Xử lý nghiêm cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu hành vi xâm hại trẻ em

P.V 24/03/2017 08:35

Trong thời gian vừa qua, các vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực trẻ em có xu hướng gia tăng cả về số lượng cũng như tính chất phức tạp, nghiêm trọng.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ, gia đình có trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục, bị bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng chưa được triển khai kịp thời.

Đặc biệt, việc tiếp nhận, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em chưa được ưu tiên, thậm chí kéo dài, khiến các gia đình lo lắng và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Trước tình hình đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã có công văn số 995 /LĐTBXH-TE gửi các địa phương về việc tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, thực hiện các giải pháp phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em. Đặc biệt, các địa phương có trách nhiệm xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em.

Đối với những vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, được xã hội, cộng đồng dân cư quan tâm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc giải quyết, xử lý các vấn đề.

Các địa phương phải chủ động thông tin, báo cáo cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ trẻ em để được hướng dẫn giải quyết; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất, nổi cộm, phức tạp để phối hợp, hỗ trợ giải quyết.

Các địa phương phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, trách nhiệm phối hợp phòng ngừa, xử lý các vụ việc xâm hại trẻ em cho các sở, cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các cấp.

Thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương kiện toàn hoặc thành lập các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em chuyên biệt như trung tâm công tác xã hội hoặc trung tâm công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh hoặc cấp huyện, phát triển các mô hình điểm tư vấn bảo vệ trẻ em tại cộng đồng, điểm tham vấn bảo vệ trẻ em trong trường học.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt về phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với trẻ em cho cha, mẹ, các thành viên gia đình, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người trực tiếp làm việc với trẻ em.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng lưu ý về việc xây dựng, nâng cao năng lực, ổn định đội ngũ người làm công tác bảo vệ trẻ em ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã, theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 90 Luật Trẻ em để đến năm 2020 tất cả các xã, phường, thị trấn đều có ít nhất một người làm công tác bảo vệ trẻ em.

Số liệu chính thức từ Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ( Bộ LĐ-TB&XH) cung cấp mới đây cho hay, trung bình hằng năm có hơn 2.000 vụ xâm hại tình dục và bạo hành trẻ em. Trong đó, trẻ bị xâm hại tình dục chiếm gần 70%. Cụ thể hơn, cứ mỗi giờ trôi qua lại 1 trẻ em Việt Nam bị xâm hại.

Ông Đặng Hoa Nam– Cục trưởng cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho rằng con số thống kê chỉ thể hiện phần nổi của tảng băng chìm, đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện xử lý vì trong xã hội hiện nay trẻ em có thể bị xâm hại ở bất kỳ đâu, bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý nghiêm cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu hành vi xâm hại trẻ em