50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972: Bản hùng ca được viết bằng ý chí của người Việt Nam

H.Vũ 10/12/2022 07:30

Ngày 9/12, Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an, Thành uỷ Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972 - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lẵng hoa chức mừng hội thảo.

Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phát biểu tại hội thảo.

Mốc son chói lọi

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: 50 năm đã trôi qua nhưng âm hưởng hào hùng của Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không vẫn còn vang vọng, là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc; thể hiện bản lĩnh, trí tuệ, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, trong đó nòng cốt là Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Cũng theo ông Vịnh, chiến dịch phòng không bảo vệ Hà Nội - Hải Phòng 1972 là chiến dịch đầu tiên trên thế giới bắn rơi nhiều máy bay B-52, giáng cho không quân Mỹ đòn thất bại nặng nề nhất trong lịch sử. Chiến thắng mang ý nghĩa chiến lược, tạo bước ngoặt quyết định cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng thời mang dấu ấn thời đại sâu sắc, thể hiện sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân Việt Nam và được nhân dân tiến bộ trên thế giới cổ vũ, khâm phục.

Theo Trung tướng Trịnh Văn Quyết - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nửa thế kỷ đã trôi qua, những dấu tích của một thời đạn bom tàn phá đã được thay thế bằng những thành quả của công cuộc dựng xây đất nước, nhưng tầm vóc, ý nghĩa và những bài học lịch sử từ chiến thắng đó vẫn vẹn nguyên giá trị.

Thiếu tướng - TS Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự cho biết, để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có định hướng, chỉ đạo Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ động chuẩn bị mọi mặt từ rất sớm.

Ông Nhiên nhắc lại: Năm 1962, khi máy bay B-52 còn chưa tham chiến ở Việt Nam, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đế quốc Mỹ sẽ sử dụng loại máy bay này ở Việt Nam, Người căn dặn: Phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này. Tháng 4/1966, ngay khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B-52 đánh ra Quảng Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không-không quân: “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú Phòng không, không quân”.

Quyết tử cho Thủ đô quyết sinh

Mặc dù đã 86 tuổi nhưng Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Phiệt, nguyên Phó tư lệnh về chính trị Quân chủng Phòng không-Không quân vẫn còn nhớ như in trận chiến cách đây 50 năm khi ông và các đồng đội đã trực tiếp bắn hạ máy bay B-52 của địch. Dù chiến dịch chỉ diễn ra trong 12 ngày đêm nhưng là cuộc chiến cam go, các chiến sĩ đã chiến đấu với tinh thần “quyết tử cho Thủ đô quyết sinh”.

Ông Phiệt là người vào chiến trường Trị-Thiên, chiến trường Quân khu 4 nơi máy bay B-52 hoạt động thường xuyên để nghiên cứu, tìm cách đánh B-52, và sau đó quay ra Hà Nội. Ông Phiệt kể, đúng ngày 27/6/1972 Tiểu đoàn 4 đã giành thắng lợi bắn rơi tại chỗ máy bay F4E tại cánh đồng xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Từ đây đã rút kinh nghiệm cách đánh máy bay của lực lượng tên lửa phòng không - không quân lúc đó. Ngày 8/12/1972 Trung đoàn tên lửa của chúng tôi nhận được lệnh đi B tại chiến trường miền Nam. Nhưng ngày 15/12 lại nhận được lệnh không đi B nữa mà ở lại bảo vệ Hà Nội, “đánh B-52”.

“Đêm 18/12, ngay khi báo động máy bay B-52 đến, chúng tôi vào vị trí, đây là thời điểm sung sướng nhất của đời cán bộ chiến sĩ tên lửa. Lúc đó chỉ còn 3 quả nằm trên bệ phóng nên quyết tâm bắn từng quả một thay vì bắn hai quả như trước. Khi đến cự ly 35 km tôi ra lệnh phóng quả thứ 1 nhưng quả đó không đi. Tôi ra lệnh phóng tiếp quả thứ 2, và mục tiêu bị tiêu diệt. Đang chuẩn bị làm báo cáo thì nhận được lệnh đánh tiếp của cấp trên, khi mục tiêu vào cự ly 32 km, tôi ra lệnh phóng quả còn lại và hạ mục tiêu ở cự ly 24 km. Như vậy trong 10 phút, 2 quả tên lửa bắn lên đều trúng mục tiêu và tiêu diệt 2 máy bay B-52”-ông Phiệt nhớ lại.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh: Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” đã thể hiện khí phách anh hùng, bản lĩnh, trí tuệ, là bản hùng ca được viết bằng ý chí và sức mạnh của con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, quyết chiến đấu vì thống nhất non sông, vì độc lập, tự do cho dân tộc; là thắng lợi minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình của Đảng và dự báo thiên tài của Bác Hồ: “Đế quốc Mỹ chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972: Bản hùng ca được viết bằng ý chí của người Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO