20 năm làm không xong 100 m đường

Nguyễn Chung 30/06/2020 14:00

Chỉ 100 m đường giao thông, với khoảng hơn 20 hộ dân nằm trong diện ảnh hưởng phải di dời, nhưng 20 năm qua, Dự án xây dựng hoàn chỉnh nút giao đường Lê Chân -Thế Lữ, phường Đông Thọ (thuộc khu nhà ở chung cư Mai Xuân Dương, TP Thanh Hóa) vẫn chưa thể triển khai.

Ông Trịnh Đình Phương, Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khối phố Đội Cung 1 bức xúc bên dự án treo suốt 20 năm qua.

“Treo” suốt 2 thập kỷ!

Đưa tôi xuống khu phố 1, Đội Cung, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, ông Trịnh Đình Phương- Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khu 1 Đội Cung, phường Đông Thọ vừa ngán ngẩm nói: “Đời sống của bà con nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án vất vả lắm, nói không hết! Chú cứ tưởng tượng thế này: 20 năm qua, nhà không được xây mới, sửa chữa, cơi nới. Thậm chí một cái nhà vệ sinh kiên cố cũng không được làm thì đời sống tù túng, ngột ngạt như thế nào. Họ kêu từ nhiệm kỳ nọ, sang nhiệm kỳ kia, nhưng vẫn không thấu”.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Khoảng năm 1993, khu dân cư này thuộc diện quy hoạch khu Mai Xuân Dương. Đến năm 1999-2000, UBND TP Thanh Hóa tiến hành quy hoạch, xây dựng và hình thành khu dân cư Mai Xuân Dương. Các hộ dân ở đây thuộc diện thu hồi đất và tái định cư đi nơi ở mới để làm tuyến giao thông nối đường Lê Chân với đường Thế Lữ cho khu dân cư Mai Xuân Dương và chợ Đông Thọ. Thế nhưng từ đó đến nay, dự án mãi vẫn “giậm chân tại chỗ”, không thấy triển khai. Các hộ dân vẫn chưa được tái định cư đi nơi ở mới mà vẫn sống trong cảnh chờ đợi...

Đưa chúng tôi đi xem một vòng quanh khu dân cư với những căn nhà xập xệ và tạm bợ nằm cạnh chợ Đông Thọ, ông Đỗ Xuân Thủy- Chủ tịch MTTQ phường Đông Thọ chỉ tay về phía con dốc ở cuối đường Thế Lữ, nơi dẫn xuống nhà ở của một số gia đình phía trong. Theo hướng tay ông Thủy chỉ: Đây là nhà bà Trịnh Thị Phượng - trú tại số 52, đường Thế Lữ. Hiện trong gia đình bà Phượng có tới 3 thế hệ với 12 nhân khẩu cùng chung sống. Chỉ vì dự án “treo” suốt 2 thập kỷ đã khiến các cặp vợ chồng, con cái trong gia đình bà phải sinh hoạt trong những gian nhà cấp 4 vốn chật hẹp, cũ kỹ, nay đã xuống cấp trầm trọng mà không thể xây mới hay cơi nới để có thêm không gian sống...

Gặp chúng tôi ngay đầu con ngõ chật hẹp, ẩm thấp, bà Hoàng Thị Duyên, trú tại số 62, đường Thế Lữ không giấu được sự mệt mỏi của mình. Bà Duyên phàn nàn: Tuổi già, bà không chỉ phải chịu đựng nỗi thống khổ từ căn bệnh tai biến mà còn phải chịu nỗi vất vả khi phải sống nhiều năm trong căn nhà dột nát. Nắng thì nóng như cái lò bánh mì, còn hôm nào trời mưa to, nước mưa cuốn theo nước thải, rác thải từ những con đường phía trên trượt qua con dốc đưa thẳng vào nhà. Nhà lại nằm ngay phía sau chợ Đông Thọ nên thường xuyên phải hứng chịu mùi hôi thối từ khu vực buôn bán gà, vịt trong chợ… “Chúng tôi đã chờ đợi suốt 20 năm để được di dời… Cứ tình trạng này, không biết tôi có còn sống để được chứng kiến ngày cả khu phố được giải tỏa?”- bà Duyên nói như tuyệt vọng.

Trái ngược với mong muốn của nhiều hộ dân nằm phía sâu trong con đường, gia đình anh Phạm Hùng Thắng, trú tại số 8, Lê Chân lại cho biết: Gia đình anh vốn về đây định cư từ năm 1971, nên nơi đây trở thành nơi “chôn rau, cắt rốn” của anh và nhiều thành viên khác trong gia đình. Hiện tại, cả nhà anh có 4 khẩu, anh Thắng làm nghề cắt tóc và là lao động chính.

Vì đặc thù của công việc, anh Thắng hoàn toàn không muốn chuyển đi, mặc dù vì chính sách của Nhà nước, anh vẫn phải miễn cưỡng chấp thuận. “Không chỉ riêng tôi mà nhiều gia đình khác có việc làm ổn định tại nhà cũng không muốn di dời. Giả sử bây giờ chúng tôi được bố trí tái định cư đến một khu mới, khang trang hơn nhưng chắc chắn tôi không thể nhanh chóng tìm được khách hàng, đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn là điều không tránh khỏi. Nhà nước nên tính toán hợp lý về đền bù, hỗ trợ sinh kế thì người dân mới yên tâm chuyển đến nơi ở mới”.

“Treo” đến bao giờ?

Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, ông Trịnh Đình Phương- Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng khối phố Đội Cung 1 cho biết: Toàn bộ dự án có chiều dài chỉ khoảng 100m và có hơn 20 hộ dân nằm trong vùng phải di dời. Tuy nhiên, suốt 20 năm qua dự án nằm trong tình trạng “treo” nên người dân rất bức xúc. Đã nhiều lần các cử tri đề nghị lên cấp trên để có phương án xử lý dứt điểm đối với dự án này. Thế nhưng trải qua nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ với các vị lãnh đạo khác nhau, dự án vẫn chỉ “nằm trên giấy”. “Cuối năm 2019, chính quyền thành phố có mời các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án lên phường để làm việc. Tại lần gặp gỡ này, đại diện một số phòng, ban của thành phố đã đưa ra phương án để thực hiện GPMB triển khai dự án, người dân cũng đã thống nhất di dời và ký cam kết. Thế nhưng, sau buổi làm việc này, mọi việc vẫn như cũ”.

Vậy nguyên nhân nào khiến một dự án nút giao thông chỉ dài 100m, với khoảng 20 hộ dân bị ảnh hưởng lại phải “ì ạch” tới tận 20 năm? Trả lời việc này, ông Đỗ Xuân Thủy, Chủ tịch MTTQ phường Đông Thọ cho biết: Cái chính vẫn là kinh phí và quỹ đất để thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng của thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó là sự không thống nhất trong việc áp giá đền bù giữa người dân và chính quyền.

“Theo tôi được biết: Dự án có chiều dài gần 100m với khối lượng xây lắp khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên kinh phí bồi thường GPMB hơn 26 tỷ đồng. Khó khăn hiện nay, kinh phí GPMB đối với dự án quá lớn, tìm vị trí quỹ đất tái định cư tương xứng với khu vực được GPMB gặp khó khăn... Mới nhất là cuộc tiếp xúc cử tri vào ngày 25/6, tại UBND phường, đại điện lãnh đạo thành phố đã giao cho Ban GPMB tiến hành rà soát, tổng hợp và lên phương án để thực hiện dự án trong năm nay. Đây có thể là tín hiệu lạc quan cho bà con trong vùng ảnh hưởng của dự án”- ông Thủy nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    20 năm làm không xong 100 m đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO