Để làm rõ hơn về nguyên nhân và giải pháp ngăn chặn hành vi sử dụng bạo lực với nhân viên y tế, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi cùng PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
PV:Ông đánh giá thế nào về những vụ tấn công bác sĩ đã xảy ra liên tiếp trong thời gian gần đây?
PGS. TS Nguyễn Huy Nga: Hiện tượng hành hung thầy thuốc đã diễn ra nhiều năm nay với những vụ việc tương tự và lặp đi lặp lại. Nó gần như đã trở thành một vấn nạn mà chưa thể xử lý được.
Rõ ràng, đây không chỉ là hành vi đe dọa tính mạng và sức khỏe người thầy thuốc, mà còn là sự thách thức lương tri, thách thức pháp luật vì nghề thầy thuốc là nghề cứu người. Dù bất cứ vì nguyên nhân gì thì việc tấn công bác sĩ trong lúc họ đang nỗ lực cứu chữa người bệnh là hành vi coi thường mạng sống người khác, đi ngược lại với truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc.
Tôi cho rằng đây là những hành vi vi phạm rất nghiêm trọng đến công việc, quyền hành nghề của người thầy thuốc và cũng là những hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?
- Nạn hành hung này gặp nhiều nhất ở các trung tâm, các khoa cấp cứu tại bệnh viện. Người dân vào đây ai cũng muốn mình là người được cứu chữa trước, ai cũng nghĩ là mình cần được chăm sóc ngay, ai cũng cần có thuốc luôn. Thế nhưng, bác sĩ đâu thể phục vụ yêu cầu của hàng chục con người trong cùng một thời điểm. Bác sĩ cũng cần khám bệnh, cần chẩn đoán, rồi còn cần trang thiết bị, máy móc và sự phối hợp từ các bác sĩ chuyên môn khác. Dường như có rất nhiều người không chịu hiểu rằng, thầy thuốc cũng cần làm việc theo quy trình vô cùng nghiêm ngặt để đảm bảo tính mạng cho rất nhiều người bệnh chứ không phải là bác sĩ riêng chỉ phục vụ cho yêu cầu của một cá nhân nào đó. Một nguyên nhân khác, dường như người ta nghĩ thầy thuốc nào không phục vụ theo yêu cầu thì họ cho rằng đó là vì thầy thuốc vòi vĩnh họ về vật chất.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc hành hung thầy thuốc ngày càng diễn ra thường xuyên là do xã hội, truyền thông và các cơ quan có thẩm quyền chưa có sự tham gia thích đáng. Tôi lấy ví dụ, khi bác sĩ bị hành hung, Công đoàn Việt Nam, Công đoàn Y tế cần ra thông cáo lên án mạnh mẽ rồi sự vào cuộc của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, truyền thông, cơ quan công an…
Và hậu quả của việc hành hung bác sĩ là gì, thưa ông?
- Hậu quả đương nhiên là ảnh hưởng tới lực lượng y bác sĩ khiến thầy thuốc không yên tâm công tác, sức khỏe tinh thần và thể chất của bác sĩ bị hành hung cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ngoài ra, người chịu hậu quả nặng nề khác nữa là người bệnh. Hãy phân tích, trong luật an toàn vệ sinh lao động đã có quy định rất rõ, khi nhân viên y tế gặp nguy hiểm thì có thể rời khỏi vị trí làm việc - đó là quyền của người thầy thuốc. Vậy bây giờ thử nghĩ, trong khoa cấp cứu lúc đó có vài người đang nguy hiểm tới tính mạng, anh tấn công bác sĩ chịu trách nhiệm điều trị cho những người đó, người bác sĩ đó có thể rời đi vì họ có quyền hoặc anh tấn công khiến bác sĩ không thể tiếp tục công việc được. Vậy tính mạng của những người bệnh còn lại sẽ ra sao? Trong khi đó, rất nhiều bệnh nhân nhập viện tại khoa cấp cứu trong tình trạng tính mạng chỉ còn được tính bằng phút?
Vậy theo ông cần những biện pháp gì để hạn chế, ngăn chặn tình trạng này?
- Một trong những biện pháp là đối với bệnh nhân cấp cứu thì không để người nhà của bệnh nhân vào viện. Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thực hiện phương thức này và tôi thấy đây là biện pháp rất hợp lý. Những trường hợp hành hung bác sĩ cần xử thật nặng, thậm chí nếu khung pháp luật còn thấp thì cần nâng thêm để mang tính răn đe. Bên cạnh đó, theo tôi cơ quan có thẩm quyền cần đề xuất để có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa bệnh viện và cơ quan công an, để có thể xuất hiện kịp thời, ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra cho các y bác sĩ.
Trân trọng cảm ơn ông!