Việc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về y học cổ truyền tại Ấn Độ đã nhận được nhiều quan tâm.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhu cầu về y học cổ truyền (bài thuốc và cách điều trị) ngày càng tăng ở các quốc gia, cộng đồng và nền văn hóa. “Y học cổ truyền là sự bổ sung đặc biệt quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh không lây nhiễm, các vấn đề sức khỏe tâm thần và đem đến sự lão hóa khỏe mạnh. Chúng ta cần xây dựng cơ sở bằng chứng và dữ liệu để góp phần sử dụng y học cổ truyền an toàn, tiết kiệm và công bằng” - ông Tedros nói.
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia y tế cho rằng trong khi giá thuốc, giá chữa bệnh y học hiện đại ngày một cao thì y học cổ truyền cho thấy có thể đóng vai trò xúc tác quan trọng để đạt được mục tiêu bao phủ sức khỏe cộng đồng. Phù hợp, hiệu quả và an toàn của y học cổ truyền đã được chứng minh trong thực tế và điều đó cũng có thể giúp thu hẹp khoảng cách tiếp cận cho hàng triệu người trên thế giới.
Y học cổ truyền đã đóng góp vào nhiều khám phá y học đột phá, giúp xác định nhiều loại thuốc mới và khi được kết hợp với các công nghệ tiên tiến sẽ hứa hẹn mở ra những biên giới kiến thức mới” - đánh giá của WHO.
Trước đó, ngày 25/5/2019, WHO đã đưa Đông y vào sách yếu lược toàn cầu, điều đã khiến các thầy thuốc Tây y “náo loạn”. Tạp chí Scientific American đã đăng một bài phê bình gay gắt, mô tả động thái của WHO là "sai lầm nghiêm trọng trong lối suy nghĩ và thực hành dựa trên bằng chứng".
Đáp lại, WHO cho rằng đến nay y học cổ truyền phương Đông và châu Phi được thực hành bởi hàng trăm nghìn thầy thuốc trên khắp thế giới. Đặc biệt, trong nhiều thế kỷ, các loài cây cỏ, động vật… đã được sử dụng để bào chế thuốc chữa bệnh.
Tuy nhiên, theo ông Tarik Jasarevic - người phát ngôn của WHO, dẫu nhiều thành tựu nhưng y học cổ truyền chưa được mô tả chi tiết hoặc còn tương đối mơ hồ trong y văn thế giới. Vì thế cũng dẫn đến thái độ coi thường của giới y học hiện đại và cũng khó lấy được niềm tin của người bệnh.
“Điều đó cho thấy cần xác định chuẩn mực toàn cầu cho y học cổ truyền, như một con dấu chứng nhận bổ sung cho y học hiện đại nếu có thể trình bày đầy đủ các dữ liệu khoa học" - giáo sư Edzard Ernst ngành y học bổ túc thuộc Đại học Exeter (Anh) nói.
Biên giới kiến thức luôn được nới rộng. Nó là dòng chảy tự nhiên trong quá trình hoàn thiện của nhân loại. Ở lĩnh vực y tế cũng vậy, y học cổ truyền đang được nhìn nhận một cách đúng đắn hơn với vai trò là một nguồn kiến thức y khoa khổng lồ.