phục vụ Dự án Điện gió ở xã Lạc Hòa thì xuất hiện nhóm hàng chục người kéo đến ngăn cản, chửi bới, hành hung với mục đích không cho đơn vị tiến hành thi công.
Lực lượng chức năng đã có mặt tuyên truyền, yêu cầu giải tán, nhưng nhóm người này vẫn tiếp tục có những hành động chống đối. Khi lực lượng làm nhiệm vụ đi qua cầu kênh Cây Me để triển khai phương án bảo vệ, một số người ngăn cản, không cho đi qua, dùng tay và cây đánh liên tiếp vào người cán bộ, chiến sĩ công an. Một số đối tượng manh động còn sử dụng ống tuýp sắt, gậy gộc và đá ném vào lực lượng chức năng.
Các đối tượng chống đối đã làm 13 cán bộ, chiến sĩ công an thị xã Vĩnh Châu bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng, phải chuyển viện tuyến trên để điều trị. Cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 10 đối tượng và cấm đi khỏi nơi cư trú 5 đối tượng để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ”. Đáng buồn hơn, một số trường hợp có hành vi cản trở, chống đối người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, người có địa vị xã hội...
Một trường hợp không thể không nhắc đến là ông Lại Quốc Đạt, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Tuyên Quang có hành vi “cản trở người thi hành công vụ”.
Theo đó, khi phát hiện ông Đạt điều khiển xe ô tô lạng lách, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, Đội Cảnh sát giao thông TP Tuyên Quang tiếp cận và yêu cầu dừng phương tiện. Thay vì chấp hành, vị Chi cục trưởng này lại túm cổ áo một Trung úy Cảnh sát giao thông, đồng thời có những lời lẽ xúc phạm rất khó nghe. Kết quả kiểm tra cho thấy, nồng độ cồn trong hơi thở của ông Đạt ở mức cao - trên 0,4miligram/lít khí thở. Sau đó, Công an TP Tuyên Quang đã ra quyết định xử phạt đối với ông Đạt về hành vi “cản trở người thi hành công vụ”.
Đáng chú ý, gần đây số vụ “chống người thi hành công vụ” đối với các lực lượng phòng, chống dịch bệnh Covid-19 liên tục xảy ra, không chỉ đe dọa tính mạng của lực lượng chống dịch mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng, các cơ quan ban hành luật cần nghiên cứu, tăng nặng chế tài xử lý đối với hành vi “chống người thi hành công vụ”. Mặt khác, lực lượng chức năng cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra để kịp thời phát hiện các sai phạm, đồng thời bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn của người thi hành công vụ. Bên cạnh đó là việc tăng cường tính phản biện xã hội, đấu tranh, lên án của dư luận quần chúng nhân dân và xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi chống người thi hành công vụ.
Làm sao để ngăn chặn?
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, hành vi “chống người thi hành công vụ” chủ yếu xảy ra đối với các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, thi hành án, thanh tra, đặc biệt thường xuyên nhất là hành vi chống đối lực lượng Cảnh sát giao thông, công an và gần đây là lực lượng tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid.
Chuyên gia tội phạm học, Tiến sĩ Luật Lưu Hoài Bảo (Giảng viên Đại học Luật Hà Nội) đánh giá, qua các vụ việc xảy ra gần đây cho thấy, hành vi của các đối tượng chống người thi hành công vụ thường rất manh động, nhiều vụ gây thương tích cho cán bộ đang thực thi công vụ.
Các đối tượng thực hiện hành vi chống người thi hành công vụ thường có tiền án, tiền sự, ý thức chấp hành pháp luật kém, thể hiện bản tính côn đồ, thậm chí có cả cán bộ, công chức có hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Ông Bảo cho rằng, các hành vi chống người thi hành công vụ ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự và tác động đến cộng đồng xã hội vì đó là hành vi thể hiện sự coi thường pháp luật nếu không xử lý kịp thời, nghiêm minh sẽ tiếp tục xảy ra nữa.
Về nguyên nhân dẫn đến các hành vi chống người thi hành công vụ, ông Bảo nhận định, có nhiều nguyên nhân, nhưng thường là xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật, cũng có thể là sự coi thường pháp luật, cố tình chống đối. Đặc biệt, giới trẻ hiện nay có một bộ phận có lối sống tiêu cực, thiếu sự giáo dục, định hướng trong cuộc sống. Khi gặp lực lượng chức năng xử lý thì có những phản ứng tiêu cực, quá mức cần thiết, thậm chí chống đối, tấn công người thi hành công vụ.
“Hệ thống pháp luật đã quy định rõ ràng, cụ thể các chế tài xử lý đối với hành vi, cản trở, chống đối người thi hành công vụ. Riêng phần xử lý về hành chính đối với hành vi trên, tăng nặng hình phạt để tăng tính chất răn đe” - ông Bảo nói.
Bàn về giải pháp ngăn ngừa, ông Bảo cho rằng, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân để người dân nhận thức đầy đủ về các hành vi chống người thi hành công vụ. Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tạo dư luận xã hội, lên án và đấu tranh mạnh mẽ với các hành vi chống người thi hành công vụ. “Đối với lực lượng chức năng thi hành công vụ cũng cần phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ như tác phong, ứng xử… Đôi khi, chỉ vì tác phong, cách ứng xử hai bên đẩy lên mẫu thuẫn lớn hơn dẫn đến những hậu quả đáng tiếc…” - ông Bảo đánh giá, đồng thời cho biết, đối với hành vi chống đối lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19 ngành chức năng cần xử lý kịp thời, áp dụng các tình tiết tăng nặng, nhanh chóng truy tố, xét xử để tăng tính chất răn đe.
Còn đối với những người có địa vị, chức vụ công tác tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cần phải xử lý nghiêm khắc. Bởi lẽ những người này có tri thức, có địa vị đáng lẽ phải là những người luôn gương mẫu cho người khác noi theo. Trường hợp này không những xử lý về mặt hành chính mà còn xử lý về mặt Đảng.
Luật Sư Nguyễn Ngọc Khương, Trưởng Văn phòng Luật sư Doanh thương (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Tăng chế tài xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ
Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy rằng vừa qua, tình trạng chống người thi hành công vụ diễn biến hết sức phức tạp. Đối tượng chống người thi hành công vụ gồm nhiều thành phần, các đối tượng chủ động, lôi kéo nhiều người tham gia.
Trong khi đó, các quy định về xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ còn thiếu, khung hình phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, các quy định về trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ và các quy định khác về sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong trấn áp các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, phòng, chống các hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng còn chưa đầy đủ, khó áp dụng trong thực tiễn dẫn tới nhiều vụ việc người thi hành công vụ đã bị tổn hại sức khỏe hoặc bị truy cứu trách nhiệm khi thiếu sót trong chấp hành nhiệm vụ, trực tiếp đối đầu với tội phạm nguy hiểm.
Để công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi chống người thi hành công vụ được hiệu quả hơn, tôi cho rằng, ngành chức năng cần nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật, làm rõ những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai áp dụng để tham mưu cho cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung tăng chế tài xử lý đối với các hành vi chống người thi hành công vụ.
Cần quy định đầy đủ về xử lý hành chính đối với hành vi chống người thi hành công vụ, quy định rõ hơn về thẩm quyền, cách thức, thủ tục sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác của lực lượng chức năng.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, chủ động nắm tình hình, phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện chống đối người thi hành công vụ.
Luật Sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TGS: Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi chống người thi hành công vụ
Qua thực tế cho thấy, số vụ chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng và ngày càng manh động, trắng trợn, hung hãn, liều lĩnh, mang tính chất phức tạp, nhẹ là chửi bới, lăng mạ, nguy hiểm hơn là dùng đến vũ khí, hung khí tấn công người thi hành công vụ. Hành vi “chống người thi hành công vụ” xuất phát từ ý thức chấp hành pháp luật của một số đối tượng còn kém, thái độ coi thường pháp luật, coi thường lực lượng làm nhiệm vụ.
Hành vi “chống người thi hành công vụ” đã được quy định cụ thể tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì hành vi trên có thể bị xử phạt hành chính hoặc sẽ bị truy cứu hình sự.
Về Xử phạt hành chính, tùy vào hành vi vi phạm có thể bị xử phạt từ 500.000 đồng đến đến 5.000.000 đồng.
Về chế tài hình sự, Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định rõ: Chống người thi hành công vụ là “hành vi người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật” thì sẽ bị xử lý với hình phạt “phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Ngoài ra, với các tình tiết tăng nặng: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Nếu hành vi “chống người thi hành công vụ” gây ra thương tích cho người thi hành công vụ, hoặc gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác thì có thể xem xét thêm tội danh độc lập khác.
“Việc kiên quyết xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm là rất cần thiết bởi vì tạo sự răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm cũng như góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân” - ông Tuấn nói.
Đức Sơn(ghi)