Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến, dù chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (Yagi) nhưng hiện cả nuôi trồng và khai thác thủy sản đều tăng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng chủ lực này đến hết tháng 9/2024 đạt 7,23 tỷ USD, riêng tháng 9 đạt hơn 900 triệu USD. Với đà tăng trưởng này, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD của năm nay là trong tầm tay.
“Sáng cửa” đạt mục tiêu 10 tỷ USD
Theo ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), vào những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tăng mạnh hơn do nhu cầu mua sắm ở các thị trường nhập khẩu tăng. Đặc biệt, các sản phẩm đạt chứng chỉ xanh, thân thiện với môi trường, không kháng sinh sẽ được ưa chuộng nhất.
Vasep cho biết, Việt Nam đã xuất khẩu thủy sản đến hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 thị trường "tỷ đô" và đây đều là những thị trường có hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam. Cụ thể, khu vực thị trường Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chiếm khoảng 25% thị phần trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. Tiếp đến là thị trường châu Âu với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chiếm khoảng 10%. Thị trường Hàn Quốc với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) chiếm khoảng 9%.
Bà Nguyễn Thị Phương Dung - Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế (Cục Thủy sản) đánh giá, thời gian qua các FTA đã tạo chuyển biến rất tích cực đối với toàn bộ hoạt động ngành thủy sản. Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA thế hệ mới cũng tạo động lực đẩy nhanh hiện đại hóa ngành thủy sản, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) áp dụng công nghệ tiên tiến và đầu tư khép kín chuỗi sản xuất...
Xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh
Mặc dù có yếu tố thuận lợi nhưng theo các chuyên gia do ảnh hưởng cơn bão số 3, mục tiêu xuất khẩu thủy sản trong năm 2024 đã trở nên khó khăn hơn. Theo Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), thống kê chưa đầy đủ có khoảng 19.956ha mặt nước nuôi trồng thủy sản, 4.246 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về cơ sở vật chất và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan xuất xứ hàng hóa, cước phí vận tải, chứng nhận nuôi trồng trên biển hay chi phí nhiên liệu tăng cao đã và đang đặt ra thách thức với ngành thủy sản nói chung, và các doanh nghiệp thủy sản nói riêng.
Phân tích về những khó khăn mà ngành thủy sản sẽ phải đối mặt trong quý IV, ông Nam cho biết, thị trường Ecuador có thế mạnh về phát triển nuôi tôm với giá thành thấp. Cùng đó, Việt Nam lại có ưu việt về mặt hàng giá trị gia tăng và công nghệ chế biến cao hơn hẳn. Nhưng rõ ràng, DN Việt Nam đang có áp lực ở hầu hết khu vực thị trường mà chúng ta có lợi thế như: khu vực châu Âu, Nhật Bản, Australia... Về nguồn cung cá tra, cá thịt trắng và một số loài thủy sản khác, Việt Nam không thể cạnh tranh nguồn cung lớn như thị trường Trung Quốc.
Trước những khó khăn này, theo ông Nam, cần tận dụng các FTA để giữ vững tăng trưởng xuất khẩu. Song để tận dụng tốt hơn nữa các ưu đãi từ FTA, Phó Tổng Thư ký Vasep nhấn mạnh, ngoài vấn đề đầu vào, con giống, đơn hàng, thông tin thị trường... thì xây dựng thương hiệu là việc DN và cả ngành thủy sản phải chú trọng, nỗ lực đẩy mạnh.
Cùng với xuất khẩu, theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc - Chủ tịch Vasep, tiềm năng thị trường nội địa còn rất lớn, để cân bằng cán cân cung - cầu và giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu, DN thủy sản cần phát triển mạnh tại thị trường nội địa, đưa sản phẩm thủy sản xuất khẩu đến với người tiêu dùng Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, thương mại của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng đã có thêm nhiều cơ hội thuận lợi để DN đẩy mạnh sản xuất, tăng sức cạnh tranh.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, để đạt mục tiêu xuất khẩu gần 10 tỷ USD trong năm nay, các DN thủy sản phải thích nghi và điều chỉnh kế hoạch hoạt động phù hợp với bối cảnh của thị trường. Các DN cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường; đồng thời tăng cường xuất khẩu vào các thị trường mới, hướng đến mở rộng và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa.
Tuy chịu ảnh hưởng của bão Yagi, nhưng riêng trong tháng 9, tháng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cơn bão Yagi, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 5,85 tỷ USD. Đặc biệt thặng dư thương mại toàn ngành đã đạt 13,9 tỷ USD, chiếm 66,8% trên tổng thặng dư 20,8 tỷ USD của cả nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng hiện nay giả sử 3 tháng cuối năm, mỗi tháng ngành nông nghiệp xuất khẩu 5 tỷ USD, thì cả năm toàn ngành có thể đạt mốc 60 - 61 tỷ USD, vượt hẳn chỉ tiêu 54, 55 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ giao.