3 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

BS Nguyễn Văn Giang 18/12/2021 10:16

Đột quỵ là tình trạng nguồn cung cấp máu lên não bị gián đoạn, thường gặp do cục máu đông bít tắc lòng mạch hoặc sự cố vỡ mạch máu não. Đây là bệnh lý nguy hiểm, diễn biến nhanh và cần được cấp cứu kịp thời. Phần lớn các trường hợp đột quỵ thường diễn ra sau khi xuất hiện một cơn đột quỵ nhỏ với các triệu chứng như:

- Xây xẩm mặt mày;

- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc ngã không rõ nguyên nhân;

- Tê yếu tay chân một hoặc cả hai bên cơ thể.

Khác với đột quỵ, đột quỵ nhỏ xảy ra khi nguồn cung máu lên não bị chặn tạm thời nhưng đều chung một nguyên nhân chủ yếu đó là do sự xuất hiện của cục máu đông. Lúc này, não không nhận đủ ô xy và các chất dinh dưỡng nên bị suy yếu và gây ra các triệu chứng kể trên.

Hầu hết người đã từng gặp phải cơn thiếu máu não thoáng qua thì có nguy cơ đột quỵ nặng trong khoảng một vài ngày, 1 tuần hoặc 1 vài tháng sau đó. Bởi khi cục máu đông đã xuất hiện gây bít tắc lòng mạch tức là trong cơ thể đã có những điều kiện thuận lợi để hình thành cục máu đông như độ nhớt máu tăng, thành mạch hẹp, tăng huyết áp, mảng xơ vữa... Do đó, mặc dù đã bị phá hủy nhưng sau một thời gian, các cục máu đông này vẫn có thể xuất hiện trở lại, thậm chí với kích thước lớn hơn nếu không áp dụng các biện pháp can thiệp kịp thời.

Khi xuất hiện các dấu hiệu như xây xẩm, chóng mặt hay tê yếu chân tay thì có nghĩa người bệnh đang trải qua đột quỵ cơn nhỏ. Mặc dù các triệu chứng này chỉ xuất hiện thoáng qua nhưng người bệnh không nên chủ quan. Thay vào đó, hãy tới ngay các trung tâm y tế gần nhất để được thăm khám và đánh giá nguy cơ xuất hiện đột quỵ cũng như có những biện pháp ứng phó kịp thời.

Người bệnh có thể cần thực hiện nhiều xét nghiệm đánh giá như: Chụp cộng hưởng từ não, chụp CT động mạch, đo huyết áp, kiểm tra nhịp tim, xét nghiệm máu, khả năng đông máu... để phát hiện nguy cơ đột quỵ hay không và nguyên nhân gây ra tình trạng xây xẩm, chóng mặt, tê yếu chân tay là gì. Việc kiểm tra và điều trị sau đột quỵ cơn nhỏ có thể làm giảm tới 80% nguy cơ đột quỵ xuất hiện.

Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống cũng là cách để người bệnh giảm bớt nguy cơ bị đột quỵ trong tương lai. Đó là tích cực tập luyện thể dục thể thao, giảm cân nếu béo phì, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, hạn chế đồ chiên rán, giảm đường, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    3 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO