Hội Người mù Việt Nam phối hợp với Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) vừa tổ chức cuộc thi “Gia đình đọc sách - Gắn kết yêu thương”.
Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo một diễn đàn dành cho người khiếm thị, gia đình khiếm thị trao đổi những kinh nghiệm khuyến đọc, nghe sách nói nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức, phát triển trí tuệ, tâm hồn, kỹ năng, góp phần cải thiện và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đặc biệt, khẳng định những giá trị tốt đẹp mà sách mang lại cho sự phát triển của con người, tạo nên sự gắn kết giữa các thành viên gia đình, đặc biệt là các gia đình người khiếm thị.
Em Vũ Thị Hải Anh, học sinh lớp 9, hiện đang ở tại KTX Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Hội viên Hội Người mù quận Hoàn Kiếm là một học sinh khiếm thị với những nỗ lực không ngừng. Em là một trong những học sinh có thành tích học tập xuất sắc, vừa được Hội Khuyến học trao tặng học bổng “Học không bao giờ cùng”.
Ngoài nỗ lực học tập, em còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội và đã được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc trao giải nhất trong cuộc thi ảnh “Thật tự hào, tôi cùng bạn vượt rào”.
Trong bài dự thi, Hải Anh đã khẳng định vai trò của văn hóa đọc trong gia đình: “Đọc sách chính là một cách giáo dục con toàn diện và đa dạng nhất. Mỗi cuốn sách hay đều là những chắt lọc từ cuộc sống của tác giả, thậm chí là kinh nghiệm của cả một cuộc đời, cả một thế hệ. Ta thử làm một phép tính đơn giản, một người vấp ngã rất nhiều lần và cần tới vài chục năm để chiêm nhiệm, giác ngộ và đúc kết ra những kinh nghiệm của bản thân. Trong khi, ta chỉ cần đọc cuốn sách do người đó viết là đã hiểu được phần nào những điều mà người đó trải qua, hơn nữa chỉ cần một khoảng thời gian rất ngắn.
Đồng thời, Hải Anh đã nêu ý nghĩa của sách nói với người khiếm thị rằng: “Với những trẻ là khiếm thị, việc đọc một cuốn sách chữ sáng là vô cùng khó khăn không phải lúc nào cũng có người mắt sáng bên cạnh cả ngày để đọc sách cho nghe. Bởi vậy, cho trẻ khiếm thị nói riêng và người khiếm thị nói chung nghe sách nói vừa để tăng hiểu biết, vừa tránh khỏi nguy cơ mắc chứng tự kỉ, tự cô lập mình ở lứa tuổi của trẻ nhỏ”.
Không những vậy nhiều bài dự thi cũng đã bày tỏ mong muốn thay đổi quan điểm của rất nhiều người đó là “Người khiếm thị là vô dụng”, “Người khiếm thị không cần đọc sách”. Người khiếm thị có thể thành công, thành công hơn bất kỳ ai, có thể hạnh phúc và hạnh phúc hơn bất kỳ ai. Và việc đọc sách, nghe sách nói là vô cùng cần thiết để tích lũy tri thức, để chứng tỏ bản thân và để hạnh phúc.
Ngoài cuộc thi, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) cũng đã cho ra mắt kênh “Cùng bạn đọc sách” nhằm truyền cảm hứng kết nối và lan tỏa tri thức cho mọi người, đặc biệt là cho người khiếm thị.