Kinh tế

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Tự tin hướng tới 60 tỷ USD

Khanh Lê 04/11/2024 10:08

Với kết quả 51,74 tỷ USD đạt được sau 10 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đã rất gần với mục tiêu 54 - 55 tỷ USD cho cả năm 2024, và đang tự tin để hướng tới kỷ lục mới: 60 tỷ USD.

Anh cv
Sau một thời gian dài, xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD - một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, việc ký kết 3 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu với Trung Quốc là một bước đi quan trọng, giúp mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường khó tính như UAE cũng đang được đẩy mạnh, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành nông, lâm, thủy sản.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 10/2024, xuất khẩu (XK) thủy sản ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên sau 27 tháng (kể từ tháng 6/2022), XK thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD, một dấu mốc đáng mừng cho các doanh nghiệp (DN) thủy sản Việt Nam. Lũy kế tới cuối tháng 10/2024, XK thủy sản đạt 8,27 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu thủy sản quay lại đường đua 1 tỷ USD/tháng

Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông của VASEP cho biết, trong bối cảnh các thị trường chủ lực gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nhập khẩu thủy sản, XK của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng 10. Đặc biệt, XK sang Trung Quốc bùng nổ với mức tăng 37%, khẳng định vị thế là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tháng. Tính đến cuối tháng 10, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Mỹ đạt 1,5 tỷ USD. Với đà tăng trưởng mạnh ở Trung Quốc và Hồng Kông, thị trường này có khả năng vượt Mỹ, trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam vào cuối năm nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng.

Các thị trường khác cũng không kém phần sôi động. Chẳng hạn, XK sang Mỹ tăng 31%, Nhật Bản tăng 22%, EU tăng 27%, trong khi Hàn Quốc tăng khiêm tốn hơn với 13%.

Theo bà Hằng, dù nền kinh tế châu Âu hồi phục chậm hơn so với Mỹ và Trung Quốc, nhưng tín hiệu tích cực từ mức tiêu thụ và giá nhập khẩu thủy sản đang dần hồi phục, cho thấy triển vọng khả quan cho DN Việt Nam. Đến cuối tháng 10/2024, XK sang EU đã tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại, XK sang Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn từ 1,5% đến 2%. Những yếu tố như lạm phát kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng tại hai thị trường này.

Về các mặt hàng theo VASEP, trong bối cảnh XK thủy sản tăng trưởng tốt, tôm và cá tra là hai mặt hàng có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn trong năm 2024.Tính đến cuối tháng 10/2024, XK tôm đã đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 13%, trong khi cá tra gần 1,7 tỷ USD, tăng 10%. Chỉ riêng trong tháng 10, XK tôm và cá tra đã có sự bứt phá mạnh mẽ, với mức tăng lần lượt là 26% và 24%, vượt xa cá ngừ và mực bạch tuộc.

Một tin vui cho ngành tôm Việt Nam, vào ngày 22/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam.Trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Nhờ xuất khẩu tôm tăng mạnh, nên giá tôm nguyên liệu của Việt Nam đã ghi nhận tích cực hơn kể từ tháng 7/2024. Giá tôm chân trắng nguyên liệu các cỡ 50, 80, 100 con/kg tăng đều từ tháng 7 đến tháng 9/2024. Giá trung bình tôm xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ và EU cũng ghi nhận tăng từ tháng 6/2024. Giá xuất sang Trung Quốc, Nhật Bản cũng ghi nhận tăng nhẹ.

Dự kiến, giá tôm nguyên liệu vẫn sẽ tiếp tục khả quan trong quý 4/2024, tuy nhiên có khả năng thiếu nguyên liệu cục bộ, do đây là giai đoạn Trung Quốc sẽ tăng mua cho nhu cầu Tết Nguyên đán và năm mới 2025, DN cần nguồn nguyên liệu để đẩy mạnh sản xuất các đơn hàng cuối năm. Với những kết quả và tình hình hiện nay, VASEP dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2024 sẽ đem về 3,7-3,8 tỷ USD...

anhthay.jpg
Xuất khẩu nông sản liên tiếp ghi nhận những con số khả quan. Ảnh: M.Hà.

Năm đạt giá trị xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay

Cùng với thủy sản các mặt nông, lâm sản cũng tăng trưởng khá ấn tượng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tính chung 10 tháng đầu năm, lâm sản xuất khẩu tăng gần 20%; nông sản tăng gần 26%. Xuất khẩu gạo 10 tháng đạt gần 7,8 triệu tấn với 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt, có đến 6 mặt hàng nông lâm thủy sản có thặng dư thương mại trên 1 tỷ USD, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ dẫn đầu với 10,91 tỷ USD, hàng rau quả 4,47 tỷ USD, cà phê 4,33 tỷ USD, gạo 3,68 tỷ USD, tôm 2,92 tỷ USD và cá tra 1,54 tỷ USD. Điều này không chỉ cho thấy sức mạnh của các sản phẩm xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Riêng với mặt hàng rau quả, với những diễn biến lạc quan từ thị trường cũng như kết quả đạt được đến hết quý III/2024, các chuyên gia nhận định, xuất khẩu rau quả cả năm 2024 sẽ đạt và vượt con số 7 tỷ USD, vượt mục tiêu đã đề ra.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, năm 2024 sẽ là năm thắng lợi lớn của ngành rau quả, kết quả này nhờ một phần vào nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh của Trung Quốc. Theo ông Nguyên, 2 tháng cuối năm chúng ta tiếp tục xuất khẩu sầu riêng trái vụ trong khi các nước khác không có hàng. Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng hưởng lợi khi bước vào mùa đông là thời điểm nhiều nước gặp khó khăn trong thu hoạch, còn Việt Nam vẫn duy trì điều kiện thuận lợi để trồng rau quả. “Với đà tăng trưởng cũng như thuận lợi từ phía thị trường và nguồn cung dồi dào, xuất khẩu rau quả có thể cán mốc 7,5 tỉ USD - kỷ lục chưa từng có” - ông Nguyên nhận định.

Cùng với xuất khẩu rau quả, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 10 tháng của năm 2024 đạt 423,5 triệu USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Một trong những điểm sáng là, xuất khẩu thức ăn chăn nuôi đạt 1,6 tỷ USD. Như vậy, ngành chăn nuôi cũng xuất khẩu được khoảng 2 tỷ USD.

Cà phê cũng là mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu đạt mức cao chưa từng có, với 4,6 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Giá xuất khẩu mặt hàng này trung bình đạt 3.981 USD một tấn, tăng 57% so với năm ngoái. Các thị trường chủ lực, đặc biệt là Philippines và Malaysia, tăng nhu cầu nhập khẩu, với mức tăng trưởng gấp 2,2 lần so với năm 2023.

Các hiệp hội nông sản cho biết 2024 là năm kỷ lục về giá của nhiều loại nông sản, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu ngành này đạt mốc mới. Đặc biệt, giá cà phê Việt Nam lần đầu tiên cao nhất thế giới, với hàng Robusta vượt giá Arabica.

Với kết quả đạt trong 10 tháng năm 2024, Bộ NNPTNT tự tin mục tiêu xuất khẩu xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ lập mốc 60 tỷ USD. Và đây sẽ là năm có xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ với nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức phải vượt qua, nhưng với sự quyết tâm, sáng tạo và khả năng thích ứng, ngành nông lâm thủy sản hoàn toàn có khả năng ghi danh vào những kỷ lục mới trong thời gian tới. Việt Nam không chỉ là nhà sản xuất nông sản mà còn là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hướng tới mục tiêu “bếp ăn của thế giới”.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến:

“Chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở 60 tỷ USD, mà còn hướng tới những cột mốc cao hơn trong tương lai”

anh theo box

Mục tiêu xuất khẩu nông lâm thủy sản 54-55 tỷ USD được đề ra từ đầu năm, chúng ta sẽ vượt qua ngay khi kết thúc tháng 11. Còn 2 tháng của năm 2024, nếu mỗi tháng xuất khẩu 5,5 tỷ USD thì xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 sẽ lập mốc 60 tỷ USD. Đây sẽ là năm có xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt cao nhất từ trước đến nay. Có được kết quả trên là do sản lượng và giá trị của các sản phẩm đều tăng. Các sản phẩm nông sản đang ngày càng tạo nên giá trị kinh tế cao khi đáp ứng được tiêu chí, yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Mặc dù vậy, vấn đề chế biến vẫn là khâu hạn chế.

“Tôi có đọc những bài báo, xem những phóng sự khẳng định rằng nông sản Việt Nam chế biến thô là 70%, trong khi các nước mà chế biến sâu là 70 %. Đây cũng là bài toán rất nhức nhối của ngành nông nghiệp. Nếu chúng ta gắn chế biến sâu, hạ tầng nông nghiệp, kho bãi, logistics với xúc tiến thương mại thì chúng ta sẽ hoàn thiện hệ thống xuất khẩu. Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý trong những giai đoạn tiếp theo” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ.

Nhận định về thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, việc ký kết 3 nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi và cá sấu với Trung Quốc là một bước đi quan trọng, giúp mở rộng thị trường cho các sản phẩm nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường khó tính như UAE cũng đang được đẩy mạnh, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội mới cho ngành nông lâm thủy sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản: Tự tin hướng tới 60 tỷ USD