Ngày 21/12/2021, khi đề nghị được xem hình ảnh và clip liên quan đến hiện trạng điểm thi công xử lý sạt trượt tại đoạn Km11+480 - Km11+780 (T) đường Hòa Lạc - Hòa Bình, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khẳng định về việc đơn vị thi công sai, không có báo cáo, và sẽ không được chấp thuận thanh toán. Tuy nhiên, trong báo cáo của Công ty TNHH BOT QL6 - Hòa Lạc - Hòa Bình lại đang cố tình “lấp liếm” thực tế.
Từ thời điểm tháng 11/2018, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) đã có ý kiến về việc Thiết kế điều chỉnh một số hạng mục công trình - Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức Hợp đồng BOT; xác định nguồn kinh phí thực hiện lấy từ nguồn kinh phí dự phòng, còn lại của dự án với sự chấp thuận của Bộ GTVT đối với một số điểm sạt trượt.
Tại đoạn Km11+480 - Km11+780 được đưa ra phương án đào ngả mái taluy với độ dốc 1/2 và đề nghị Chủ đầu tư chỉ đạo tư vấn tiếp thu làm cơ sở hoàn chỉnh thiết kế, tổ chức thẩm định, phê duyệt làm cơ sở triển khai thi công.
Sau đó, Công ty BOT đã trình giải pháp xử lý tại điểm chống sạt lở này với mái taluy có độ dốc từ 1/1 sang độ dốc 1/2; xây dựng lại rãnh bậc cơ, bậc nước phù hợp với giải pháp mới (kèm theo báo cáo Thẩm tra và Hồ sơ thiết kế do các công ty chuyên môn lập).
Phương án được chấp thuận với việc giải phóng mặt bằng (GPMB) 0,6ha đất và thi công chống sạt trượt với 3 mái taluy có độ dốc mái taluy là 1/1,5.
Dẫu vậy, quá trình thi công vẫn được áp dụng vào công tác “phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai” để lý giải cho việc thi công sai, thực hiện hoàn công sau thi công và không có hồ sơ thiết kế trước.
Chủ đầu tư đã để đơn vị thi công khai thác cả một khối lượng đất rộng lớn, sát với mặt đường, không còn tạo được mái taluy như phương án được chấp thuận trước đó, không báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Việc thi công chậm tiến độ so với yêu cầu.
Chỉ đến khi tiếp nhận những thông tin phản ánh và cử đơn vị chuyên môn kiểm tra hiện trạng, ngày 6/12/2021 Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới ra văn bản yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, báo cáo về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Qua báo cáo, Công ty BOT QL6 đưa ra đề nghị với Tổng cục Đường bộ Việt Nam với một số nội dung: Với đoạn Km11+480 – Km11+760 do mái taluy đã ổn định nên sẽ không thực hiện đào ngả mái taluy, chỉ thực hiện xúc dọn, san gạt và hoàn thiện phần mặt bằng đã thi công. Đoạn Km11+760 – Km11+780 cho phép tiếp tục thi công theo phương án mà Công ty BOT đã báo cáo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại văn bản số 100/BOTQL6-KHTH ngày 29/9/2021 (Thể hiện: việc chấp thuận bổ sung hạng mục xử lý sụt lở đoạn Km11+480 đến Km11+780 vào chi phí khắc phục hậu quả mưa bão giai đoạn vận hành dự án vì nguồn vốn dự phòng trong tổng mức đầu tư dự án là không còn phù hợp).
Trong khi đó, biên bản làm việc được đề ngày 10/12/2021(sau khi có yêu cầu tạm dừng của Tổng cục Đường bộ Việt Nam vì thi công sai) thể hiện việc kiểm tra hiện trường kèm nhưng một số ý kiến: Đơn vị Tư vấn giám sát cho rằng mái taluy dương đã được đào bạt cơ bản ổn định trong phạm vi đoạn từ Km11+480 - Km11+760 và cần thiết phải đào ngả mái taluy đoạn từ Km11+760 - Km11+780 để đảm bảo cho công trình. UBND huyện Thạch Thất nêu việc thi công đoạn từ Km11+480 - Km11+760 đã thi công vượt phạm vi GPMB của dự án, không được đào vào bên trong nữa, chỉ được san gạt mặt bằng, hốt dọn đất cát và vệ sinh phía bên ngoài; Đoạn Km11+760 - Km 11+780 chỉ được hốt dọn, đào ngả mái taluy và dọn dẹp trong phạm vi đất đã giải phóng mặt bằng; Đề nghị Công ty BOT cung cấp cho chính quyền địa phương hồ sơ pháp lý và tài liệu liên quan đến triển khai thực hiện gói thầu và chỉ được thi công tiếp khi có văn bản đồng ý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Còn đại diện xã Yên Trung thì đề nghị Công ty BOT phối hợp cắm lại mốc giới GPMB để thuận tiện trong công tác quản lý…
Thực tế ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, việc thi công vẫn đang dừng lại; việc căng dây, cắm biển đảm bảo an toàn giao thông không được thực hiện; lượng lớn đất đá tràn ra đường, lấp kín rãnh thoát nước không được hốt dọn. Qua quan sát có thể nhận thấy, việc thi công đã không còn tạo đường mái taluy như phương án được chấp thuận, lượng lớn đất đã được khai thác tạo mặt phẳng thấp gần bằng so với mặt đường, sâu vào phía trong khoảng 40m đến 50m (tính từ lề đường). Trong khi đó, Biên bản làm việc của các cơ quan liên quan và Báo cáo của Công ty BOT lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam lại “lờ đi” sai phạm khi không đưa ra những căn cứ xác thực trên cơ sở khoa học, số liệu kỹ thuật.
Trao đổi về việc xác định sai phạm từ hiện trạng, trách nhiệm và giải pháp xử lý ra sao sau khi yêu cầu và nhận được báo cáo của Công ty BOT, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã nhận được báo cáo của Công ty BOT nhưng chưa có văn bản thể hiện ý kiến về nội dung này.
Lãnh đạo Công ty TNHH dịch vụ và xây dựng Phương Nam (nhà thầu thi công) “khoe nhiều sự quen biết”. Đồng thời “bật mí”, tại vị trí khai thác (điểm xử lý sạt lở đoạn Km11+480 - Km 11+780) đang làm tờ trình xin làm “Trạm dừng nghỉ” chứ không phải chỉ mấy xe đất. Tại vị trí đó mua đất của dân với khoảng 5ha (đất đồi 50 năm, đất rừng), khoảng 14 tỷ đồng. Công ty BOT chỉ quản lý 50m lưu không (tính từ mép đường vào phía trong). Bước 2 sẽ xin tờ trình của UBND huyện cho san gạt để trồng cây vì bản chất khi đã bóc ra rồi lớp đất hữu cơ sẽ hết đi…
Tuy nhiên, vị này cho rằng: Câu chuyện sạt lở là có thật, phải làm vì có tính chất nguy hiểm. “Các ông ấy loay hoay từ năm 2018 có làm được đâu, mình phải đứng ra giúp cho Công ty 36, cho anh em có công ăn việc làm. Công ty 36 sẽ chuyển tiền thanh toán cho Công ty Phương Nam. Bản chất của công trình bão lũ là… làm xong báo cáo”, vị này nói.