‘3 kịch bản’ ứng phó với hạn mặn

Quốc Trung 15/01/2021 07:00

Theo dự báo của ngành chức năng, năm nay mặn sẽ đến sớm hơn trung bình nhiều năm, ảnh hưởng của hạn mặn sẽ nặng nề hơn. Hiện các địa phương đã triển khai các biện pháp ứng phó với “3 kịch bản” của hạn mặn (ít gay gắt, gay gắt tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019 – 2020) với phương châm hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân…

Các ống cống, cửa sông, cửa biển đã được chủ động đóng khi thuỷ triều lên.

Mặn sẽ tấn công mạnh trong mấy ngày Tết nguyên Đán

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cũng cho biết, hiện lưu vực sông Mê Công đang ở thời kỳ đầu mùa khô năm 2020 - 2021. Nguồn nước mùa khô năm 2020 - 2021 về vùng ĐBSCL thấp hơn đáng kể so với trung bình nhiều năm, chỉ tương đương với các năm có hạn mặn lịch sử 2015-2016 hoặc 2019 - 2020. Vì vậy, mặn hạn ở khu vực này tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo đó, dự báo từ ngày 6 đến 16/2/2021 tức ngày 25 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu (ngay thời điểm vui Tết Cổ truyền-PV) mặn 4g/lít có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long 50 đến 95 km trên sông Vàm Cỏ. Sẽ có rất nhiều cây trồng cần được cung cấp nước, không chỉ lúa, cây ăn trái vùng ven biển mà trên toàn vùng ĐBSCL, do vậy bà con nông dân phải hết sức lưu ý việc đưa nước vào ruộng, vườn, mương, ao tích trữ nước trước thời gian này, vì theo dự báo dòng chảy sông Tiền, sông Hậu sẽ ít nước hơn hàng năm ở thời gian nêu trên.

Hiện ghi nhận ở một số địa phương vùng ĐBSCL, sau khi thông tin mặn bắt đầu xâm nhập, các cửa sông, cửa biển đã được theo dõi chặt và đóng, mở theo quy luật của thuỷ triều. Phòng NNPTNT huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) đã có báo cáo nhanh, độ mặn ghi nhận vào sáng 11/1 tại các cửa sông, cống ở đây bắt đầu tăng. Cụ thể, tại bến phà Đại Ân là 6,5 ‰, cống Bà Xẫm 3,2 ‰, cống Cái Oanh 0,8 ‰, cống Cái Xe 0,4 ‰...

Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NNPTNT huyện Long Phú cho biết, để ứng phó với đợt mặn tấn công trong những ngày tới, địa phương đã triển khai đóng tất cả các cống để giữ nước ngọt bên trong. Mặc dù tình hình xâm nhập mặn đến muộn hơn mùa khô năm 2020, tuy nhiên diễn biến hạn mặn của năm nay dự báo vẫn khó lường nên bà con không được chủ quan.

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam khuyến cáo, các địa phương nên chủ động các biện pháp phòng chống hạn mặn từ bây giờ; Vận hành hệ thống công trình hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể, hạn chế tiêu thoát, đảm bảo tích trữ nước trước khi ảnh hưởng gia tăng từ hượng nguồn về. Đồng thời tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp với các diễn biến nguồn nước. Việc tăng cường các giải pháp tích nước vào hệ thống kênh, mương, ao, các dụng cụ trữ khác ngay từ bây giờ đến ngày 7/2/2021 sẽ hạn chế thiệt hại đợt hạn mặn tăng cao do ảnh hưởng của giảm xả nước hồ chứa phía thượng lưu.

Sẵn sàng ứng phó với “3 kịch bản”

3 kịch bản mà các địa phương xây dựng và đưa ra các phương án đối phó là (ít gay gắt, gay gắt tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019 – 2020). Các tỉnh như Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, cũng dự báo năm 2021 là năm mặn hạn cao. Cần chủ động có phương án tích trữ nước ngay trong lúc nguồn nước chưa bị ảnh hưởng bởi mặn để bảo vệ tốt vườn cây trái, hoa màu và giữ nước sinh hoạt.

Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa khô năm nay, Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trương xây dựng và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 với 3 kịch bản. Sự chủ động này đã từng giúp Bạc Liêu thực hiện thắng lợi các giải pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn trong năm qua và trở thành địa phương có mức độ thiệt hại thấp nhất khu vực ĐBSCL.

Bạc Liêu đã chủ động giảm thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra, theo đó diện tích sản xuất lúa đông xuân của Bạc Liêu sẽ giảm 3.400ha ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt. Trong trường hợp khẩn cấp, toàn tỉnh sẽ tiến hành đắp hệ thống 380 đập tạm để tổ chức bơm chuyền trữ nước ngọt cho vụ lúa đông xuân và dự kiến đầu tháng 3/2021.

Về đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân nông thôn, hiện ngành Nông nghiệp và các ngành, địa phương đang tiếp tục huy động nguồn vốn để xây dựng các trạm cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn để cấp nước sạch cho người dân và hạn chế tình trạng khoan giếng tự phát, góp phần bảo vệ nguồn nước ngầm. Tổ chức kiểm tra lại toàn bộ các trạm cung cấp nước, số hộ có khả năng thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án, kế hoạch kinh phí cụ thể để đầu tư hệ thống cấp nước tập trung, khoan bổ sung hoặc kéo dài đường ống cấp nước... đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô 2020 - 2021.

Bên cạnh đó, Bạc Liêu sẽ phối hợp với tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau trong công tác đo đạc, quan trắc, thông tin tình hình xâm nhập mặn và vận hành hệ thống cống (khi có nước ngọt trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp thì mở cống ở Sóc Trăng và Bạc Liêu để lấy nước ngọt, khi mặn thì đóng các cống không cho mặn xâm nhập vào vùng ngọt ổn định của 2 tỉnh; các cống ở tỉnh Cà Mau đóng, mở như các cống Giá Rai, Hộ Phòng ở tỉnh Bạc Liêu). Vì vậy, bà con nông dân cần nắm bắt thông tin vận hành cống, chủ động củng cố bờ bao và kịp thời bơm trữ nước ngọt trước khi nước mặn xâm nhập.

Trong buổi làm việc với các địa phương ĐBSCL về chủ động ứng phó với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020-2021 (ngày 23/9, tại Tiền Giang), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Bằng mọi cách chúng ta phải bảo đảm nước uống, nước sinh hoạt cho người dân, không để tình trạng thiếu nước ngọt diễn ra”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘3 kịch bản’ ứng phó với hạn mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO