Hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Ngày 30/9, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Diễn đàn toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2020 với chủ đề: “Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Kết quả và khuyến nghị chính sách”.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến an toàn hoạt động ngân hàng cũng như kết quả cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu toàn ngành ngân hàng trong giai đoạn 2016-2020. Trong khi đó việc xử lý, thu hồi nợ và tài sản bảo đảm (TSBĐ) của một số tổ chức tín dụng (TCTD) còn khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh. Rồi một số TCTD vẫn gặp khó khăn trong việc thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết số 42.
Đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ
Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành đã giảm từ 2,46% (2016) xuống 1,89% trong hai năm 2018-2019, nhưng lại tăng lên mức 2,04% vào ngày 30/6/2020, chủ yếu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng chất lượng tài sản xấu đi khi nợ xấu tăng, nợ xấu nội bảng có thể lên đến 3% cuối năm 2020 và 4% trong năm 2021; trong khi xử lý nợ xấu khó khăn hơn.
Dữ liệu cho biết quy mô tín dụng chịu ảnh hưởng của Covid-19 là hơn 2 triệu tỉ đồng, chiếm ¼ tổng quy mô tín dụng của toàn nền kinh tế trong đó bao gồm cả ảnh hưởng trực tiếp và ảnh hưởng gián tiếp. Trong ba tháng của quí 3/2020, dự báo con số bị ảnh hưởng tăng lên nhiều.Do vậy, xử lý nợ xấu đang là vấn đề gấp rút.
Vậy Công ty Quản lý tài sản các TCTD đã xử lý nợ xấu được phần nào? Ông Đỗ Giang Nam - Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) cho biết, tính đến tháng 8/2020, lũy kế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) đạt 329.007 tỉ đồng. Trong đó, mua nợ bằng TPĐB sau khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đạt 67.612 tỉ đồng, mua nợ theo giá trị thị trường (GTTT) từ năm 2017 đến năm 2020 đạt 8.341 tỉ đồng.
Từ khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực đến ngày 31/8/2020, thu hồi nợ ước đạt 94.370 tỉ đồng, gấp 1,5 lần tổng thu hồi nợ giai đoạn trước đó, từ năm 2013 đến ngày 14/8/2017. Thu giữ thành công một số tài sản đảm bảo có giá trị lớn, góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ. Kết quả thu hồi nợ từ biện pháp xử lý TSBĐ tăng gấp 1,5 lần so với giai đoạn trước đó. Thu hồi từ biện pháp bán nợ tăng gấp hơn 4 lần so với giai đoạn trước đó…
Song chính ông Nam cũng cho biết khó khăn hiện nay là hành lang pháp lý cho phát triển thị trường mua bán nợ còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường. Chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá thực hiện. Sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc xử lý nợ xấu đôi khi còn chưa đồng bộ và thống nhất…
Sẽ có sàn giao dịch nợ xấu
Vì vậy, để tạo lập, phát triển thị trường mua bán nợ, ông Nam cho rằng, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ tạo cơ sở pháp lý để thực hiện, thành lập Hiệp hội các AMC nhằm kết nối, chia sẻ thông tin, minh bạch thông tin về hàng hóa (nợ xấu và tài sản bảo đảm)…
Còn theo TS Cấn Văn Lực, hình thành thị trường mua bán nợ thì không mới, do các ngân hàng và VAMC hay DATC đã mua bán nợ với nhau.
“Nhưng Việt Nam chưa có thị trường chính thống, mà chỉ có một số tổ chức tham gia vào nên chúng ta cần có thị trường mua bán nợ theo đúng nghĩa. Bộ Tài chính làm hơi chậm trong vấn đề này khi đã có quy định trong Nghị định 69 yêu cầu Bộ nghiên cứu và thành lập thị trường mua bán nợ, cả nợ tốt và nợ xấu, chạy trên giao dịch điện tử chứ không phải một cái chợ hay siêu thị” - ông Lực nói.
Theo TS Cấn Văn Lục, một thị trường mua bán nợ sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia, cả trong và ngoài nước, khi nhiều nhà đầu tư muốn mua nợ nhưng không biết chỗ. Một thị trường mua bán nợ như vậy sẽ cung cấp thông tin công khai minh bạch cho các nhà đầu tư.