Cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến 1950 - 1954” của tác giả Đào Mai Trang được NXB Mỹ thuật ấn hành nhưng ngay lập tức vấp phải ý kiến phản đối. Cụ thể, con trai cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm đã có đơn kiến nghị gửi Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đề nghị thu hồi và tạm dừng phát hành cuốn sách với lý do “sử dụng những ngôn ngữ bừa bãi, bóp méo sự thật và bôi nhọ vong linh người đã mất”.
Bìa cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến 1950 - 1954”.
Nghĩa cử tốt nhưng hành động sai
Ngày 28-9, ông Nguyễn Trần Minh- con trai cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm, có đơn kiến nghị gửi Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đề nghị NXB Mỹ thuật Việt Nam thu hồi và tạm dừng phát hành cuốn sách “Họa sĩ khóa kháng chiến 1950 – 1954”.
Trong đơn, ông Minh cho biết: Trước khi thực hiện cuốn sách, tác giả Đào Mai Trang đã có đến “xin phép” nhưng vì một số lý do nên gia đình chưa đồng ý. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, bài viết về họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm sau đó vẫn được in trong sách với nhiều lời lẽ khiến gia đình bức xúc.
Ông Lê Trí Dũng- ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam nói: “Trong một cuốn sách nhằm tôn vinh nghệ sĩ thì có nên “thật thà” như thế không? Sao ta không nói về cái ý chí vươn lên để trở thành một danh họa từ nỗi thống khổ của cái nghèo, phải lam lũ đi bán lạc rang kiếm sống? Nhiều năm trước, để vượt qua những khó khăn của đời tôi thường nghĩ về Nguyễn Trọng Kiệm như một ý chí chống chọi lại sự khốn nạn của cõi đời rồi tự nhủ: So với chú, mình hãy còn sướng nhiều lắm, hãy cố lên. Vậy mà nay người ta lại đi sử dụng những từ ngữ như vậy, nói về nghệ sĩ đã quá cố, nên chăng “thật thà” theo kiểu đấy?
Theo tôi, chủ đích cuốn sách này thật tốt nếu nó làm theo tôn chỉ tôn vinh các giá trị nghệ thuật của cá nhân họa sĩ hoặc tác phẩm nghệ thuật. Nhưng lời lẽ trong bài nói về cố danh họa Nguyễn Trọng Kiệm đã không làm được việc đó, mà ngược lại, bị phản tác dụng, phân tích không khách quan, đưa một thói tật sinh hoạt đời thường rất cá nhân biến thành “nhân cách sống”.
Cần cẩn trọng
“Người ta không ai muốn thêm thù mất bạn... có gì bộc ra hết rồi lại yêu quý nhau. Ở đây chỉ cần chỉnh sửa đôi ý, hoặc bỏ hẳn đôi dòng khi đi quá sâu vào sinh hoạt đời tư của chú Kiệm là xong. Bởi vì khi viết về chân dung một hoạ sĩ đầy thành tựu cho nghệ thuật và cho cách mạng như họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm hay cho bất kỳ họa sĩ nào khác thì chỉ nên đưa cái sự tôn vinh lên hàng đầu, ngắn gọn, súc tích, tiêu biểu... đây có phải tiểu thuyết về đời tư đâu mà đưa cả thói lười đọc sách, cả đời không đọc hết một cuốn sách... nói thế thì khác gì bảo ông ấy là vô học? Hoặc như chỉ vì uống rượu la đà mà chả làm nên gì... thế khác gì bảo ông ấy là nát rượu?
Viết về người khác phải có ý, không khen được người ta thì cũng đừng có chê. Ai mà chả có khuyết điểm, bạn sờ lên gáy mình mà xem. Vậy cho nên để làm ra một cuốn sách nhằm tôn vinh nghệ thuật cần biên tập chặt chẽ, nghiêm cẩn và không thể đùa được. Đánh giá về một con người, ta nên lấy cái kết quả cuối cùng để định giá, tranh của Nguyễn Trọng Kiệm đã nói lên tất cả”- ông Lê Trí Dũng nói.
Được biết, sau khi biết sự việc, gia đình của cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm vẫn rất cầu thị và hợp tác, chủ động không muốn làm lớn mọi việc. Nhưng để thông tin phần nào đó được sáng tỏ hơn, tránh sự hiểu lầm nên cần phải được làm rõ. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Minh nói: “Tôi và gia đình có chủ trương giải quyết vụ việc này một cách đường hoàng, mềm mỏng và có văn hóa sao cho đạt được một kết quả tốt nhất có thể. Nhưng vì có một số người bạn đã không nắm được gốc của vấn đề nên đã hiểu lầm. Tôi cũng không muốn nói ra chuyện này nhưng tôi buộc lòng phải nói trước vong linh của ông nội tôi và bố tôi. Theo tôi, sự việc tốt đẹp về tình nghĩa giữa người với người như thế này, thế hệ sau không có quyền đối xử với nhau một cách thiếu văn hóa như vậy.
Tuy nhiên, để làm ra một cuốn sách không hề dễ, là cả bao nhiêu công sức của rất nhiều người. Hơn nữa, trong đó có rất nhiều các nghệ sĩ nổi tiếng khác, họ có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật nước nhà, nói bỏ nó đi thì rất tiếc và khó. Cái gia đình tôi cần là phải tiến hành sửa chữa và đính chính lại thông tin sao cho chính xác. Còn chuyện về tác giả Đào Mai Trang, gia đình chúng tôi cần một lời xin lỗi, không phải xin lỗi tôi, mà là xin lỗi cha tôi và gia đình về những sai sót”.
Sau khi sự việc xảy ra, đại diện gia đình cố họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm cho biết, phía NXB cũng đã có động thái hợp tác, hứa sẽ sửa chữa và đính chính lại thông tin, nội dung đã đăng tải.
Họa sĩ Nguyễn Trọng Kiệm (sinh 1/1/1934 tại Hưng Yên, mất ngày 29/8/ 1991 tại Hà Nội) sinh thời, ông được tặng bằng khen và nhiều huân chương cao quý như: Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam và Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam... Tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Trọng Kiệm có thể kể đến như: Bác Hồ ở Pắc Bó; Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân; Những nẻo đường kháng chiến hay Hòa bình xây dựng… |