40% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết

Đức Trân 13/06/2017 08:00

Sáng 12/6, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo quốc tế “Quản lý, phòng ngừa và kiểm soát một số bệnh do virus Arbo” do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển Quốc tế (IDRC) tổ chức với sự tham gia của gần 130 đại biểu đến từ các nước trên thế giới.

Diệt muỗi là cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất. Ảnh: TL.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, những năm gần đây, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến phức tạp, nhiều loại virus gây bệnh nguy hiểm cho người và động vật đã được phát hiện, chỉ riêng các loại do virus Arbo (là những virus lây truyền qua muỗi và côn trùng đốt) hiện đã phát hiện được khoảng 150 loại gây bệnh cho người và động vật.

Việt Nam và các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia… là những quốc gia nhiệt đới nằm trong khu vực lưu hành của nhiều loại bệnh do virus Arbo nguy hiểm, trong đó, điển hình phải kể đến các loại bệnh được truyền từ muỗi Aedes (muỗi vằn) như virus sốt xuất huyết (SXH) Dengue, Zika và Chikungunya.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “SXH Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ gia tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có trên 2,5 tỷ người (trên 40% dân số thế giới) có nguy cơ mắc SXH, trong đó 1,8 tỷ người thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam và các nước khu vực ASEAN là những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của SXH”.

Ở Việt Nam, theo nhận định của Sở Y tế Hà Nội: “Chu kỳ dịch SXH thường 5 năm lặp lại một lần nhưng hiện nay chu kỳ này đang có vấn đề. So với cùng kỳ năm 2016, số ca mắc SXH trong năm 2017 đã tăng 2,6 lần dù chưa phải đỉnh dịch”. Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết, SXH đã bắt đầu tăng trở lại sau khi đạt mức giảm sâu nhất từ đầu năm. Số người mắc SXH được ghi nhận trong tuần lên tới 233 trường hợp (tăng gần 7%) so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca bệnh từ đầu năm đến nay đã lên tới gần 8.800 ca.

Còn theo nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới, các bệnh do virus Arbo được truyền từ muỗi Aedes là những căn bệnh khó phòng chống, không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia, do vậy mà không một quốc gia thành viên ASEAN đơn lẻ nào có thể có những giải pháp phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả và triệt để nếu không có sự liên kết lại.

“Bên cạnh bệnh SXH Dengue, năm 2016 vừa qua, một loại bệnh khác có cùng véc tơ từ muỗi Aedes đã trở thành vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu, đó là bệnh do virus Zika”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Theo GS Đặng Đức Anh- Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: “Chúng ta đang mở rộng quy mô lấy mẫu muỗi vằn xét nghiệm Zika tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Hiện đã có hàng chục ngàn mẫu muỗi của các địa phương như Hà Nội, Nam Định, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, TP.HCM… được thu thập làm xét nghiệm”.

Hội thảo tiếp tục trong ngày hôm nay, 13/6, là cơ hội để các nhà khoa học tập trung thảo luận, đưa ra những khuyến nghị cấp quốc gia, những giải pháp giải quyết những tồn tại trong phòng chống SXH Dengue, Zika, Chikungunya tại khu vực: bao gồm chẩn đoán và điều trị, giám sát và phòng chống véc-tơ, nghiên cứu virus và vaccine cho cộng đồng, sự hợp tác bền vững giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    40% dân số thế giới có nguy cơ mắc sốt xuất huyết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO