5 năm xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Việt Thắng 14/04/2022 19:37

Trong gần 5 năm qua, kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 là 380,2 nghìn tỷ đồng nhưng nợ xấu chưa xử lý vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng.

Ngày 14/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ tổng kết Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đề cập đến bối cảnh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, kinh tế thế giới giai đoạn 2021-2025 được dự báo diễn biến khó lường, xung đột tại Ukraine và các đòn trừng phạt tài chính của phương Tây lên Nga gây ra thiệt hại cho nền kinh tế thế giới; tác động đến tình hình xuất nhập khẩu, lạm phát, cung cầu của Việt Nam cũng như đặt ra rủi ro đối với ngành ngân hàng.

“Dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất tăng cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp dẫn đến nhiều doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn phải đóng cửa, sản xuất cầm chừng, không trả được nợ ngân hàng. Từ đó ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của hệ thống các TCTD khiến nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng trong giai đoạn 2020-2021. Đến 31/12/2021, trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu ở mức cao so với tổng dư nợ là 6,31%” - bà Hồng cho hay.

Bà Hồng cũng cho biết, mặc dù kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 trong gần 5 năm qua ở mức cao (380,2 nghìn tỷ đồng) nhưng nợ xấu chưa xử lý theo Nghị quyết số 42 đến 31/12/2021 vẫn ở mức cao là 412,7 nghìn tỷ đồng do nợ xấu theo Nghị quyết số 42 phát sinh mới trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực là khoảng 251 nghìn tỷ đồng.

Bà Hồng cảnh báo, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng tự trả nợ giảm do dịch bệnh Covid-19 đã tác động bất lợi đến tình hình tài chính của khách hàng.

Từ đó đưa ra đề xuất bà Hồng cho hay, tại Báo cáo số 54/BC-CP, Chính phủ đã kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các TCTD trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

Trước đó, báo cáo về kết quả xử lý nợ xấu nội bảng, bà Hồng cho biết, trong thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước cùng với sự chủ động, nỗ lực của các TCTD, nợ xấu của hệ thống các TCTD đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%.

Kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 cho thấy:

Lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 196,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 51,79% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết số 42 là 100,8 nghìn tỷ đồng (chiếm 26,51% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý); xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,5 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,70% tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 đã xử lý).

Bên cạnh đó, tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các TCTD đến 31/12/2021 là 412,7 nghìn tỷ đồng, giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết số 42 có hiệu lực (15/8/2017).

Lũy kế từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến 31/12/2021, VAMC đã mua được 339 khoản nợ theo giá trị thị trường đối với 193 khách hàng với dư nợ gốc đạt 11.723 tỷ đồng và giá mua nợ đạt 11.822 tỷ đồng. VAMC cũng thu hồi nợ đạt 120.738 tỷ đồng (bằng 66% tổng giá trị thu hồi nợ lũy kế từ năm 2013 đến 31/12/2021). Tổ chức đấu giá thành công 22 tài sản với tổng giá trị trúng đấu giá đạt 2.516 tỷ đồng. Đồng thời VAMC đã thu giữ, nhận bàn giao một số tài sản đặc biệt có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các khoản nợ tại TCTD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    5 năm xử lý được 380,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO