Quốc tế

Zambia tê liệt vì hạn hán

Hà Anh 01/06/2024 09:49

Zambia đang chứng kiến những tháng hạn hán khốc liệt, làm tê liệt mùa màng khiến hàng triệu người phải đối mặt với nạn đói.

anhbaitren(9).jpg
Thiếu mưa nghiêm trọng khiến mùa màng ở miền Nam châu Phi khô hạn. Nguồn: AP.

Bộ trưởng Bộ Môi trường Zambia Collins Nzovu cảnh báo, hạn hán nghiêm trọng ở Zambia đang đe dọa nạn đói đối với hàng triệu người, nguy cơ cắt điện trong thời gian dài, phá hủy cơ cấu xã hội và nền kinh tế của đất nước. Nó như một điềm báo về những gì đang xảy ra trong khu vực khi khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng.

Bộ trưởng Nzovu cho biết, tình trạng hạn hán mà Zambia đang trải qua gửi đi thông điệp rằng các nước đang phát triển đang phải đối mặt với thảm họa từ cuộc khủng hoảng khí hậu, trong khi các nước giàu hơn không tập hợp được nguồn trợ giúp tài chính cho những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Mọi người đang sắp hết nguồn dự trữ thực phẩm và việc nhập khẩu từ các nước khác trong khu vực trở nên khó khăn hơn nhiều vì họ cũng đang cảm nhận được tác động của hạn hán. Nguồn cung cấp thực phẩm chính cho Zambia đến từ Nam Phi và Tanzania, nhưng nguồn cung này không chắc chắn trong những tháng tới.

Trong những năm bình thường, Zambia có thặng dư lương thực và xuất khẩu sang các nước láng giềng, bao gồm Malawi, Zimbabwe và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Khoảng 95% năng lượng của đất nước đến từ thủy điện, tuy nhiên hiện công suất đã giảm một nửa, dẫn đến tình trạng cắt điện kéo dài 8 giờ trở lên diễn ra thường xuyên. Hạn hán xảy ra sau những trận lũ lụt đã làm hư hại cơ sở hạ tầng trong nước.

Tổng thống Zambia Hakainde Hichilema đã tuyên bố tình trạng thảm họa quốc gia và đưa ra các biện pháp nghiêm ngặt về sử dụng nước. Nước này cũng đang tìm cách đa dạng hóa trồng trọt từ ngô sang sắn và lúa miến, cũng như các loại cây trồng có khả năng chống chịu hạn hán tốt hơn.

Ông Nzovu cho rằng, hoàn cảnh khó khăn của Zambia là điềm báo trước về những thảm họa sẽ ngày càng ảnh hưởng đến khu vực khi tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra. “Hãy nhìn vào tất cả các yếu tố, nó sẽ cho bạn thấy rõ về sự thay đổi của khí hậu” - ông Nzovu nói.

Vào đầu tháng 6, các quốc gia trên khắp thế giới sẽ gặp nhau tại Bonn dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ) trong giai đoạn đầu tiên sau nhiều tháng đàm phán về khuôn khổ tài chính mới nhằm giải quyết khủng hoảng khí hậu. Vấn đề sẽ lên đến đỉnh điểm tại hội nghị thượng đỉnh Cop29 tại Azerbaijan vào tháng 11. Tại đó, các quốc gia được cho là sẽ đặt ra “mục tiêu định lượng chung mới” để cung cấp hàng trăm tỷ đô la tài chính khí hậu mỗi năm cho các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, cuộc đàm phán đang gặp khó khăn. Nhiều quốc gia đang tiến hành các chiến dịch bầu cử, như Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới và EU - nơi các chính trị gia lo ngại về phản ứng dữ dội có thể xảy ra đối với hành động vì khí hậu. Không có thỏa thuận nào về cách cung cấp tài chính khí hậu, nguồn tài chính này đến từ đâu và ai sẽ nhận nó.

Theo Bộ trưởng Nzovu, vấn đề này cần phải đạt được tiến bộ như một giải pháp cấp bách. “Nếu cả thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, không ngồi vào bàn đàm phán và cung cấp nguồn tài chính đầy đủ thì chúng tôi sẽ bị bỏ lại phía sau” - ông Nzovu cảnh báo.

Ông Nzovu cho biết, những quốc gia được hưởng lợi đầu tiên từ quá trình công nghiệp hóa phải có trách nhiệm với những nước nghèo nhất. Bởi khí hậu đã thay đổi vì các nước phát triển đã đốt quá nhiều nhiên liệu hóa thạch, gây ra biến đổi khí hậu.

Zambia cũng giống như nhiều quốc gia dễ bị tổn thương về khí hậu khác, đang phải vật lộn với hàng núi nợ nần, vốn càng trở nên tồi tệ hơn vì lãi suất cao trên toàn thế giới. Chính phủ đã nhận được sự giúp đỡ từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để cơ cấu lại nợ và thực hiện các biện pháp nhằm ổn định nền kinh tế cho đến khi hạn hán lại gia tăng sau nhiều năm suy giảm.

Nước này cũng hy vọng khai thác được nhiều tài nguyên khoáng sản hơn, như coban và đồng - những khoáng sản quan trọng và cần thiết trên toàn cầu trong quá trình chuyển đổi sang hệ thống năng lượng ít carbon. Zambia đang tìm cách hợp tác với Congo để xuất khẩu.

Sản xuất coban đang gặp vấn đề tại nhiều nơi ở châu Phi, trong đó có cả Congo vì liên quan đến các vụ việc lao động trẻ em. Nhưng Bộ trưởng Nzovu cam kết, việc sản xuất coban tại Zambia sẽ được quản lý theo cách mang lại lợi ích cho người dân mà không gây hại cho môi trường.

Bộ trưởng Môi trường Nzovu cho biết, Zambia đã sẵn sàng đầu tư, điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho khu vực tư nhân mà còn mang lại lợi ích trực tiếp cho Zambia. Chúng tôi đang đảm bảo quản trị tốt, chống tham nhũng và có dân chủ. Ông Nzovu kêu gọi cải cách tài chính khí hậu để giúp các nước ở châu Phi và các khu vực khác ở phía Nam bán cầu tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu.

“Châu Phi góp phần rất ít vào biến đổi khí hậu. Lượng khí thải CO2 của chúng tôi gần như không đáng kể. Tuy nhiên, hậu quả mà châu Phi đang gánh chịu lại rất nghiêm trọng” - ông Nzovu bày tỏ.

Malawi - quốc gia miền Nam châu Phi cũng đã tuyên bố tình trạng thảm họa do hạn hán ở 23 trong số 28 quận của nước này, họ cần gấp hơn 200 triệu USD viện trợ nhân đạo để giải quyết tình hình, chưa đầy một tháng sau khi Zambia kêu gọi giúp đỡ. Malawi là quốc gia mới nhất trong khu vực bị tê liệt nguồn cung cấp thực phẩm do đợt khô hạn nghiêm trọng có liên quan đến El Nino.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Zambia tê liệt vì hạn hán