Mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra một cuộc “họp kín” do UBND tỉnh Hà Giang chủ trì nhằm tìm biện pháp xử lý công trình sai phạm Panorama tại Mã Pì Lèng. Trong đó, phương án được đưa ra sẽ biến công trình sai phạm trên thành điểm dừng chân ngắm cảnh và không khai thác dịch vụ lưu trú.
Công trình sai phạm tại Mã Pì Lèng.
Ý kiến chủ tòa nhà
Cuộc “họp kín” do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức chủ trì còn có sự tham gia của các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Viện Bảo tồn Di tích, Cục Di sản Văn hóa, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Tại cuộc họp, các đơn vị liên quan đã tập trung bàn thảo về phương án mà chủ đầu từ công trình Panorama là bà Vũ Thị Ngọc Ánh đưa ra. Chủ tòa nhà đề nghị sẽ cải tạo, chỉnh trang công trình Panorama thành điểm dừng chân ngắm cảnh, thay vì phá bỏ. Cụ thể, công trình sẽ sửa chữa kiến trúc sử dụng các họa tiết, chi tiết dùng trang trí của các dân tộc vào hoàn hiện công trình, tạo cảnh quan gần gũi với môi trường, đồng thời cũng là nơi giới thiệu văn hóa, đặc sản địa phương với du khách...
Về kết cấu công trình, bà Ánh cho biết: Phần công trình trên cốt mặt đường nên giữ lại toàn bộ kết cấu, chỉ thay đổi vật liệu hoàn thiện cho phù hợp như tiêu chí của Bộ VHTTDL đã nêu. Lý do giữ lại là phần nổi này chính là đối trọng neo giữ toàn bộ công trình, vì toàn bộ công trình nằm trên một triền dốc đứng, nếu đập bỏ sẽ làm nhẹ phần đối trọng, có thể gây trượt, nguy hiểm cho toàn bộ công trình. Phần cuối phía dưới của công trình nếu đập bỏ cũng sẽ làm mất đối trọng phần chân công trình khi chịu lực bên trên dồn xuống. Phần này như chốt chặn để công trình được ổn định và giữ cân bằng vị trí. Toàn bộ kết cấu trên được liên kết chặt chẽ, tạo sự ổn định cho công trình. Chủ đầu tư cho biết, đã được các kỹ sư và chuyên gia kết cấu thiết kế và hướng dẫn chi tiết đảm bảo an toàn và bền vững của công trình. Mặt khác, sẽ tôn tạo và bổ sung cảnh quan xung quanh công trình bằng việc trồng cây và hoa, đảm bảo cảnh quan công trình hài hòa với thiên nhiên.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng đưa ra các phương án như khối nhà hàng ăn uống và giải khát 2 tầng sẽ được thiết kế tường ốp vật liệu giả gỗ mô phỏng nhà truyền thống dân tộc, làm thêm ngói âm dương theo truyền thống nhà của người Mông. Với khối nhà nghỉ ngơi 1 tầng với diện tích khoảng 207m2, tường và lan can sân trời được ốp vật liệu gỗ mô phỏng nhà truyền thống của người Mông. Các trụ cột sắt đỡ sân trời được bọc lại bằng vật liệu cây trúc. Bên dưới những lan can sân trời trồng cây rủ lá mô phỏng như thác nước chảy trên vách đá. Bậc thang được ốp đá tự nhiên đan xen những khóm hoa…
Cân nhắc hướng giải quyết
Tại cuộc họp, nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng đây là cách làm có phần khiên cưỡng và chưa đạt yêu cầu. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Việt Nam, cấu trúc của bản thuyết minh dự án còn thiếu hai nội dung quan trọng đó là đánh giá tác động môi trường và giải pháp khắc phục những tác động xấu có thể xảy ra. Ông Bài quan tâm tới phương pháp xử lý chất thải trong quá trình vận hành công trình. Để giải quyết toàn diện và triệt để những vấn đề liên quan tới dự án, ông Bài cho rằng nên bổ sung phần trình bày về mục tiêu và nhiệm vụ thiết kế cải tạo công trình đang tồn tại thì dự án sẽ có sức thuyết phục hơn.
Cũng theo PGS Đặng Văn Bài, về tổng thể dự án cải tạo kiến trúc điểm dừng chân nên đi theo hướng kiến trúc xanh hay kiến trúc sinh thái. Đó là, thiết lập lối sống gần gũi với thiên nhiên, tiết kiệm nguồn năng lượng và bảo vệ môi trường trong lành, sạch đẹp theo tiêu chí phát triển bền vững. Trong tương lai, khu Công viên địa chất và danh thắng Mã Pí Lèng có thể còn xây dựng thêm các công trình kiến trúc mới đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như du lịch ở Hà Giang. Vì thế, dù là dự án cải tạo một công trình sai phạm, chúng ta vẫn nên tạo ra một “công trình mẫu” về thái độ ứng xử với môi trường, triết lý môi trường hay “đạo đức môi trường” với một số tiêu chí cụ thể phù hợp với điều kiện sinh thái - nhân văn trong khu Công viên địa chất...
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng với những sai phạm kéo dài của công trình Panorama là hiện tượng “nhờn” luật, coi thường luật trong lĩnh vực di sản văn hóa. Chính vì thế việc sửa sai cho công trình vi phạm Panorama Mã Pì Lèng dễ tạo tiền lệ xấu. Thậm chí vẽ đường cho nhiều công trình sai phạm tương tự.
Trao đổi với phóng viên, đại diện UBND tỉnh Hà Giang cũng cho biết dự kiến trong tháng 3/2020, bản thiết kế công trình Paranoma sẽ tiếp tục được chỉnh sửa, sau đó sẽ được gửi lên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trường Đại học Kiến trúc, Ủy ban UNESCO, Cục Di sản văn hóa. Tuy nhiên, khi được hỏi về quan điểm của tỉnh về vấn đề này thì dường như mọi việc đã được “an bài” theo đề nghị của chủ đầu tư công trình.
Việc giải quyết cho công trình sai phạm Panorama cho thấy nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý, nếu không nói là có sự hậu thuẫn từ chính địa phương. Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Hà Giang khẳng định quan điểm và phương hướng giải quyết của tỉnh là không bao che sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan; sẽ khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình theo đúng các quy định của pháp luật. Thế nhưng thay vì xử lý mạnh tay với một công trình sai phạm thì việc “kéo dài thời gian” để rồi từ đó đi đến những thỏa hiệp để giữ lại công trình. Cách làm này đang tạo nên một tiền lệ xấu trong công tác bảo tồn di sản. Thậm chí nhiều người dân sau khi nhận được thông tin trên đã không khỏi bức xúc về hướng giải quyết có phần “bao che” này. Thậm chí nhiều người cho rằng rất có thể đây sẽ thành “bài học mẫu” cho nhiều sai phạm tương tự có thể xảy ra tại các di sản ở Việt Nam.
Mặc dù trước đó, UBND tỉnh Hà Giang khẳng định quan điểm và phương hướng giải quyết của tỉnh là không bao che sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan; sẽ khắc phục những sai phạm trong xây dựng công trình theo đúng các quy định của pháp luật. Thế nhưng thay vì xử lý mạnh tay với một công trình sai phạm thì việc “kéo dài thời gian” để rồi từ đó đi đến những thỏa hiệp để giữ lại công trình.