Để giữ chân học trò, thầy cô góp tiền, thay nhau nấu cơm cứu đói, đóng bè chuối vượt lũ lấy gạo cho các em học sinh… Đó là những việc làm đầy xúc động của các thầy cô được tôn vinh nhân ngày 20-11.
Cũng như nhiều trường đóng ở vùng sâu, vùng xa, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học-Trung học Cơ sở xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) phải đối mặt với việc duy trì sĩ số lớp học.
Cô Hồ Thị Thuỳ Vân, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Nhiều em học sinh không đến trường vì đói, có trường hợp bị ngất trên lớp mà thầy cô không biết nguyên nhân. Qua tìm hiểu mới biết, buổi sáng các em đi học, khi về bố mẹ đã lên rẫy không nấu cơm cho các em ăn. Học sinh quay lại trường thì đã mệt và ngất đi vì đói”.
Nhiều lần, thấy vắng các em, cô lại vào tận bản để vận động học sinh ra lớp. Chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn của gia đình các em, thầy cô thường dành những đồng lương ít ỏi để mua nhu yếu phẩm, tặng các em áo ấm... Dần dần, phụ huynh cũng hiểu “cái bụng” của thầy cô giáo.
Đảm bảo tỷ lệ đến lớp ổn định luôn là thách thức với thầy cô giáo nơi đây. Trước thực trạng đó, cô Thuỳ Vân bàn với các giáo viên trong trường duy trì một bữa cơm tình thương cho học sinh, với mỗi giáo viên góp 100.000 đồng/tháng để tổ chức bữa cơm này.
Cô Thuỳ Vân chi biết: “Gọi là bữa cơm tình thương, bởi thầy cô muốn các học sinh cảm nhận được sự ấm áp của nhà trường. Mỗi bữa cơm của học sinh có giá từ 8.000-10.000 đồng, nhưng giúp các em không bị đói, duy trì được tỷ lệ chuyên cần đến lớp”.
"Trước đây với sĩ số 20 học sinh còn cân đối được mức tiền. Hiện nay, sĩ số học sinh của trường đã tăng lên tới 80 học sinh, thầy cô đi chợ “phải nợ”. Bữa cơm tình thương gặp nhiều khó khăn, nhưng không thể dừng. Khó đến đâu gỡ tới đó”, cô Thùy Vân cho biết thêm.
Ở vùng khó, chuyện thiếu đói không xa lạ, nhưng ở vùng lũ thì cả thầy cô và học sinh đều đói khi bị cô lập trong dòng nước lũ nhiều ngày. Vừa qua, lũ chồng lũ ở miền Trung đã khiến giáo dục ở vùng này gặp nhiều khó khăn. Tưởng chừng việc dạy và học không thực hiện được, nhưng vượt qua tất cả, nhiều thầy cô vẫn bám trường, bám lớp, duy trì sĩ số lớp học.
Thầy Nguyễn Đức Hòa, Hiệu trưởng Trường dân tộc Nội trú-Trung học cơ sở Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) chia sẻ: “Trường có gần 300 học sinh và hơn 30 giáo viên. Trong đợt lũ lịch sử vừa qua, trường bị cô lập nhiều ngày. Dù đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhưng thầy cô và học sinh có nguy cơ bị đói. Tôi đã đề nghị các thầy đóng bè chuối để đi lấy lương thực cho học sinh".
Thầy Hoà chia sẻ: “Giữa đợt lũ, một giáo viên nhà trường được tin bố mất. Nhà trường đã cử tất cả các thầy có sức khoẻ nhất để đưa thầy giáo ra khỏi vùng lũ. Nhưng giữa đường mưa gió, nước lũ lên cao, chia cắt nhiều con đường, khiến các thầy phải nghỉ qua đêm giữa rừng”.
Niềm vui của những thầy cô là được thấy nụ cười trên khuôn mặt học sinh, được thấy các em ăn no để đến trường. Chỉ cần thầy cô yêu nghề, yêu trẻ, được sự chung sức của ngành Giáo dục, của cộng đồng, chắc chắn nhiều học sinh sẽ được đến đường.
Cô Hồ Thị Thuỳ Vân, thầy Nguyễn Đức Hoà là hai trong 183 thầy cô giáo, cán bộ quản lý được ngành Giáo dục tôn vinh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chia sẻ, hạnh phúc bình dị của các thầy cô giáo dù có vất vả, gian truân, nhưng đều được đền đáp bằng niềm vui đến trường và sự trưởng thành của học sinh.