Đến thời điểm hiện tại, các trường đại học (ĐH) đã có quyết định buộc thôi học các sinh viên nằm trong diện thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018. Trong số này, có nhiều thí sinh đang từ điểm 0, thậm chí có 2 điểm 0 được nâng lên thành điểm giỏi.
Bộ GDĐT sẽ siết chặt các khâu kỹ thuật trong kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Buộc thôi học thí sinh gian lận điểm thi
Biến từ điểm 0 thành điểm giỏi, chuyện tưởng chừng như không bao giờ có nhưng lại xảy ra trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Đơn cử như trường hợp thí sinh N.H.Q. ở tỉnh Hoà Bình có tới 2 điểm 0 môn Vật lý và Hóa học. Cụ thể, trong lần chấm đầu tiên, môn Toán thí sinh N.H.Q. được 9,2 điểm, môn Vật lý được 9 điểm và môn Hoá học được 9,25 điểm. Đây là thí sinh tự do chỉ thi 3 môn tổ hợp khối A để xét tuyển ĐH. Sau khi chấm thẩm thẩm định, điểm thực của thí sinh này chỉ là 1 điểm môn Toán, môn Vật lý và môn Hoá học đều được 0 điểm. Tức tổng điểm chênh lệch cả 3 môn của thí sinh này lên tới 26,45 điểm.
Tại Sơn La, thí sinh N.A.T. được nâng từ điểm liệt lên thành điểm giỏi. Đáng lẽ bị trượt tốt nghiệp nhưng được nâng điểm để nằm trong trong “top” thí sinh điểm cao của Sơn La. Cụ thể, 3 môn Toán, Lý, Ngoại ngữ của N.T.A. trước khi bị phát hiện nâng điểm lần lượt là 9 - 9 – 9. Sau chấm thẩm định, điểm thực lần lượt là 0 - 0,25 - 0,2. Thí sinh này được nâng tổng cộng 26,55 điểm/3 môn. Với quy định của Bộ GDĐT, điểm chấm thẩm định sẽ dùng để công nhận tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, cao đẳng (CĐ), thí sinh này chính thức bị trượt tốt nghiệp.
Mới đây nhất, GS.TS Đinh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại cho hay, nhà trường đã nhận được đơn xin thôi học của một sinh viên ở Hòa Bình trước khi Sở GDĐT tỉnh này gửi danh sách thí sinh được nâng điểm. Đây là thí sinh duy nhất của Hòa Bình trúng tuyển vào trường, đã được nâng hàng chục điểm. Hiệu trưởng nhà trường nhận định sinh viên trên biết mình nằm trong danh sách được nâng điểm nên chủ động xin thôi học. Cũng theo ông Sơn, việc rà soát thí sinh gian lận vẫn tiếp tục, không phải chỉ quy định trong một vài tháng, mà cả khóa học (khoảng 4 năm). Quá trình này, nếu phát hiện gian lận, sinh viên vẫn bị xóa tên khỏi danh sách trúng tuyển và xử lý theo quy định.
Trước đó, hàng loạt các trường ĐH cũng đã rà soát và ra thông báo buộc thôi học với một số thí sinh ở Hòa Bình được nâng điểm. Đơn cử như Trường ĐH Ngoại thương nhận được danh sách 3 thí sinh có điểm thi bị điều chỉnh do Sở GDĐT Hòa Bình gửi. Trong 3 thí sinh này có 2 em sau khi điều chỉnh không đủ điểm trúng tuyển theo mã xét tuyển đã đăng ký. Vì thế, trường đã đưa ra khỏi danh sách trúng tuyển năm 2018 và các em này bị buộc thôi học. Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng nhận được danh sách 5 thí sinh có điểm thi bị điều chỉnh, trong đó 2 thí sinh có điểm thấp hơn mức chuẩn nên bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển, 3 thí sinh còn lại có điểm cao hơn điểm trúng tuyển nên vẫn học bình thường.
Học viện Cảnh sát nhân dân cũng phát hiện và buộc thôi học 17 thí sinh được nâng điểm, đã trúng tuyển năm 2018. Học viện An ninh nhân dân phát hiện 9 trường hợp được nâng điểm. Trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy có 2 sinh viên được nâng điểm… Tổng cộng khối trường công an phát hiện và buộc thôi học 28 sinh viên trúng tuyển có liên quan gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình.
ĐH Y Hà Nội cũng vừa chính thức buộc thôi học 3 thí sinh nâng điểm. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 3 sinh viên học Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội đã bị loại khỏi “cuộc chơi” do gian lận thi cử, trong đó có 2 sinh viên đến từ Sơn La và 1 sinh viên đến từ Hòa Bình. Đáng chú ý, thí sinh V.H.L. ở Sơn La được nâng 15,3 điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018. Trước đó, thí sinh này đỗ Y đa khoa điểm cao chót vót thứ 3 toàn trường với 28,4 điểm. Trong đó, điểm thi môn Toán là 9,4 điểm, môn Hóa học là 9,5 điểm và môn Sinh học là 9,5 điểm. Kết quả chấm thẩm định của Bộ GDĐT vừa qua, điểm lần lượt của sinh viên này là Toán 5,6 điểm, Hóa 3,4 điểm, Sinh 4 điểm. Như vậy, sinh viên này được tăng khống 15,3 điểm. Môn được tăng nhiều nhất là Hóa học, 6,1 điểm.
Hiện tại, các trường ĐH vẫn đang chờ danh sách thí sinh có điểm thi gian lận do Sở GDĐT tỉnh Sơn La thông báo để xử lý. Lãnh đạo các trường ĐH đều chia sẻ những sinh viên nào lọt vào trường, nhưng điểm chấm thẩm định thấp hơn chuẩn đầu vào thì trường sẽ kiên quyết xử lý loại bỏ. Chỉ cần khi các địa phương gửi danh sách cụ thể thì các trường sẽ ngay lập tức xử lý.
Vẫn được thi THPT quốc gia 2019
Trước băn khoăn của dư luận về việc xử lý ra sao với những thí sinh gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018? Tước quyền dự thi trong 2-3 năm của những thí sinh này, hay cho các em dự thi vì quy chế hiện không cấm? Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) đã có thông báo chính thức về phương án xử lý đối với thí sinh Hòa Bình, Sơn La có liên quan đến vụ gian lận điểm thi năm 2018.
Theo đó, hiện nay, các sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La, Hòa Bình vẫn đang trong quá trình tiếp tục điều tra, hoàn thiện, củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành. Việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi năm 2018 được quy định ở Điều 49 trong Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GDĐT về thực hiện Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT; Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy áp dụng cho năm 2018; các Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Cục Đào tạo (Bộ Công an), Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) và các cơ sở giáo dục ĐH đã và đang nghiêm túc xử lý các thí sinh liên quan theo các Quy chế nói trên.
Căn cứ kết quả điều tra của Cơ quan điều tra, các cá nhân, tổ chức liên quan sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018. Tại thời điểm này, kết quả chấm thẩm định đối với các thí sinh liên quan là kết quả chính thức của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Kết quả này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2018.
Như vậy, theo quy định của Quy chế THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT thì các thí sinh liên quan nói trên vẫn có thể được đăng ký dự thi Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Tuy nhiên, nếu kết quả điều tra xác định được thí sinh nào sai phạm thì sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý ở mức độ phù hợp theo quy định của pháp luật.
Quan điểm của các chuyên gia giáo dục là nên tạo điều kiện để cho các thí sinh gian lận thi cử có cơ hội sửa sai. TS Tâm lý học Nguyễn Hiếu Triển cho rằng, nên tạo điều kiện để các em được đứng lên, vào đời bằng chính năng lực thật của họ. Tiêu cực thi cử có sự tham gia tác động trực tiếp của một số người công tác trong ngành giáo dục là điều đau xót và đáng xấu hổ. Dẫu thế, từ những sai sót đã xảy ra, cũng rút ra được nhiều bài học về việc tăng cường kiểm tra giám sát tại các hội đồng thi ở các địa phương và tăng cường vai trò của các trường ĐH trong kỳ thi THPT quốc gia 2019. Trong đó đáng chú ý nhất là khâu lựa chọn nhân sự tham gia mọi công đoạn của kỳ thi. Quy chế thi nên bổ sung quy định chế tài xử phạt thật nghiêm khắc cán bộ và thí sinh sai phạm.