Ngày 27/3, Ủy ban Tư pháp phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức cuộc họp với các cơ quan, tổ chức hữu quan về việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Nhiều đại biểu nhận định xâm hại tình dục trẻ em đã ở mức báo động. Nhiều cơ quan liên quan đến việc này nhưng không thể “đưa đi đẩy lại” khiến tình hình thêm phức tạp.
Trẻ em như búp trên cành. (Ảnh minh họa).
Những con số đáng lo ngại
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ 2012-2016 cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước. Số vụ bị xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ, chiếm khoảng 65%. Tuy nhiên con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.
Là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề chăm sóc bảo vệ trẻ em, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, tính bình quân mỗi năm trên 1.000 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em với diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, có em bị xâm hại khi chỉ vài tháng tuổi, đặc biệt trong số những người xâm hại lại quan hệ họ hàng với nạn nhân, từ bố đẻ, bố dượng, rồi người già, hay bị tác động xấu của môi trường mạng internet. Nhiều vụ gia đình nạn nhân ngại, chưa khai báo nên cũng chưa phán ánh đúng thực trạng.
Theo ông Nguyễn Minh Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, đây là vấn đề nóng và bức xúc khi thời gian qua ngành y tiếp nhận nhiều vụ việc liên quan đến giám định pháp y như thấy đang phả hơi nóng vào ngành y. “Tính chất mức độ đã đặc biệt nghiêm trọng khi qua giám định pháp y 2.000 trường hợp có dấu hiệu vi phạm hàng năm cho thấy các vụ xâm hại tình dục đối với trẻ vị thành niên chiếm đến 1/3. Báo cáo của các bệnh phụ phụ sản và bệnh viện nhi trong năm 2016 và Quý I-2017 cho biết có 33 trẻ bị xâm hại tình dục, trong đó có 29 trẻ dưới 16 tuổi sinh con do bị hiếp dâm là con số cần suy nghĩ”- ông Quang nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà- Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho rằng, tình hình trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, có một số vụ coi thường pháp luật. Các số liệu thống kê vẫn chưa phản ánh hết, nhưng tính riêng trong số trên 1.000 vụ của năm 2016 thì có tới 84% trẻ em gái bị xâm hại tình dục. Tuy nhiên, hiện còn coi trọng chứng cứ, chính việc yêu cầu chứng cứ nhiều khi gây khó trong thu thập,trong xử lý. Bên cạnh đó, nhận thức trong gia đình còn e ngại trong tố giác tội phạm. Nạn nhân chưa nhận thức được nên không thông tin cho người khác, chưa kể nhiều trường hợp do chính người trong gia đình gây ra.
Cần có quy định rõ ràng, cụ thể
Đề cập đến thời gian qua, một số vụ xâm hại trẻ em có thời gian điều tra xác minh kéo dài, Đại tá Hoàng Văn Vĩnh- Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự C45, Bộ Công an cho biết, do vụ việc được phát hiện chậm vì gia đình nạn nhân mặc cảm sợ ảnh hưởng đến tương lai của các em nên thời gian lâu mới khai báo, trong khi đó chứng cứ đã bị tiêu hủy làm ảnh hưởng đến công tác điều tra của đối tượng phạm tội.
Theo ông Vĩnh, hầu hết trẻ em bị xâm hại đều nhỏ tuổi, không có nhân chứng nên khai báo không chính xác, khai báo chủ yếu qua lời dặn của bố mẹ làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, khám phá. Rồi thu thập chứng cứ không được đồng thuận giữa các cơ quan khi không có nhân chứng vật chứng chỉ qua lời kể, nhiều khi đối tượng đã bỏ trốn.
Ông Nguyễn Hải Phong- Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao cho rằng, trong giám định không quy định thời hạn giám định cho nên có trường hợp vi phạm thời hạn, còn tình trạng giám định viên kiêm nhiệm nên đưa ra kết luận không khách quan, vướng trong giám định. Do đó cần quy định thời hạn giám định. Từ đó ông Phong đề nghị khi sửa đổi Bộ luật Hình sự cần quy định rõ hành vi dâm ô là như thế nào? Chính việc chưa định nghĩa nên dẫn đến những cách hiểu khác nhau, gây khó khăn trong việc áp dụng. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết về vấn đề này để có hiệu lực hiệu quả ngay. Hay Hội đồng Thẩm phán cần có nghị quyết hướng dẫn về dâm ô vì gây khó trong bào chữa, bởi đã có chuẩn đâu mà bào chữa cho nên cần có quy định thể.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Văn Hạnh- Phó Chánh án TAND tối cao cho rằng, trước kia xâm hại trẻ em chỉ diễn ra ở vùng sâu xa, vùng dân tộc hẻo lánh nhưng hiện đã xảy ra ở đô thị, thành phố. Lời khai không nhất quán của nạn nhân đã tạo kẽ hở trong xử lý vì các em còn nhỏ nhận thức pháp luật còn hạn chế. Trong khi giám định không yêu cầu thời gian nên cũng gây khó khăn trong công tác xử lý. Theo ông Hạnh, quy định về dâm ô với trẻ em cần được quy định cụ thể hơn, tránh lúng túng chậm trễ trong áp dụng.
9 cơ quan liên quan, nhưng ai chủ trì?
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề: Dư luận bức xúc khi người bị hại có đơn đề nghị đưa cháu bé đến cơ quan công an, luật sư vào cuộc, khởi tố vụ án được nửa năm nhưng không khởi tố được bị can, cứ bị đưa đi đẩy lại do không đủ chứng cứ. Vậy tại sao khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước có ý kiến lại khởi tố được?
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, mặc dù công an, kiểm sát, toà án nhận định số vụ đưa ra truy tố, xét xử có giảm dần trong các năm nhưng dư luận xã hội nhận định rằng ngày càng nghiêm trọng hơn, theo chiều hướng phát triển, phức tạp hơn. Ông Bình đề nghị làm rõ tại sao sự việc từ khởi tố đến xét xử đều giảm vậy bao nhiêu từ tin tố giác đi đến khởi tố? Đây chính là vấn đề quan trọng, giảm bao nhiêu phần trăm? Nguyên nhân là gì? Quản lý nhà nước hiện có tới 9 cơ quan liên quan nhưng ai chủ trì? “Luật pháp chưa đồng bộ còn kẽ hở, bảo vệ quyền cá nhân các cháu như thế nào? Tôn trọng các em hay chưa? Hay làm mệt mỏi các em hơn nữa. Vậy khoảng trống của luật pháp trong định nghĩa, trách nhiệm cụ thể của từng bộ ngành như thế nào? Vì một bên là phòng ngừa, một bên là xử lý”- ông Bình đặt vấn đề.
Là cơ quan nhà nước quản lý về vấn đề trẻ em, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Gần đây Chủ tịch nước, Thủ tướng đã có chỉ đạo trực tiếp yêu cầu làm rõ đối với một số vụ xâm hại tình dục đối với trẻ em. Hiện Bộ đang trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị tăng cường đấu tranh phòng, chống xâm hại trẻ em; đồng thời cũng đang trình Chính phủ Nghị định chăm sóc bảo vệ trẻ em trong đó có quy định cụ thể về các vấn đề này. Dự kiến ngày 10/4 sẽ ban hành Nghị định.