Những ngày qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, sương mù dày đặc khiến người dân lo lắng. Màn sương cứ lơ lửng từ sáng đến chiều. Có những lúc, sương mù làm tầm nhìn bị thu hẹp, nhiều tòa nhà cao tầng bị che khuất dù chỉ đứng cách 100 m. Đáng chú ý, trong khi đó, chỉ số chất lượng không khí AQI tại TP HCM cũng liên tục ở mức trên 150, thuộc nhóm màu đỏ (thang 4 trong 6 thang bậc đo chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ).
Người dân TP HCM lo lắng, dẫu biết rằng đây là trạng thái cực đoan của thời tiết, nhưng người ta vẫn sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng “trấn an” người dân- nói như ông Lê Đình Quyết- Phó phòng Khí tượng Thủy văn Khu vực Nam Bộ thì sương mù nhiều là do nhiều ngày qua TP HCM mưa nhiều, lượng hơi ẩm lớn bốc lên thành mù.
Còn theo kết quả của Trung tâm Nghiên cứu ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu (Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐH Quốc gia TP HCM) thì nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở TP HCM những ngày qua là do cháy rừng từ Indonesia; độ ẩm trong không khí cao và trong khí quyển có các hạt nhân ngưng kết để hơi nước bám vào nên xuất hiện sương mù; do phát thải từ hoạt động giao thông, công nghiệp và sinh hoạt của người dân. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chưa đủ bằng chứng để xác định cháy rừng ở Indonesia liên quan đến hiện tượng mù tại TP HCM.
Riêng với bà Lê Thị Xuân Lan, một chuyên gia lĩnh vực thời tiết thì sương mù ở tầng thấp có hại cho sức khỏe con người. “Ở thành phố mà xuất hiện sương mù nhiều có nghĩa là mức độ ô nhiễm cao. Đừng cho rằng nó đẹp, lãng mạn mà người dân phải cảnh giác, che chắn kỹ khi ra đường”- bà Lan cảnh báo.
Chuyện đã như thế, nói gì thì nói, nguyên nhân là từ… cháy rừng từ Indonesia đẩy khói mù sang TP HCM, hay là nguyên nhân nào đi chăng nữa (kể cả việc dễ nhất là dồn lỗi cho biến đổi khí hậu), thì thực tế là TP HCM hiện đã ở trong tình trạng ô nhiễm khá nặng nề. Không chỉ ô nhiễm không khí, mà còn có nhiều loại ô nhiễm khác như ô nhiễm tiếng ồn, ô nhiễm bụi, ô nhiễm rác thải, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm ánh sáng… Thật là quá nhiều loại ô nhiễm mà người dân từng ngày từng giờ phải đối mặt.
Ngay từ đầu tháng 4 năm nay, cơ quan chức năng của TP HCM cũng đã lên tiếng cảnh báo: Theo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí thời gian qua trên địa bàn TP tại 20 vị trí cho thấy, ô nhiễm bụi, nồng độ bụi mịn (PM2.5) trong không khí ở mức cao. Người ta quy ngay cho “nạn” xe máy với dẫn chứng TP có tới 9 triệu xe máy thải ra lượng lớn khí NO, CO2, SO2 rất lớn.
Đã đành là vậy nhưng giải thích làm sao khi hầu hết kênh, rạch ở thành phố này tới nay đã biến thành nỗi sợ hãi của người dân trong khu vực khi chúng trở thành nơi tập trung rác thải, kể cả việc các cơ sở sản xuất xả thẳng chất thải chưa qua xử lý vào dòng nước.
Ô nhiễm tất nhiên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là đến từ ý thức con người. Từ việc sương mù dày đặc mấy ngày qua ở TP HCM khiến người dân lo lắng, ngẫm ra mới thấy nhiều đô thị khác trong cả nước cũng ô nhiễm không kém. Nổi rõ là Hà Nội, khi mà cả cơ quan chuyên ngành quốc tế cũng phải cảnh báo “hộ” là mức độ ô nhiễm thuộc loại hàng đầu châu Á.
Mới thấy, từ trước tới nay, nhà quản lý thường kêu gọi người dân bảo vệ môi trường; thỉnh thoảng phạt một vài doanh nghiệp xả thải hủy hoại môi trường; nhưng chiến lược làm sạch, giữ gìn môi trường ra sao thì lại không rõ ràng. Ví dụ như ô nhiễm bụi trong không khí chẳng hạn: Xác định nguyện nhân, bàn cách giải quyết… nhưng cũng chỉ mang tính tình huống, còn thì dài hơi ra làm sao, bền vững thế nào thì không thấy điều gì cụ thể. Lạ cái là không ai chịu trách nhiệm về việc này cả. Chẳng lẽ phát sinh và tồn tại mãi cái chuyện ô nhiễm đều là do lỗi ở dân, doanh nghiệp? Hay là do biến đổi khí hậu?
Cần phải minh bạch về vấn đề này. Tại sao trên thế giới cũng có rất nhiều thành phố đông dân, nhưng không thấy họ phải báo động về ô nhiễm không khí, ô nhiễm chất thải, ô nhiễm tiếng ồn? Những việc này học tập họ không khó khăn gì, không cần bỏ tiền ra để tổ chức những đoàn sang tận nơi tham quan, học hỏi mà lên mạng tìm kiếm thông tin cũng xong. Hóa ra, việc ô nhiễm cũng lại xuất phát từ trách nhiệm của con người, từ nhà quản lý cho tới giới chức chuyên ngành. Xin được nhắc lại, quy lỗi cho cháy rừng ở tận đẩu tận đâu, hay là mông lung chuyện biến đổi khí hậu, người dân thiếu ý thức, doanh nghiệp “ăn gian”… gây ô nhiễm là việc không khó. Khó ở chỗ có dám nhận trách nhiệm hay không.
Cần phải nhìn xuyên qua lớp sương mù để thấy được những gì ẩn khuất.