6 hợp phần để phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số

H.Vũ 01/08/2019 07:00

Ngày 31/7, Ủy ban Dân tộc, Đại sứ quán Ai len; Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo tham vấn nội dung Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025. Đề án này sẽ được Chính phủ cho ý kiến tại phiên họp thường kỳ tháng 7 diễn ra vào hôm nay (1/8).

Giới thiệu cơ bản về nội dung đề án, ông Hà Việt Quân, Tổ phó thường trực Tổ công tác 56 của Ủy ban Dân tộc cho biết, bố cục của đề án gồm 3 vấn đề lớn: Sự cần thiết và căn cứ xây dựng đề án; thực trạng kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số; mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ giải pháp của đề án. Đề án cũng có 5 vấn đề gồm: Đầu tư; nguồn lực; an ninh chính trị; bảo vệ môi trường; vai trò của người dân. Tuy nhiên theo ông Quân, vấn đề quan trọng nhất của đề án lần này chính là sự tham gia của người dân vì nguồn lực nhà nước là quan trọng nhưng ý chí sự vươn lên của người dân mới là động lực phát triển, đây là yếu tố quyết định, nếu không có sự tham gia của người dân thì không thể phát triển.

Cũng theo ông Quân, mục tiêu Đề án hướng đến là giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch, đến năm 2025 giảm 1/2 hộ dân tộc thiểu số ở nhà tạm. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng phải gắn với sản xuất; giữ vững bản sắc văn hóa hỗ trợ cho cuộc sống thông qua việc người dân sống được bằng việc bảo tồn thông qua phát triển du lịch và sản phẩm truyền thống ra thị trường;…

Ông Quân cũng cho biết Đề án có 6 hợp phần tập trung vào: Cung cấp thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi nhận thức; quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư để xây dựng hạ tầng kết cấu hạ tầng thôn bản cho hiệu quả như khu nào sản xuất khu nào sinh sống gắn với đầu tư cơ sở hạ tầng; phát triển sinh kế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân với 15 hạng mục dự án đầu tư như phát triển vùng nuôi gia súc, dược liệu quý phát huy thế mạnh từng vùng, từng dân tộc; chính sách đặc thù cho các dân tộc thiểu số rất ít người, và đặc biệt khó khăn khi cả nước có 54 dân tộc nhưng có dân tộc dưới 500 người nên cần có sự quan tâm, ưu tiên; tập trung vào những chính sách đảm bảo an sinh xã hội là “bệ đỡ” để phát triển sản xuất vì con cái được học hành, ốm đau được chăm sóc thì bố mẹ mới an tâm công tác; nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế ổn định gắn với bộ đội biên phòng, vừa kinh tế, xã hội, văn hóa và an ninh quốc phòng.

Theo ông Bùi Văn Lịch, Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc, Tổ trưởng Tổ soạn thảo đề án thì Đề án đã qua nhiều cuộc tham vấn nên lần này muốn nghe ý kiến nguyện vọng của người dân. Đề án diễn ra trong bối cảnh sắp kết thúc kế hoạch 5 năm, giai đoạn chính sách 2016-2020, trong giai đoạn qua các cơ quan quản lý nhà nước về dân tộc thấy rằng, chính sách có nhiều nhưng ngân sách hạn hẹp nên việc đầu tư có khó khăn. Có chính sách mang hiệu quả tích cực, có chính sách hiệu quả chưa cao cho nên đòi hỏi giai đoạn tới cần sự thay đổi về chính sách.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    6 hợp phần để phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO