Kinh tế

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Cơ hội và thách thức

Khanh Lê 02/01/2025 08:39

Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

ảnh chính
Thủy sản đã có một năm xuất khẩu bứt phá. Ảnh: Quang Vinh.

Nhiều nhóm hàng có thể tăng trưởng đột phá

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) thông tin, xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 đạt tới 62,4 tỷ USD, tăng tới 18,5% so với năm 2023, đặc biệt, xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 18,6 tỷ USD, tăng 53,1% (trong khi cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 23,31 tỷ USD).

Đáng ghi nhận, có tới 7 mặt hàng/nhóm mặt hàng xuất khẩu trên 3 tỷ USD, đó là gỗ và sản phẩm gỗ 16,1 tỷ USD; rau quả 7,2 tỷ USD; gạo gần 5,8 tỷ USD; cà phê gần 5,5 tỷ USD; hạt điều 4,3 tỷ USD; tôm 3,8 tỷ USD; cao su 3,2 tỷ USD. Theo các chuyên gia kinh tế, có được kết quả này là nhờ sự đóng góp tích cực của các hiệp định thương mại tự do, việc hội nhập sâu rộng, mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Cùng với đó, công tác đàm phán mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai, giúp nông - lâm - thủy sản Việt Nam ngày càng vươn xa. Đây cũng là tín hiệu tích cực, là cơ sở để xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam kỳ vọng trong năm 2025.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Tập đoàn Intimex, năm 2024 là năm thành công lớn của nông sản Việt Nam. Với trên 62 tỷ USD, giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đã vượt xa cả kỳ vọng Chính phủ, ngành nông nghiệp đã đặt ra từ 54 -55 tỷ USD.

Riêng về lúa gạo, Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu, khoảng 9 triệu tấn với 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu gạo bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn. Ông Đỗ Hà Nam chia sẻ, Việt Nam đang tạo dựng ngành hàng lúa gạo với hướng đi khác biệt là tập trung vào gạo thơm, gạo chất lượng cao, giảm dần gạo cấp thấp. Cũng nhờ đó, thị trường lúa gạo trong nước ổn định, giá gạo luôn ở mức cao, nông dân có lãi.

“Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức do biến động thị trường, thiên tai, dịch bệnh, ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà phát triển toàn diện. Đặc biệt, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản là một điểm sáng, đánh dấu những cột mốc quan trọng của ngành nông nghiệp khi bước vào kỷ nguyên mới. Giá trị xuất siêu của ngành nông nghiệp thường chiếm 65 - 72% xuất siêu toàn nền kinh tế” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá.

Theo ông Tiến, sự chuyển mình của ngành nông nghiệp là kết quả của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp bền bỉ và thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ. Việc khắc phục hạn mặn, khôi phục nhanh chóng sau thiên thai, phát triển vùng nguyên liệu gắn kết với chế biến và mở rộng thị trường xuất khẩu đã tạo động lực cho ngành phát triển bền vững. Bên cạnh đó, việc ký kết các nghị định thư, cam kết mở cửa thị trường tạo nền tảng vững chắc, giúp thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng đột phá.

Với những nền tảng có được trong năm 2024, TS Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo, xuất khẩu các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn.

Đánh giá về thị trường nhập khẩu, TS Phong cho rằng, Mỹ là quốc gia có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là thuỷ sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu, trái cây nhiệt đới.

Nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản ở Trung Quốc cũng được dự đoán tăng mạnh, rau quả tăng 6,64%/năm và thủy sản tăng 7,56%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029. Với vị trí địa lý thuận lợi, các nông sản của Việt Nam như rau, trái cây, thủy sản... vận chuyển đến Trung Quốc vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon với giá cả hợp lý. Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn cao su, sắn do nguồn cung trong nước hạn chế.

Ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, những năm tới nông sản Việt Nam cũng có thêm cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang những khu vực tiềm năng như Trung Đông và cả một số nước châu Phi.

Cơ hội song hành với thách thức

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều chuyên gia nhận định trong thời gian tới, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản sẽ gặp không ít thách thức, khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu; trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh, bền vững.

Ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho rằng, những khó khăn, thách thức về mở cửa thị trường sẽ ngày càng nhiều, nhất là nhiều nước ngày càng đưa ra các yêu cầu khắt khe. Đây là xu hướng tất yếu của quá trình phát triển. Trong khi đó, về phía chúng ta, do sản xuất nông nghiệp có quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chuỗi liên kết còn rời rạc nên để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh về chi phí logistics, hạ tầng, kho lạnh còn chưa đáp ứng được.

“Thách thức lớn trong giai đoạn tới nằm ở sự tăng trưởng. Sau 3 năm tăng trưởng "nóng", có thể thấy nguy cơ vi phạm quy định đang hiển hiện trước mắt khi mà các doanh nghiệp đua nhau mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng sản lượng xuất khẩu mà lại buông lỏng kiểm soát chất lượng. Trong khi chỉ một vài vi phạm nhỏ có thể ảnh hưởng tới cả lô hàng” - ông Hiếu nói đồng thời cho rằng, năm 2025 không nên chủ quan với việc tăng kim ngạch như những năm vừa qua. Do đó, về phía các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến tính bền vững, tác động của biến đổi khí hậu, tăng cường các chứng nhận bền vững về trách nhiệm xã hội, môi trường…

Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường (Bộ NNPTNT) Ngô Hồng Phong cũng cho rằng, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản sẽ gặp không ít thách thức, khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh, bền vững.

Để tiếp tục duy trì ổn định sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ NNPTNT đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Ngoài ra, ông Phong khuyến cáo các địa phương cần chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp, ngành hàng cần tiếp tục khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, mở rộng thị phần tại những thị trường tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...; tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam:

Chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị hàng hóa

ong-nam.jpg

Với mục tiêu nông sản của Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, chúng ta đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng thị trường nhưng một điều rất quan trọng là phải song hành với câu chuyện nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đặc biệt, đối với người nông dân, doanh nghiệp là những lực lượng trực tiếp sản xuất cần phải đặc biệt quan tâm vấn đề này.

Về xu thế trong thời gian tới, hiện nay chúng ta đang hoàn thiện và nâng cấp các hiệp định đa phương như Chương SPS trong Hiệp định ASEAN - Trung Quốc, Hiệp định ASEAN - Canada, Hiệp định ATIGA… Hầu hết các nội dung SPS ngày càng được nâng cao. Do đó, vấn đề an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật sẽ là câu chuyện mà các quốc gia ngày càng quan tâm. Đây sẽ là xu thế tất yêu của thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Cơ hội và thách thức