Với nhà báo Hoàng Nhật, môi trường làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phong cách. Đặt trên những bệ phóng đó, mỗi người sẽ tự tạo được ý thức nghiêm cẩn trong công việc lẫn trong đời sống hàng ngày.
PV:Anh đã rèn luyện ra sao để luôn giữ được ý thức của mình?
Nhà báo Hoàng Nhật, Phó TBT báo VietnamPlus: Đã nói tới rèn luyện thì phải nói tới cả quá trình, gắn liền với sự phát triển nhận thức.
Thời trẻ cũng có lúc tôi thấy mình hiếu thắng, mà theo ngôn ngữ bây giờ gọi là “trẻ trâu”, thích tranh cãi đến tận cùng và hiếm khi nhận sai. Và đến lúc biết nhận sai và cúi đầu xin lỗi thì thực sự thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều, dù đôi lúc vẫn không bỏ được cố tật ngày nào.
Với tôi thì bị những người đi trước mắng mỏ, dù ngay lúc ấy có thể thấy không hài lòng, thậm chí là khó chịu. Nhưng đến khi có độ lùi thời gian, có vấp váp thì mới thấy lời mắng mỏ ấy quả là cần thiết.
Điều tạo nên sự khác biệt, đó là ý thức của con người với các mức độ của nó, thể hiện trong cuộc sống cũng như trong công việc?
- Đúng vậy, và ý thức được hình thành dựa trên nền tảng giáo dục mà chúng ta được thụ hưởng. Giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng để hình hành nhân cách của mỗi người.
Trong giáo dục, nhất là với trẻ em, tôi vẫn thấy kỹ năng sống cũng như rèn luyện con người sống có ý thức luôn là điều cần thiết?
- Tôi vẫn muốn lấy ví dụ bản thân để trả lời câu hỏi này. Con tôi từ hồi học mầm non đã được cô giáo dạy là không được xả rác ra đường. Một lần đèo con đi đường, tôi vô ý ném trượt rác khỏi thùng, con tôi khi ấy nằng nặc bắt bố phải dừng xe nhặt mẩu rác bỏ đúng nơi quy định. Cho đến giờ cháu vẫn giữ được ý thức như vậy.
Dĩ nhiên, chẳng có ai hoàn hảo cả, cháu có vô vàn sai sót khác, nhưng tôi hài lòng vì con mình đã được rèn luyện sống có ý thức, theo tiêu chuẩn chung mà xã hội chúng ta đang theo đuổi.
Tuy nhiên nhiều khi ý thức buộc phải nhường chỗ cho bản năng?
- Nhưng bản năng cũng sẽ bị kìm nén nếu chủ thể đó được uốn nắn đúng hướng.
Và khi bản năng điều khiển hành động của con người, theo anh có những hậu quả gì sẽ xảy ra?
- Tôi không dám hình dung đến điều đó. Đã có quá nhiều ví dụ về bất ổn xã hội bắt nguồn từ những hành động theo bản năng như vậy rồi. Nên giáo dục luôn luôn đóng vai trò quan trọng, dù có là giáo dục với vô vàn giấy khen đi chăng nữa thì vẫn còn hơn là vô giáo dục.
Trong một năm qua, bệnh dịch diễn ra dường như đã làm thay đổi không chỉ đời sống, mà còn cả ý thức của con người?
- Vâng, và chưa bao giờ chúng ta thấy từ “ý thức” được nhắc nhiều đến thế, đi kèm với trách nhiệm cộng đồng, với câu chuyện “tôi và chúng ta.” Làm sao để quyền lợi của một cá nhân không đi ngược lại với quyền lợi của cả cộng đồng.
Có thể thấy, con người đã biết thận trọng những hành xử nơi đám đông, và biết ý thức giữ gìn sức khỏe cho bản thân cũng như cộng đồng?
- Khi chúng ta giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cá nhân và tập thể thì cũng có nghĩa là chúng ta đang chống dịch tốt, với sức khỏe cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Đôi lúc, tôi cũng thấy bất bình với phản ứng có phần hơi quá mức của cộng đồng với một cá nhân nào đó vô ý thức làm lây lan dịch bệnh.
Nhưng đúng là đặt vào trong hoàn cảnh dịch bệnh đang lan tràn ở nhiều quốc gia, với số người chết mỗi ngày lên tới hàng ngàn người, thì tôi cũng phần nào thông cảm với những phản ứng có phần gay gắt đó.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sự vô ý thức trong đời sống thường nhật mà chúng ta có thể chứng kiến, anh chia sẻ về điều này?
- Như chúng ta đã thảo luận từ đầu cuộc trò chuyện đến giờ, giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng, và tôi hy vọng giáo dục tốt sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những sự vô ý thức mà chúng ta đang chứng kiến. Nhưng chọn cách giáo dục nào cũng là điều mà từ các chuyên gia đến đám đông đang tranh cãi.
Theo anh, chúng ta cần sống có ý thức như thế nào để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn?
- Vâng, trước khi lập ngôn hay nói về những điều to tát, cứ hành động có ý thức đi đã, từ những điều nhỏ nhất là không xả rác, xếp hàng, không chen lấn, không vượt đèn đỏ… Nhỏ vậy thôi nhưng cũng khó lắm!
Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!