Ngành rau, củ, quả xuất khẩu đã có bước phát triển ngoạn mục trong những tháng cuối năm 2022. Giới chuyên gia dự báo, năm 2023, ngành rau, củ, quả sẽ "bùng nổ" nhờ mở cửa xuất khẩu chính ngạch thành công hàng loạt mặt hàng chủ lực...
Theo Bộ Công thương với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường sẽ thúc đẩy ngành hàng rau quả tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2023. Trong đó, Hoa Kỳ và các thị trường trong khối EU có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả lớn, tuy nhiên Việt Nam mới chỉ cung cấp tỷ trọng nhỏ, nên cơ hội mở rộng tới các thị trường này là rất lớn.
Nhộn nhịp đơn hàng đầu năm
Ngay trong những ngày đầu năm mới, việc Trung Quốc mở cửa biên giới đã tạo cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu gia tăng sang thị trường này, trong đó rau quả và trái cây là mặt hàng xuất khẩu có nhiều lợi thế bởi nhu cầu gia tăng vào dịp đầu năm mới. Tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bắt đầu nhộn nhịp trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão, hứa hẹn những tín hiệu lạc quan.
Tại Lào Cai, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (từ 20 -26/1/2023), đơn vị đã tiếp nhận và giải quyết 285 tờ khai hải quan thông quan qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành).Trong đó, 183 tờ khai hàng xuất khẩu với khối lượng 6.452 tấn hoa quả (thanh long, dưa hấu, chuối, mít...).
Tương tự tại Lạng Sơn, bắt đầu từ ngày 28/1, phía Trung Quốc khôi phục hoàn toàn việc thông quan ở 5 cửa khẩu có hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh (Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, các cửa khẩu: Tân Thanh, Chi Ma, ga quốc tế Đồng Đăng, Cốc Nam). Trước đó, từ ngày 24-27/1, gần 3.000 tấn hàng hoá là nông sản, hoa quả (sầu riêng, mít, thanh long, xoài, chuối…) đăng ký trước đã được thông quan thuận lợi qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn sang thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T Group cho biết, đơn hàng xuất khẩu trái cây tươi trong tháng 1 ghi nhận tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các sản phẩm truyền thống duy trì đơn hàng ổn định. Đáng chú ý, trái bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng vào Trung Quốc đóng góp mạnh vào phần tăng trưởng này.
“Năm 2023, chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng từ 30 - 40% bởi chúng tôi đã có 2 sản phẩm chủ lực là bưởi xuất sang Mỹ và sầu riêng sang Trung Quốc. Ngày 8/1, thị trường Trung Quốc cũng đã nới lỏng chính sách Zero-covid cũng như mở cửa lại hoàn toàn, đó là những tin tốt lành cho hàng hóa xuất khẩu" - ông Tùng nói.
Đầu năm 2023, ngành rau quả cũng liên tiếp đón tin vui từ khi một số loại hoa quả được cấp phép xuất khẩu vào những thị trường lớn. Điều đáng nói là nhiều sản phẩm của các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác đã được các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu sang thị trường vốn được xem rất khó tính với những quy định nghiêm ngặt về chất lượng. Điển hình như ngày 5/1, sản phẩm cam của các tổ hợp tác ở huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu lần đầu tiên sang Anh với khối lượng 7 tấn. Trước đó, ngày 3/1, tại Long An, hơn 10 tấn nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã được xuất sang thị trường Nhật Bản, mở ra cơ hội tăng trưởng cho trái cây Việt trong năm 2023. Theo giới chuyên gia việc sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác xuất khẩu đúng dịp đầu năm mới báo hiệu một năm xuất khẩu nhộn nhịp của khu vực kinh tế tập thể cũng như của ngành nông nghiệp trên cả nước.
Nhiều cơ hội để ngành rau quả bứt phá
Giới chuyên gia dự báo, năm 2023, xuất khẩu trái cây Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2022. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, năm 2023 xuất khẩu trái cây Việt Nam kỳ vọng đạt khoảng 4 tỷ USD. Với chất lượng ngày càng đi lên, đáp ứng nhiều tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính, mặt hàng trái cây cũng được dự báo là sẽ liên tục tăng trưởng trong những năm tiếp theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng xây dựng kế hoạch đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây sẽ là 5 tỷ USD.
Đánh giá bức tranh xuất khẩu ngành rau quả năm 2023, ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho rằng, 2022 là năm thắng lợi nhất từ trước đến nay của rau quả Việt Nam, với nhiều mặt hàng tiếp cận được các thị trường cao cấp, khó tính. Đơn cử, nhãn lồng mở cửa được thị trường Nhật Bản; chuối tươi, sầu riêng, khoai lang, chanh leo được xuất chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; New Zealand mở cửa cho chanh, bưởi,...
Động thái này giúp các loại rau quả của Việt Nam đường đường chính chính sải bước ra thế giới. Hình thức buôn chuyến, tiểu ngạch dần được xóa bỏ, kim ngạch xuất khẩu rau quả dần phục hồi và bắt đầu tăng trưởng ổn định. “Nhờ cú lội ngược dòng trong nửa cuối năm, xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD, và đây cũng là cơ hội để ngành rau quả bứt phá trong năm 2023. Tuy nhiên, muốn đi đường dài thì phải từ bỏ tư duy “buôn chuyến”. Các bên cần bắt tay liên kết với nhau. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chính là thay mặt cho nông dân, cho quốc gia nên phải đảm bảo được uy tín của cả ngành hàng, uy tín của doanh nghiệp, của quốc gia” - ông Trung lưu ý.
Minh chứng từ thực tế cũng cho thấy, việc mở cửa cho nông sản xuất khẩu chính ngạch mở ra cơ hội lớn cho các ngành sản xuất, tiến tới chuyên nghiệp, bài bản để tận dụng thời cơ xuất khẩu.
Cuối tháng 11, Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu là doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu bưởi Bến Tre sang thị trường Mỹ. Bà Ngô Tường Vy - Tổng giám đốc Công ty Chánh Thu cho biết, 40 tấn bưởi da xanh được vận chuyển cả bằng đường hàng không và đường biển. Trong đó, khoảng 4 tấn bưởi đã được "đi máy bay" sang Mỹ, phân phối tới các điểm bán lẻ. Dự báo trái bưởi sẽ mang lại giá trị xuất khẩu lớn nhất nếu so với 6 loại quả đã được mở cửa sang Mỹ trước đó là thanh long, chôm chôm, nhãn, vải, vú sữa, xoài.
"Lô bưởi đầu tiên xuất sang Mỹ đã nhận được đánh giá rất tích cực từ người tiêu dùng. Nhiều người nhận xét trái bưởi da xanh của Việt Nam đến thời điểm hiện tại ở tại thị trường Mỹ gần như là ngon nhất. Chúng ta càng phải làm tốt hơn nữa để làm sao giữ vững được những lô tiếp theo không phải của riêng Chánh Thu mà là của các doanh nghiệp khác cũng phải có sự đồng đều về chất lượng để làm nên thương hiệu quốc gia. Năm 2023 phải là năm thay đổi, thay đổi về canh tác, thay đổi về sản lượng để chúng ta có thể đạt được những cột mốc lớn hơn" - bà Vy nhấn mạnh.
Có thể thấy triển vọng xuất khẩu trong năm 2023 và nhiều năm tới đang rộng mở với nông sản Việt, trước mắt là các nhóm hàng rau quả xuất sang Trung Quốc, Mỹ, EU. Việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do cũng là một lợi thế nữa của nhóm hàng này. Song hiện Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, mà đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, trong năm vừa qua, họ kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hóa qua biên giới, nhất là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Chính vì vậy, việc chuẩn hóa sản xuất, sản xuất xanh để đáp ứng yêu cầu từ các thị trường là đòi hỏi tất yếu, không thể khác của các địa phương, doanh nghiệp nếu muốn đi đường dài, để ngành nông nghiệp sẽ sớm đạt kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ USD.
Ông Nguyễn Quang Hiếu - Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT)
Tận dụng mở cửa thị trường lớn
Tiếp nối thành công 2022, chúng ta tiếp tục chiến lược tận dụng các lợi thế sản phẩm trái cây Việt Nam, ví dụ thị trường Trung Quốc chúng ta sẽ tiếp tục với sản phẩm cây có múi cam, bưởi; Với thị trường các nước phát triển như Mỹ là sản phẩm chanh dây, dừa; chanh dây đi Australia; quả nhãn có lợi thế phát triển ở Nhật Bản… Đó là chiến lược theo đuổi, mở cửa tại các thị trường lớn, các thị trường với sản phẩm mới. Bên cạnh đó, tiếp tục tận dụng những thành công, để mở cửa thị trường khác giúp DN có thêm lựa chọn thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh mở cửa, tiếp tục duy trì kết quả đạt được trong thời gian qua. Hiện nay, nhà sản xuất chưa nắm rõ được các quy định, tiêu chuẩn tại nhiều thị trường, do vậy Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục đổi mới phương thức đào tạo, tập huấn. Cục đã xây dựng website: sansangxuatkhau.ppd.gov.vn để đăng tải thông tin dữ liệu cơ sở từ vùng trồng, đóng gói… nhanh nhất tới người sử dụng, đồng thời xây dựng tài liệu tập huấn, video, sách nói…
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
Nhiều triển vọng với ngành rau quả
Hiện nay, thị trường đang dần mở cửa, giảm bớt kiểm soát dịch Covid-19, tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu tốt hơn. Ngoài ra, những khó khăn về logistics, vận chuyển đang dần được tháo gỡ, giá cước ngày càng giảm cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Trong khi đó, các mặt hàng xuất khẩu mới được mở cửa ở nhiều thị trường trong năm 2022 sẽ là những tiền đề tác động tích cực, cùng với đó từ 15 Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, thực thi chắc chắn tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu rau quả.
Đáng chú ý, sau ngày Trung Quốc mở cửa biên giới đường bộ ở các tỉnh biên giới (8/1 - PV), nhiều thủ tục kiểm soát phòng dịch Covid-19 được gỡ bỏ. Doanh nghiệp xuất khẩu rau quả rất thuận lợi, tiết kiệm được nhiều chi phí. Dự báo, năm 2023 tăng trưởng xuất khẩu sẽ đạt khoảng 20% so với năm 2022. Năm 2022 đạt 3,4 tỷ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT):
Xuất khẩu phải gắn với vùng trồng
Việt Nam hiện nay xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần kiên trì để duy trì thị trường và luôn luôn phải đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, vì đây là yếu tố sống còn để chúng ta giữ được thị trường.
Hiện nay, việc xuất khẩu phải gắn với vùng trồng, gắn với cơ sở đóng gói; mỗi vùng trồng đều gắn với sản lượng và diện tích, nếu làm không đúng hoặc mượn danh mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xuất khẩu.