Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch và những bệnh mạn tính khác. Với trẻ thừa cân, béo phì, cần phải có một chế độ dinh dưỡng khoa học giúp giảm lượng mỡ thừa mà vẫn đảm bảo dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện.
Nghỉ hè là dịp trẻ vui chơi, ăn uống thoải mái. Nhiều phụ huynh thậm chí chủ quan “thả cửa” cho con ăn. Trẻ ở độ tuổi học đường dễ tăng cân, đặc biệt với những bé thích ăn các món giàu đường, béo, đạm... Thực tế, nhiều trẻ chỉ sau vài tháng nghỉ hè đã tăng vài kilogam, trở nên thừa cân.
BS Nguyễn Anh Duy Tùng – Trung tâm Thông tin Y khoa (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh) cho biết, chế độ ăn cho trẻ béo phì muốn giảm cân cần cung cấp đủ 4 nhóm chất cần thiết đối với sự phát triển của cơ thể gồm chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất. Đồng thời, chế độ ăn của trẻ cần đáp ứng nhu cầu năng lượng cho các hoạt động và tăng trưởng của cơ thể, phù hợp với chế độ vận động hàng ngày.
Cụ thể, cần sử dụng thực phẩm giàu protein như thịt ít mỡ, tôm, cua, cá, sữa đậu nành, phomai, trứng, sữa bột tách bơ, đậu đỗ để bổ sung chất đạm cho trẻ. Hàm lượng protein cần bổ sung cho trẻ mỗi ngày: Trẻ từ 1 - 3 tuổi: cần 19 – 25g/ngày; Trẻ từ 4 – 8 tuổi: cần 25 – 40g/ngày; Trẻ từ 9 - 13 tuổi: ít nhất 40g/ngày.
Phụ huynh cần cho trẻ sử dụng các thực phẩm chứa glucid có nhiều chất xơ như bánh mì đen, ngũ cốc nguyên hạt… Bổ sung chất béo lành mạnh cho trẻ thông qua các thực phẩm chứa chất béo không no, giàu omega-3 như cá hồi, các loại cá béo, dầu oliu… Điều này không chỉ giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể mà còn giúp não bộ phát triển, tăng khả năng hấp thụ vitamin, giảm cân nặng. Tăng hàm lượng chất xơ, rau xanh và trái cây trong các bữa ăn hàng ngày nhằm bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ.
Tránh cho trẻ ăn thực phẩm quá nhiều gia vị, cân chỉnh lượng muối trong bữa ăn hàng ngày, dưới 5g/ngày. Đặc biệt, nếu trẻ hoặc gia đình có tiền sử tăng huyết áp, chỉ nên dùng 2 - 4g/ngày. Đa dạng hóa món ăn mỗi ngày, thay đổi cách chế biến nhằm kích thích vị giác của trẻ. Bố mẹ nên ưu tiên chế biến thực phẩm ở dạng hấp, luộc, ăn thức ăn thanh đạm, ít cholesterol.
Trẻ béo phì vẫn nên duy trì chế độ ăn điều độ, đủ 5 bữa/ngày, ăn đúng bữa, ăn chậm nhai kỹ. Lưu ý, bữa ăn cuối trong ngày của trẻ nên cách giờ đi ngủ ít nhất 2 tiếng. Ngoài ra, bố mẹ cần hạn chế cho trẻ ăn các thực phẩm nhiều chất béo, cholesterol, thức ăn nhiều năng lượng, nhiều đường, thức uống có chất kích thích như trà sữa, cà phê, thịt mỡ, bơ, nội tạng động vật, đồ chiên rán, bánh kẹo, mứt, kem, nước ngọt, chocolate…
Ngoài ra, chế độ vận động phù hợp là một phần không thể thiếu trong quá trình giảm cân của trẻ béo phì. Bố mẹ nên khuyến khích, tạo điều kiện cho trẻ vận động nhiều hơn để tiêu thụ hết năng lượng dư thừa trong cơ thể. Trẻ nên vận động ít nhất 1 giờ/ngày, giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại… không quá 2 giờ/ngày.