Có một nội dung quan trọng trong Hội thảo khoa học Di sản văn hóa - từ Phủ Lạng Thương đến thành phố Bắc Giang ít được nhắc tới hơn câu chuyện về việc đề xuất đổi tên địa danh, đó là yêu cầu gắn bảo tồn di sản văn hóa với phát triển du lịch tại địa phương này. Tham dự hội thảo, không ít đại biểu đã cho rằng hiện tại di sản văn hóa Phủ Lạng Thương xưa chưa được quan tâm, phát huy đúng tầm.
Bia ghi dấu tích cửa Bắc thành Xương Giang. Ảnh: Tư liệu.
Di sản vẫn “ngủ quên”
Những nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử dự hội thảo đều có chung quan điểm rằng, vùng đất Phủ Lạng Thương từ xa xưa tới nay đã gắn với những tên gọi ghi dấu ấn trong lịch sử là Xương Giang - Phủ Lạng Giang - Phủ Lạng Thương - thành phố Bắc Giang. Trải qua nhiều thăng trầm cho tới hôm nay, đây vẫn một vùng đất văn hóa đặc biệt. Theo đó gọi là Phủ Lạng Thương thì nghe vẫn hợp cho vùng đất phủ lỵ- tỉnh lỵ này.
Dẫu vậy, ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang cho hay, đề xuất đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương hiện mới chỉ là quan điểm, đề xuất của các nhà khoa học. Còn về phía nhà quản lý địa phương vẫn chưa có ý kiến gì. Theo ông, hiện thành phố Bắc Giang có 43 di tích đã được xếp hạng bảo vệ, gồm 14 di tích cấp quốc gia, 29 di tích cấp tỉnh.
Trong đó có những di tích rất tiêu biểu như địa điểm lưu niệm nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu, Nghè Lê Trưng, di tích chùa Kế, Nghè Cả, di tích lịch sử thành cổ Xương Giang gắn liền với trận chiến Xương Giang cách đây đã gần 600 năm.. Đây chính là nguồn tài nguyên vô cùng to lớn để phát triển các loại hình du lịch (du lịch danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh…)
Dẫu vậy trên thực tế nhiều năm qua, địa phương chưa khai thác được lợi thế từ nguồn di sản phong phú ấy. Và người ta cũng nói nhiều về một miền đất có nhiều tiềm năng du lịch nhưng vẫn như “nàng công chúa ngủ trong rừng”.
Vì thế, theo ông Chính để gắn bảo di sản văn hóa với phát triển du lịch tại thành phố Bắc Giang, địa phương cần phải làm nhiều việc. Trong đó có quan tâm đầu tư đồng bộ, gồm: hạ tầng – tổ chức dịch vụ- quản lý điểm đến…Và phải làm một cách thật chuyên nghiệp thi mỗi di sản mới trở thành một điểm đến hấp dẫn.
Qui hoạch còn thờ ơ với di sản
Hiện những người quan tâm đến thành cổ Xương Giang cũng bày tỏ băn khoăn về quá trình tu bổ và tôn tạo di tích lịch sử này. Bởi từ năm 2009, Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 293/QĐ-BVHTTDL xếp hạng thành Xương Giang là di tích lịch sử cấp Quốc gia.
Tại đây có 14 điểm di tích là: Cửa Đông Bắc, cửa Đông, cửa Bắc, cửa Tây Nam, cửa Nam, khu trung tâm, dấu vết thành, đoạn sông Xương Giang chảy qua thành; địa điểm khai quật khảo cổ học số 2, 3, giếng Phủ, đền Thành và 2 điểm ngoài khu bảo vệ là: cửa Đông Nam, cửa Tây. Các điểm di tích được bảo vệ nằm rải rác ở các vị trí xen kẽ là khu dân cư các thôn Đông Giang, Nam Giang, Trại Bắc thuộc xã Xương Giang (nay là phường Xương Giang).
Năm 2010, Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang đã được UBND tỉnh phê duyệt. Song đã 5 năm trôi qua, dự án vẫn ở giai đoạn khởi động.
Tại hội thảo vừa rồi, ông Nguyễn Quách Hải, trưởng phòng Văn hóa Thông tin thành phố Bắc Giang cho hay, khi mới phê duyệt, tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 37 ha, vốn đầu tư khoảng 470 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2010- 2013. Nhưng trong quá trình triển khai dự án qui hoạch xây dựng, UBND tỉnh đã điều chỉnh lại. Theo đó dự án đang thực hiện giai đoạn 1 với diện tích khoảng 10ha, vốn đầu tư cho giai đoạn này là gần 240 tỉ đồng. Thời gian thực hiện tổng thể dự án được gia hạn kéo dài tới năm 2018.
Như vậy, sẽ phải chờ tới 3 năm nữa, dự án tu bổ di tích cấp quốc gia di tích chiến thắng Xương Giang mới có thể hoàn thiện.
Xung quanh việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương, ông Nguyễn Hữu Toàn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản khẳng định rằng, hiện thành phố Bắc Giang đang chứa đựng nhiều di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể). Nếu được liên kết chặt chẽ trong quá trình bảo tồn và phát triển, chắc chắn Bắc Giang sẽ trở thành điểm đến.
Tuy nhiên, trong quá trình tiếp cận “Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thành phố Bắc Giang năm 2007- 2020” được chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt tại Quyết định số 49/QĐ - UBND (ngày 10/6/2008) và Quyết định số 234/QĐ - UBND (ngày 10-2-2015) về việc điều chỉnh Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Bắc Giang, ông thấy băn khoăn ở chỗ cả 2 văn bản quan trọng nói trên vấn đề xác định nhiệm vụ, nội dung hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đều chưa được quan tâm.
Ông cũng chỉ ra tại “Qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Bắc Giang năm 2007- 2020” chỉ có đôi điểm lướt qua nội dung nhiệm vụ này. Như: “Quan tâm đầu tư, tôn tạo trùng tu các khu di tích”; hoặc: “Phát triển công nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, di tích lịch sử, văn hóa”; hoặc: “Tôn tạo di tích lịch sử thành Xương Giang”…
Rồi tại Quyết định số 234 về việc điều chỉnh qui hoạch tổng thể nói trên, nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng chỉ được lướt qua: “Giữ gìn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo tiền đề vững chắc để phát triển thành phố ở giai đoạn tiếp theo…”
Ông Toàn cho rằng, đây là một vấn đề cần được kịp thời bổ khuyết trong các qui hoạch, kế hoạch phát triển ngắn hạn và dài hạn của thành phố Bắc Giang. Để thực hiện mục tiêu phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, nhìn rộng ra là phát triển kinh tế- xã hội địa phương, thì trước hết việc nhìn nhận vai trò quan trọng của di sản văn hóa cần phải được thống nhất và nâng cao nhận thức trong lãnh đạo, từng ban ngành địa phương của thành phố. Từ đó mới có những quyết sách và hành động thực tiễn đúng đắn, chứ không thể nói chung chung.
Khi chúng tôi ghi nhận ý kiến để thực hiện loạt bài viết liên quan tới đề xuất đổi tên thành phố Bắc Giang thành Phủ Lạng Thương, nhiều người con Bắc Giang đang sinh sống và học tập tại Thủ đô cho rằng, việc quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức, niềm tự hào của người dân về địa danh văn hóa - lịch sử Phủ Lạng Thương xưa. Vì thế nếu lãnh đạo địa phương có mở một cuộc trưng cầu dân ý về đề xuất đổi tên ấy, có lẽ tỉ lệ người dân đồng ý sẽ không nhiều.