Xử lý việc theo hiệu ứng truyền thông

Cẩm Anh 05/12/2020 13:30

Chuyện cây cầu chỉ là ví dụ để thấy người ta vẫn quản lý bằng cách ứng xử kiểu thấy ở đâu có vấn đề nhờ hiệu ứng của truyền thông thì vá ở đấy.

Nhiều vụ việc chỉ được cơ quan chức năng vào cuộc khi truyền thông vào cuộc, dư luận lên tiếng. Trong ảnh: Học sinh ở bản Huổi Hạ (Na Sang, Mường Chà, Điện Biên) phải chui túi nilon nhờ người lớn đưa qua suối để tới trường.

Cách đây vài năm, khi xuất hiện trên truyền thông hình ảnh cô giáo và học sinh phải chui vào túi ni lông để bơi qua sông đến trường, hay khi một cái cầu treo đổ sập khiến nhiều người chết thì người ta lại thấy lãnh đạo ngành chức năng lập tức lên tiếng là chúng tôi sẽ xây cầu. Đây cũng là một kiểu điển hình khác của quản lý nhà nước thiếu quy hoạch, thiếu chiến lược phát triển tổng thể, chỉ ứng phó sau khi các sự việc xảy ra đã gây lên hậu quả.

Vừa rồi lũ lụt ở miền Trung khiến nhiều vùng đất sạt lở, vùi lấp cả làng mạc, nhà cửa, ruộng vườn. Vùi lấp cả đồng bào chiến sĩ, có những người mất tích đến giờ vẫn còn chưa tìm thấy. Và chúng ta mới vỡ ra nhiều vấn đề cho hoạch định chính sách cho vùng lũ, cho các khu vực dân cư thường gặp phải lũ lụt. Thiếu quá nhiều thứ để đảm bảo rằng người dân được sống an toàn như sơ tán dân khi có bão lũ, như cảnh báo sạt lở, như di dân đến sinh sống ở những khu vực an toàn hơn, như quy hoạch thủy điện… Tất cả những vấn đề đặt ra xung quanh đời sống nhân dân cần có một quy hoạch tổng thể, cần quan tâm đến đời sống nhân dân một cách bao quát, toàn diện theo đúng trách nhiệm của mỗi ngành mỗi cấp. Chứ không phải là chạy theo xử lý vấn đề theo “hiệu ứng truyền thông”. Và chỉ xử lý vấn đề khi mọi chuyện đã “vỡ lở” trên truyền thông thì chỉ là cách xử lý tình thế, có hơi hướng cho “an lòng dư luận”.

Chỉ nói riêng vấn đề cứu trợ người dân vùng lũ vừa qua, không phải không có lúc chính các cơ quan có trách nhiệm cũng đã có những phát ngôn và ứng xử không công bằng với đội ngũ cán bộ cơ sở đang vừa phải sống trong lũ vừa hết lòng hết sức lo việc dân việc xóm. Chỉ bởi vì xuất hiện dư luận về việc bớt xén tiền quà cứu trợ, người ta nhanh chóng đổ lỗi cho cán bộ cơ sở mà không thấy hết được khó khăn và lý lẽ của họ khi phải làm việc điều hòa đảm bảo công bằng và tình làng nghĩa xóm.

Trở lại với ví dụ về tuyên bố của cơ quan chức năng về việc xây ngay một cây cầu khi xuất hiện một “clip gây rung động dư luận”, sẽ còn có nhiều nơi thiếu một cây cầu mà không có clip, thì sao? Ví dụ trước khi có việc chui vào túi ni lông bơi qua sông thì trước đấy một thời gian cũng đã có việc đu dây qua sông. Thay vì xem clip để tuyên bố làm cầu (chứng tỏ ngân sách không thiếu, chỉ là họ không biết ở nơi xa xôi nào đó thiếu cây cầu) thì cần một sự rà soát tổng thể và quy hoạch tổng thể trong vấn đề đầu tư cơ sở vật chất cho vùng sâu vùng xa.

Chuyện cây cầu chỉ là ví dụ để thấy người ta vẫn quản lý bằng cách ứng xử kiểu thấy ở đâu có vấn đề nhờ hiệu ứng của truyền thông thì vá ở đấy.

Thỉnh thoảng lại xuất hiện một vụ đánh đập, ngược đãi trẻ em, còn bao nhiêu trẻ em đang bị đánh đập, ngược đãi hàng ngày chưa được quay clip? Ở những vùng người dân không biết quay clip hay không được báo chí để mắt tới thì sao?

Tạo được hiệu ứng nhờ truyền thông, nhưng nếu không thực sự lo việc dân bằng những kế hoạch dài hơi và tổng thể, các cơ quan nhà nước sẽ sa vào “bẫy” truyền thông là chỉ chạy theo giải quyết việc “nóng” mà vá xong một chỗ trống này, vài bữa sau lại phát sinh một việc khác tương tự.

Chờ thấy báo chí phản ánh chỗ nào thì “vá” ở chỗ ấy, bao giờ mới hết chỗ thủng?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý việc theo hiệu ứng truyền thông