Trong bối cảnh số nợ xấu đang có xu hướng tăng, nhất là khi nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các chuyên gia kỳ vọng, vận hành sàn giao dịch nợ tại Việt Nam sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả để xử lý nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đáng chú ý, tại Quyết định này, NHNN giao cho VAMC xây dựng và đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ kể từ năm 2026.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc phát triển thị trường mua bán nợ là cần thiết, còn việc xây dựng sàn giao dịch nợ thì cần làm rõ các nội dung cụ thể. Trong đó, cần xem xét xây dựng các công cụ kiểm soát việc công khai thông tin khoản nợ, hoạt động giao dịch để bảo đảm thị trường nợ nói chung và sàn giao dịch nợ nói riêng hoạt động và vận hành một cách khách quan, hiệu quả.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Đại học Fulbright, việc sớm vận hành Sàn là điều nên làm. Cùng với việc xây dựng Sàn mua bán nợ, các cơ quan Nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn giao dịch nợ đi vào hoạt động.
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng trong giai đoạn từ cuối năm 2017 đến tháng 7/2020 được duy trì dưới 2%. Tuy nhiên, từ tháng 8/2020 bắt đầu có xu hướng tăng nhẹ trên mức 2%. Các chuyên gia cho rằng, đây là tất yếu khách quan và thể hiện sự nỗ lực của ngành Ngân hàng hàng trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 và khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) nhận định rằng: “Giai đoạn trước thì nợ xấu được kiểm soát tốt. Đầu 2020 do Covid-19 thì nợ xấu có tăng, nhưng tôi cho là cả giai đoạn dài vừa qua thì nợ xấu ở mức khả quan%”.
Thông tin thêm về tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, mục tiêu tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo Nghị quyết Quốc hội đầu năm hoàn toàn trong tầm tay. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động mọi mặt đời sống kinh tế khiến doanh nghiệp, người dân gặp khó, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn khiến nợ xấu tăng.
"Đây là việc khách quan, không phải do doanh nghiệp cũng không phải do ngân hàng yếu kém. Hiện, nguy cơ nợ xấu cuối năm nay cũng như trong năm 2021 là vấn đề đặc biệt cần phải quan tâm", ông Đào Minh Tú chia sẻ thêm.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giải quyết nợ xấu không phải là một việc riêng của NHNN và hệ thống NHTM. Các đại biểu đề nghị các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa nuôi dưỡng nguồn thu. Từ đó có thể giảm áp lực gia tăng nợ xấu.