Trong xã hội hiện đại với tư duy bình đẳng người ta không nhấn mạnh một nghề nào đó đặc biệt, hay cao quý hơn những nghề khác. Điều mà người ta thực sự quan tâm là chất lượng và hiệu quả hành nghề mà mỗi cá nhân mang lại cho cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi nghề nghiệp lại có những đặc thù riêng đòi hỏi các phẩm chất và điều kiện cũng đặc thù tương ứng. Nhất là những nghề nghiệp mà đối tượng tác nghiệp của nó có quan hệ trực tiếp tới con người, trong đó có nghề y. Do vậy nghề y cũng đòi hỏi một p
“12 điều y đức”, được nhấn mạnh là 12 tiêu chuẩn đạo đức
của những cán bộ làm công tác y tế. (Ảnh: Hoàng Long)
Nói như vậy không có nghĩa là các nghề khác thì không cần tới đạo đức nghề nghiệp. Chỉ là với nghề y, khi người hành nghề có khả năng trực tiếp tác động và gây ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ, tính mạng cũng như tâm sinh lý của con người, thì đạo đức nghề nghiệp được nhấn mạnh như là một trong những yếu tố cần thiết để đảm bảo cho việc hành nghề được khách quan, trung thực và an toàn nhất. Từ lâu, các nguyên tắc đạo đức đã được nhấn mạnh ngay từ khi những sinh viên bắt đầu ngồi vào ghế giảng đường trong bất kỳ trường y khoa nào trên toàn thế giới gần như đồng thời với việc tiếp cận kiến thức chuyên môn. Ở trường học, sinh viên ngành y phải đọc lời tuyên thệ Hippocrate trước khi tốt nghiệp. Lời thề Hippocrate có thể thay đổi đôi chút tùy theo văn hóa điạ phương và thời gian, nhưng bản chất và nguyên lý thì vẫn không thay đổi. Nguyên tắc hàng đầu và bao trùm chính là cam kết “không làm hại bệnh nhân”. Lời thề Hippocrate được lấy làm chuẩn mực đạo đức cho ngành y nói chung trên toàn thế giới.
Từ lâu ở Việt Nam đã phổ biến khái niệm “lương y như từ mẫu”, là một cách diễn đạt xúc tích nhất về khái niệm “y đức” đối với những người hành nghề y trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Thư gửi cán bộ ngành y tế ngày 27-2-1955 từng nhắc tới câu này: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật, và giữ sức khoẻ của đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy cán bộ cần phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”.
Năm 1996, Bộ Y tế ban hành “12 điều y đức”, được nhấn mạnh là 12 tiêu chuẩn đạo đức của những cán bộ làm công tác y tế. Từ đó “12 điều y đức” luôn được lồng kính treo trang trọng ở hầu hết các cơ sở chữa bệnh trong cả nước. Nhưng có một thực tế đáng buồn là, rất ít người thuộc lòng, ít người quan tâm và càng rất ít người thực hành theo đúng 12 điều quy tắc đó. Có rất nhiều lý do để lý giải cho việc “nói một đàng làm một nẻo” liên quan tới chuyện phớt lờ các nguyên tắc đạo đức ngành y tế trong nhiều năm qua, trong đó có các nguyên nhân như tình trạng quá tải trầm trọng ở các bệnh viện; thu nhập, đời sống của cán bộ y tế khó khăn tạo nên áp lực nặng nề khiến thái độ của người cán bộ y tế không còn tuân thủ đúng chuẩn mực đạo đức. Từ đó ảnh hưởng xấu tới vấn đề y đức, tâm lý người bệnh và cộng đồng.
Thực ra xét ở bình diện trực tiếp thì có thể xem đó là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng phớt lờ y đức, coi thường mối quan hệ chính tắc giữa cán bộ y tế và người bệnh, tạo ra nhiều dư luận không tốt cho ngành y tế trong suốt một thời gian dài. Tuy nhiên, xét cho cùng những nguyên nhân đó cũng chỉ là ở bề mặt của vấn đề. Sâu xa hơn vẫn là cái gốc nền tảng đạo đức xã hội và tôn trọng quy chuẩn ứng xử cùng với các nguyên tắc bình đẳng, tuân thủ pháp luật của cộng đồng trong nhiều năm qua đã bị xao lãng. Ngay trong “12 điều y đức” cũng có những nội dung xa rời thực tế, chỉ có tính hô hào cổ động và thậm chí còn mâu thuẫn trong ứng xử. Hệ thống khám chữa bệnh trong xã hội cũng chưa thực sự được tổ chức tốt nhất theo tinh thần phục vụ nhân dân một cách tối đa, công bằng và minh bạch. Cơ chế thị trường vốn bị lên án một thời gian dài trong xã hội, ảnh hưởng khá nặng nề trong cơ cấu tổ chức của nền y tế công lập vốn được Nhà nước gánh vác phần lớn kinh phí nhưng chưa bao giờ là đầy đủ cho nhu cầu của mọi người. Các yêu cầu xã hội hóa, làm thêm giờ, yêu cầu dịch vụ chưa được tổ chức minh bạch đã làm méo mó nhiều hình thức dịch vụ công, khiến người dân phải vận động để tự lo cho riêng mình.
Những biện minh vì thu nhập quá thấp hay do áp lực công việc quá lớn chỉ giải thích được bề nổi của vấn đề. Vì nghèo và khó khăn không phải là nguyên nhân chính để biện minh cho sự xuống cấp đạo đức, không giữ được phẩm giá con người. Y đức chỉ là những nguyên tắc đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, nhưng đạo đức nghề nghiệp thì phải luôn được xây dựng trên nền tảng đạo đức con người và cơ sở luân lý xã hội. Những điều đó cũng đồng thời phải phù hợp, được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ. Điều mà các thầy thuốc cần nhất là một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đủ điều kiện để phát huy khả năng chuyên môn, thể hiện y đức. Họ cần có được một sự tôn trọng nhất định, từ những người được họ chữa trị cũng như từ những người lãnh đạo họ. Và nhất là phải từ cơ chế xã hội hình thành nên môi trường cho mọi nghề nghiệp được vận hành một cách chuyên nghiệp và mọi năng lực đều được triển khai hiệu quả nhất vì lợi ích cộng đồng.