Mùa mưa lũ cận kề, để tránh cảnh đến hẹn lại ngập, việc làm cấp bách là phải đầu tư đúng mức cho hệ thống xử lý nước thải. Trong khi nguồn lực dành cho vấn đề này chưa tương xứng lại thêm bị “chặn” bằng những thủ tục rườm rà. Đó là những lý do khiến doanh nghiệp (DN) không mặn mà đầu tư vào khu vực ít lợi nhuận này.
Hệ thống xử lý nước thải thiếu và yếu là một nguyên nhân gây ngập lụt mùa mưa.
Mới xử lý được 10% lượng nước thải sinh hoạt
Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), tính đến hết năm 2016, hệ thống hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường trên cả nước mới đáp ứng xử lý được khoảng 10% lượng nước thải sinh hoạt và 40% lượng nước thải công nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến – Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho biết, hệ thống thoát nước đô thị đang được dùng chung cho tất cả các loại nước thải và nước mưa; được đầu tư xây dựng qua nhiều thời kỳ khác nhau, không hoàn chỉnh, đồng bộ, nhiều tuyến cống xuống cấp nên khả năng tiêu thoát nước thấp.
Còn ở các đô thị thuộc các tỉnh hay các vùng xa, thậm chí còn chưa xây dựng các đường ống xử lý nước thải. Tỷ lệ các hộ dân đấu nối vào mạng lưới thoát nước đô thị nhiều nơi còn rất thấp. Tình trạng nước thải sinh hoạt, sản xuất được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại sau đó theo các tuyến cống và xả trực tiếp ra môi trường, thậm chí xả thẳng vào nguồn tiếp nhận đúng “nguyên bản”, không xử lý vẫn diễn ra hàng ngày ở cả đô thị và nông thôn. Như tình trạng nước thải chảy vào gây ra ô nhiễm nguồn nước Hồ Tây, Linh Đàm, Văn Quán… (Hà Nội) khiến hiện tượng cá chết hàng loạt ở các hồ này.
Trong khi đó, hiện cả nước mới có khoảng 37 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị với tổng công suất xử lý nước thải đạt 890.000m3/ngày đêm. Ước tính chỉ khoảng 12-13% lượng nước thải sinh hoạt được xử lý phù hợp trước khi xả thải vào môi trường. Còn lại nhiều đô thị đang xây dựng hoặc chưa có trạm xử lý nước thải. Trong khi hệ thống xử lý nước thải yếu như vậy lại liên tục bị tác động của con người trong quá trình đô thị hóa khiến nước khó tìm đường thoát, ngập mỗi trận mưa to là điều nhìn thấy trước.
Khó xã hội hóa vì ít lợi nhuận
Để giải bài toán ngập lụt đô thị nhiều chuyên gia đề nghị cần ưu tiên nguồn lực thích đáng cho thoát nước, xử lý chất thải đô thị. Như vậy về trung và dài hạn, việc xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung quy mô lớn là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, cho dù có xây dựng các nhà máy xử lý nước thải như vậy đi nữa cũng không thể xử lý cho toàn bộ các khu vực được.
Bởi vậy, đi đôi với phương pháp xử lý nước thải truyền thống cần áp dụng những công nghệ, kỹ thuật xử lý nước thải phi tập trung tại các khu vực đô thị địa phương, các khu vực ở trên cao ngay trong các đô thị lớn, hay các khu vực ít dân cư, vùng sâu, vùng xa, khu vực quần đảo nhỏ… để không phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải quy mô lớn.
Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển môi trường SFC Việt Nam, TS Nguyễn Phương Quý chia sẻ, xử lý nước thải là một lĩnh vực đầu tư gần như không có lợi nhuận, do đó rất khó thu hút vốn xã hội hóa. Thế nên, đến nay số DN tư nhân đổ tiền vào lĩnh vực này chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay, trong khi đó, năng lực, công nghệ của các đơn vị công ích thuộc khối quốc doanh lại còn quá nhiều hạn chế. Nếu không có sự điều chỉnh kịp thời trong chính sách thu hút đầu tư, không kêu gọi, tận dụng được nguồn lực của khối DN tư nhân, vấn đề xử lý nước thải đô thị tại nước ta sẽ còn gặp nhiều khó khăn, chậm tiến triển và hệ lụy ngày một nặng nề hơn.
Cần có chiến lược lâu dài để bảo vệ nguồn nước cũng như giải pháp thông minh để đối phó với vấn đề ngập lụt tại các đô thị mỗi khi mưa về, ông Quý đề nghị. Muốn vậy, cơ quan quản lý nhà nước sớm có biện pháp giải quyết là thu hút nguồn vốn xã hội hóa cho hoạt động xử lý nước thải đô thị. Thực tế hiện đã có một số DN muốn đầu tư vào lĩnh vực này nhưng thủ tục vẫn khá phức tạp nên cản bước nhà đầu tư. Lợi nhuận ít mà lại phải băng qua cả rừng thủ tục mới có thể đầu tư chắc chắn chẳng có nhà đầu tư nào dám dấn thân con đường gập ghềnh này.
PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, nhìn nhận, khó khăn lớn nhất trong xử lý nước thải đô thị hiện nay là thiếu công nghệ hiện đại. Hiện nước ta đang áp dụng từ 5 - 6 loại công nghệ xử lý nước thải (cả hóa học và sinh học), nhưng chỉ có 3 công nghệ đáp ứng tốt các tiêu chuẩn đề ra, đặc biệt là xử lý được Nitơ và Phốt pho. Không đầu tư công nghệ hiện đại xử lý nước thải khiến nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm.