Xuất khẩu gạo bật tăng

Hải Nhi 30/05/2021 13:00

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chỉ riêng nửa đầu tháng 5/2021, có 178.700 tấn gạo xuất khẩu đi thị trường các nước. Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo nước ta đạt hơn 1 tỷ USD với nhiều tín hiệu khả quan trong đó có việc ký kết hợp đồng với Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc... Như vậy, rất có thể xuất khẩu gạo sẽ bật tăng trong cả năm 2021.

Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng TP HCM.

Điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu

VFA cho biết, riêng tháng 4/2021, có 781.159 tấn gạo được xuất khẩu đi các thị trường với trị giá 424,217 triệu USD, tăng 47,13% về lượng và 59,92% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 1,973 triệu tấn với trị giá 1,072 tỷ USD, giảm 6,95% về lượng nhưng tăng 7,34% về giá trị so với cùng kỳ.

Về giá cả, hiện trên thị trường thế giới, mỗi tấn gạo 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 493-497 USD; gạo 25% tấm dao động 468-472 USD/tấn, tăng 5 USD. Còn gạo 100% tấm có giá 423-427 USD/tấn và gạo Jasmine là 558-562 USD/tấn.

Nhận định về xuất khẩu gạo trong tương lai, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, doanh nghiệp (DN) gạo nên tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như gạo thơm, gạo giống Nhật Japonica, gạo dẻo, gạo nếp, giảm trồng các loại gạo cấp thấp.

Bởi nếu Việt Nam sản xuất loại gạo cấp thấp sẽ không cạnh tranh được với gạo của Ấn Độ và Pakistan. Việc đầu tư gạo chất lượng cao vừa nâng cao giá trị xuất khẩu, đồng thời thâm nhập các thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước thuộc EU...

Với kết quả trên, Bộ NNPTNT dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới sẽ tiếp tục tăng.

Bởi, thứ nhất, nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao, nhất là Philippines, Malaysia, Trung Quốc, Ghana… các thị trường xuất khẩu chính đã ký tiếp hợp đồng với Việt Nam.

Thứ hai, thời tiết không thuận lợi dẫn đến sản lượng lương thực giảm như trường hợp Bangladesh, trong khi nhu cầu lương thực thế giới tăng bởi tác động của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động đến việc xay xát và vận chuyển gạo ra cảng. Còn Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh và nguồn cung dồi dào nên có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu.

Để gạo Việt tiến xa

Theo kế hoạch của Bộ NNPTNT, năm nay Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn thóc, ngoài số lượng dành cho tiêu dùng trong nước, dự trữ... thì còn dư khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu. Đáng chú ý, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Điều này là nền tảng quan trọng để gạo Việt tiếp tục bay cao tiến xa trên thị trường quốc tế, tiếp tục đạt được những con số tăng trưởng bứt phá và bền vững trong thời gian tới.

Đánh giá về chất lượng gạo của Việt Nam và khả năng chinh phục thị trường quốc tế của gạo Việt, theo Bộ NNPTNT, trong 5 năm qua ngành Nông nghiệp chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế. Lĩnh vực trồng trọt chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.

Các DN Việt Nam, đặc biệt là các công ty hàng đầu về xuất khẩu gạo như Intimex, Trung An, Lộc Trời, Cỏ May, Vinaseed... cho biết, các DN đang khép kín chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu. Chính chất lượng cao và nguồn cung lúa gạo dồi dào, sự cạnh tranh về giá sẽ hỗ trợ Việt Nam giữ vững vị trí xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, khi hiện nay một số quốc gia cạnh tranh về xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19.

Làm gì để để tạo thương hiệu gạo Việt?

Tuy vậy, cũng có một thực trạng cần sớm được khắc phục là hiện phần lớn gạo Việt Nam xuất khẩu đều mang thương hiệu của nhà phân phối, không mang thương hiệu của vùng trồng lúa hay thương hiệu của nhà xuất khẩu.

Nguyên nhân được cho là vì nhà xuất khẩu chưa làm thương hiệu hoặc nhà phân phối sở tại cho rằng thương hiệu riêng của họ có hiệu quả marketing hơn thương hiệu của nhà xuất khẩu Việt Nam, nhất là khi thương hiệu gạo Việt Nam không được người tiêu dùng sở tại biết đến.

Như vậy, để có thể tạo ra ra mức tăng trường đột phá và tăng cường vị thế bền vững cho hạt gạo Việt Nam, ngành lúa Việt Nam cần triển khai một chiến lược thương hiệu phối hợp với từng thị trường. Bên cạnh đó, cần sự nỗ lực và đầu tư nghiêm túc của DN xuất khẩu gạo trong vấn đề xây dựng thương hiệu, bảo hộ nhãn hiệu.

Thời gian qua, sau thị trường Mỹ, đến lượt thị trường Australia đang có nguy cơ gạo ngon Việt Nam bị một doanh nghiệp ở Australia nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Bắc Ailen vừa khuyến cáo, việc đăng ký nhãn hiệu thương mại tại Anh sẽ giúp các DN được bảo vệ tên của sản phẩm hoặc dịch vụ.

Từ câu chuyện của gạo ST25, chuyên gia thương hiệu (Viện Nghiên cứu chiến lược cạnh tranh và thương hiệu – BCSI) Vũ Xuân Trường khuyến cáo, để có thể bảo vệ thương hiệu nông sản Việt Nam trên cả thị trường nội địa và quốc tế, cần sự chung tay của cả các cơ quan quản lý nhà nước và DN.

Ông Trường đề xuất: Về phía Nhà nước, cần chú trọng những giải pháp như quy hoạch vùng sản xuất và thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường mối quan hệ thông tin giữa những người nông dân trực tiếp sản xuất với các nhà khoa học để nâng cao năng suất lao động, gia tăng sản lượng, sản phẩm sản xuất ra có chất lượng cao và đồng đều. Ngoài ra, tăng cường các biện pháp xúc tiến thương mại cho ngành nông sản.

Đối với các DN, cần quan tâm đến một số giải pháp gồm nâng cao nhận thức về xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản xuất khẩu. Đồng thời, đầu tư cho máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tăng thêm giá trị cho hàng nông sản.

Ngoài ra, đầu tư cho nghiên cứu thị trường nhằm tạo ra sản phẩm phù hợp. Xây dựng các quy chuẩn cho sản phẩm nhằm bảo đảm về tính minh bạch của quy trình sản xuất, từ đó tạo tấm “giấy thông hành” cần thiết cho hàng nông sản.

“Các DN cần chủ động quảng bá thương hiệu nông sản của mình ra trong nước và quốc tế. Đặc biệt, với các thương hiệu mới khi xâm nhập bất cứ một thị trường nào cũng đều gặp phải rất nhiều khó khăn. Do đó, các thương hiệu mới có thể liên kết với các thương hiệu đã có tên tuổi nhằm tận dụng sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, kỹ thuật để thâm nhập và nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm”, ông Trường nói.

Việt Nam xếp trên Thái Lan về sản lượng gạo xuất khẩu 2021

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực năm nay vẫn được kỳ vọng ở mức cao. Năm 2021, sản lượng gạo nhập khẩu toàn cầu ước đạt 44,79 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 1,89 triệu tấn gạo, giảm 10,8% về lượng. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu gạo tăng trung bình 13,4%, lên 534 USD/ tấn, nên tổng doanh thu xuất khẩu vẫn đạt 1,072 tỷ USD, tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Với dự báo trên, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo. Nước dẫn đầu về xuất khẩu gạo tiếp tục là Ấn Độ, còn Thái Lan đứng thứ 3.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu gạo bật tăng