Yếu tố “nhân tai”

Hữu Nguyên 16/03/2016 10:05

Hạn hán và xâm nhập mặn đang diễn ra nghiêm trọng chưa từng có ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Đáng nói là hiện tượng này đã từng được các chuyên gia cảnh báo từ nhiều năm trước.  Nó không chỉ là kết quả của thiên tai, do tác động của El-nino, biến đổi khí hậu toàn cầu mà nó còn là hệ quả của nhân tai. Do thiếu quy hoạch khoa học, cùng các tác động khai thác quá mức, tàn phá tự nhiên của chính con người.

Ảnh minh họa.

Nhiều năm trước, ĐBSCL từng chứng kiến những trận lũ lịch sử hàng năm gây ra không ít thiệt hại về mùa màng và ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân trong khu vực. Những trận lũ hàng năm, theo mùa vốn dĩ đã gắn bó lâu đời với vùng đất này, chẳng hiểu sao có lúc lại bị lên án như là một tác nhân gây hại. Nhiều chương trình và kế hoạch từng được đưa ra để nhằm ngăn lũ, chống lũ, can thiệp vào quy trình sinh thái tuần hoàn của tự nhiên. May mắn thay từ những năm 80 của thế kỷ trước đã có những nhà khoa học tâm huyết và gắn bó với ĐBSCL không ngừng lên tiếng cảnh báo về ý tưởng “chống lũ” ở khu vực này. Các chuyên gia cho rằng ĐBSCL cần phải có giài pháp để “sống chung với lũ”, chứ không phải là bằng mọi giá “chống lũ”, hay “ngăn lũ”. Bởi đơn giản, lũ còn mang lại nhiều nguồn lợi cho đất đai và cư dân nơi đây nhiều hơn là thiệt hại, nếu biết cách “sống chung” với nó.

Tuy nhiên, do việc thiếu đồng bộ trong quy hoạch, đồng thời với nhận thức dài hạn trong việc xác định vật nuôi cây trồng chiến lược trong từng giai đọan phát triển của các địa phương còn chưa nhất quán, đôi khi mâu thuẫn và tự phát nên việc triển khai ý tưởng “sống chung với lũ” cũng chưa đạt yêu cầu kỳ vọng. Trong từng địa phương, vẫn thường xảy ra các mâu thuẫn, đôi khi máy móc về quy hoạch đất lúa sử dụng nước ngọt và đất nuôi trồng thủy sản sử dụng nước mặn. Các chủ trương của trung ương và địa phương vẫn còn độ chênh khá lớn từ quy hoạch vùng cho tới triển khai thực tế. Hiện tượng người dân tự phát phá bỏ nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn từng xảy ra không ít để phát triển nuôi tôm, khi thị trường này đang có giá cao ngất ngưỡng. Mặt khác, phục vụ chủ trương đảm bảo an ninh lượng thực và giữ vững vị trí là quốc gia xuất khẩu lúa gạo nhất nhì thế giới, nhiều quy hoạch vùng bị áp đặt không phù hợp với tự nhiên, với tình hình thực tế của địa phương cũng như với nhu cầu phát triển, đời sống lâu dài của người dân.

Kết quả nghiên cứu nhiều năm tại ĐBSCL cho thấy, mức độ hạn hán – xâm nhập mặn cứ khoảng 10 năm lại xảy ra một lần. Ngay cả thời điểm chưa từng xuất hiện khái niệm biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao, chu kỳ hạn – mặn vẫn xảy ra tại ĐBSCL một cách bình thường. Tuy nhiên, vào thời điểm của nhiều thập kỷ trước, sự can thiệp của con người vào hệ thống dòng chảy Mekong còn chưa đáng kể. Nguồn nước hàng năm đổ về hạ lưu sông Mekong vẫn còn dồi dào. Do đó, hiện tượng hạn hán - xâm nhập mặn tuy có xảy ra nhưng chỉ ở mức độ thấp. Xâm nhập mặn chỉ diễn ra ở một số vùng ven biển, với phạm vi ngắn về chiều dài lẫn thời gian.

Từ lâu, cư dân khu vực ven biển của ĐBSCL đã biết cách thích nghi với nước mặn. Với họ, “nước mặn” chưa bao giờ là vấn đề đáng quan ngại, thậm chí nó còn mang tới nhiều lợi ích cho việc nuôi trồng thủy hải sản nước mặn có giá trị cao. Theo một số chuyên gia đầu ngành, thực trạng ĐBSCL hiện nay hạn - mặn diễn ra ngày càng gay gắt có phần nào là kết quả của công tác quy hoạch mang tính áp đặt và cứng nhắc. Có những vùng đất người dân đã quen sống đan xen với mặn - ngọt, nhưng quy hoạch bắt buộc phải “ngọt hóa”.

Theo GS Võ Tòng Xuân, ĐBSCL đã tốn hàng chục nghìn tỷ đồng để làm ngọt hóa bán đảo Cà Mau nhưng kết quả là nước ngọt vẫn không đủ cho ngọt hóa. Theo ông đã đến lúc cần thay đổi tư duy về kinh tế nông nghiệp cho khu vực này. Đã đến lúc, các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương phải đổi mới tư duy làm kinh tế, chọn hướng sản xuất và tìm đầu ra để có giá trị cao hơn mà không tiêu xài quá nhiều nước ngọt - tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Tư duy về nước mặn là kẻ thù, phải ngăn mặn, không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững, hài hòa thiên nhiên. Đồng thời cũng phải có giải pháp, khai thác hiệu quả, dự trữ đảm bảo nguồn nước ngọt cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, trong mọi giai đoạn thời tiết tại khu vực này.

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, ở ĐBSCL không phải thấy nước mặn là làm đê bao hết, phải biết chừa chỗ để lấy nước mặn phục vụ con tôm. Muốn làm được thủy lợi đồng bộ, đảm bảo cho cả lúa, cá, tôm, rau, màu và cây ăn trái ở ĐBSCL thì phải có lãnh đạo chỉ huy thống nhất. Đặc biệt, ở cấp độ quốc gia, trong chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, mà cụ thể là hiện tượng nước biển dâng cao, khiến khu vực ĐBSCL được xem là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các cơ quan chức năng cần có các nghiên cứu khoa học đầy đủ, nghiêm túc. Dự báo sớm, chính xác và kịp thời đề ra các giải pháp thích hợp, can thiệp và hỗ trợ cho việc quy hoạch vùng đảm bảo hài hòa lợi ích của các nước trong khu vực. Cần thấy rằng sự bế tắc trong việc chia sẻ quan điểm phát triển của các quốc gia có dòng Mekong đi qua sẽ kéo theo những mối đe dọa lớn cho môi trường tương lai, biến vùng hạ lưu dòng sông này thành khu vực dễ bị tổn thương và làm bần cùng hóa những người dân vô tội, gây nên những xáo trộn khó lường cho khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yếu tố “nhân tai”