Hiện nay, việc thị trường Trung Quốc gia tăng kiểm soát thuỷ sản đông lạnh nhằm tránh lây lan dịch Covid-19 khiến nhiều lô hàng cá tra Việt xuất sang bị ách tắc tại cảng. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) đề nghị các doanh nghiệp (DN) cá tra cần phối hợp chặt chẽ với nhà nhập khẩu nắm bắt thông tin để điều chỉnh lịch xuất hàng hợp lý.
Nhiều DN phản ánh, từ ngày 10/11/2020 đến nay, phía cơ quan chức năng tại cửa khẩu Trung Quốc tăng cường kiểm soát hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu, trong đó có sản phẩm cá tra đông lạnh Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Cụ thể, là các lô hàng thủy sản đông lạnh bao gồm cá tra philê nhập khẩu vào Trung Quốc sẽ phải lấy mẫu kiểm tra Covid-19 trên bao bì và sản phẩm ngay tại cảng.
Vì vậy, Vasep khuyến cáo các DN chế biến, xuất khẩu xuất khẩu cá tra, thời gian này, cần bình tĩnh, tránh nôn nóng chào giá thấp sang Trung Quốc và hạ giá cá tra nguyên liệu. Bởi vì điều này không những không giúp giải tỏa ách tắc hàng ở cảng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Trước đó, Vasep đã báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc các nhà nhập khẩu thủy sản tại Trung Quốc đã và đang đề nghị với các DN cá tra Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu nhằm giảm thiệt hại cho cả hai phía, đặc biệt đang vào dịp cuối năm khi nhu cầu nhập khẩu thủy sản cao nhất.
Có thể thấy, việc mắc kẹt ở “cửa ải” thông quan rất bất lợi cho ngành hàng cá tra vốn loé lên chút hy vọng phục hồi ở thị trường Trung Quốc trong tháng cuối năm nay sau những tháng sụt giảm mạnh vì dịch Covid-19. Thống kê trong 11 tháng năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 385,9 triệu USD, dù chiếm tới 34,4% tổng giá trị xuất khẩu cá tra nhưng đã sụt giảm đến hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, trữ lượng tồn kho sản phẩm cá thịt trắng, cá rô phi của DN thủy sản Trung Quốc vẫn còn nhiều do hoạt động xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng. Do đó, Trung Quốc có thể sẽ đưa ra một số chính sách nhằm giảm nhập khẩu thủy sản trong thời gian tới. Và cá tra của ta vốn phụ thuộc lớn vào thị trường này đã bị ảnh hưởng phần nào trong việc này.
Theo ông Hồ Quốc Lực, đại diện một công ty xuất khẩu thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long, khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nếu không có kế hoạch rõ ràng, cả doanh nghiệp và nuôi cá tra sẽ gặp nhiều khó khăn.
Các chuyên gia kinh tế cho biết, dịch Covid-19 sẽ là rủi ro lớn nhất đối với sự hồi phục cá tra xuất khẩu ở thị trường Trung Quốc nếu như kênh dịch vụ (nhà hàng, khách sạn,…) chưa hồi phục về mức trước dịch trong năm 2021. Mặt khác, người tiêu dùng Trung Quốc mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, thế nhưng cá tra Việt Nam chưa phát triển mạnh kênh bán lẻ trực tuyến nên khả năng cạnh tranh đầu ra cũng gặp nhiều hạn chế.
Các chuyên gia kinh tế cũng từng chia sẻ, cá tra ngày càng đối mặt áp lực cạnh tranh hơn ở thị trường Trung Quốc khi nhiều quốc gia xuất khẩu cá tra khác ở châu Á cũng “thèm muốn” thị trường này và đang tìm mọi cách nâng chất lượng cá tra để cạnh tranh với Việt Nam.