61.580 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó do dịch Covid-19

N.Khánh 01/04/2020 13:27

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, tổng số các khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và Ngân hàng Chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), trong đó ngân sách Nhà nước khoảng 35.880 tỷ đồng…

61.580 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó do dịch Covid-19

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng.

Dự thảo nêu rõ, có 4 nguyên tắc hỗ trợ gồm: các đối tượng bị giảm sâu thu nhập, thiếu việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu; nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong bảo đảm đời sống cho người lao động; việc hỗ trợ phải bảo đảm đúng đối tượng, công khai minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện.

Nội dung hỗ trợ gồm 6 nội dung: Hỗ trợ thêm 500 nghìn đồng/tháng trong 3 tháng cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội;

Hỗ trợ 1 triệu đồng/tháng trong 3 tháng cho các hộ nghèo, cận nghèo;

Hỗ trợ 1,8 triệu/tháng trong 3 tháng cho lao động bị tạm hoãn hợp đồng, nghỉ không lương, giảm thu nhập;

Người sử dụng lao động được vay ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn vay không quá 12 tháng với mức vay tối đa là 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị nghỉ việc trong 3 tháng;

Hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6 đối với các hộ cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng kể từ tháng 4 đến tháng 6 cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, lao động không có cam kết, hợp đồng lao động mất việc làm. Các trường hợp đủ điều kiện hưởng từ 2 chế độ hỗ trợ trở lên thì chỉ được hưởng một chế độ cao nhất.

Bên cạnh đó có 2 chính sách hỗ trợ đặc thù, cho áp dụng quy trình đơn giản hóa, tạo điều kiện cho người lao động được gửi hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, gồm: người lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian tối đa không quá 12 tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến giảm từ 50% số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội trở lên và cho phép người sử dụng lao động được hỗ trợ tiền quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động với thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng với mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/người/tháng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, tổng số các khoản hỗ trợ từ ngân sách Trung ương và Ngân hàng Chính sách xã hội là 61.580 tỷ đồng (khoảng 2,6 tỷ USD), trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trên thế giới ghi nhận 788.000 ca mắc bệnh Covid-19 tại 202 vùng quốc gia, vùng lãnh thổ, với 37.884 trường hợp tử vong. Mỹ và Italia là hai quốc gia ghi nhận hơn 100 nghìn ca mắc bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới sẽ tiếp tục có diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu thuyên giảm, chưa có nước nào dự đoán được thời điểm kết thúc của dịch này.

Hầu hết các nước đều áp dụng các biện pháp mạnh mẽ mà trước đây còn do dự như: đóng cửa biên giới, cấm, hạn chế nhập cảnh, cách ly 14, phong tỏa cả thành phố hay phong tỏa cả quốc gia.

Việt Nam đã ghi nhận 212 ca nhiễm Covid-19, 5 tỉnh thành phố ghi nhận có số ca mắc cao nhất gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Ninh Bình. Tổng số người tiếp xúc gần, đi về từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe, cách ly tới 66 nghìn người, trong đó hơn một nửa phải cách ly tại các khu cách ly tập trung, dịch đã lan ra 24/63 tỉnh thành phố.

Đáng chú ý, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: “Báo cáo ban đầu cho thấy có tới 60,1% các ca đều không có triệu chứng, mà được phát hiện do chúng ta phát hiện sớm qua việc chủ động kiểm soát ngay từ khi nhập cảnh”.

Tình hình dịch bệnh của Việt Nam đã xuất hiện lây lan nhanh, lây lan trong cộng đồng, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng do các trường hợp bệnh xâm nhập từ nước ngoài chưa được sàng lọc, phát hiện, hoặc những trường hợp nhập cảnh có mang virus nhưng chưa phát hiện lâm sàng.

Có thể trong những ngày tới, sẽ phát hiện thêm những ca trong cộng đồng. So sánh tình hình dịch trên thế giới và Việt Nam, từ khi có ca nhiễm số 100 vào ngày 20/3 so với các nước trên thế giới, Việt Nam đã kiểm soát dịch tốt hơn một số quốc gia: Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các biện pháp áp dụng để phòng chống dịch của Việt Nam linh hoạt nhưng cương quyết, với phương châm dự phòng là chính nên các hoạt động bao giờ cũng cao hơn mức khuyến cáo.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động, quyết liệt, phát hiện nhanh, kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn nguồn lây bệnh;

Tiếp tục thực hiện cách ly nghiêm ngặt, chuẩn bị sẵn sàng phương án cách ly trên diện rộng, giám sát chặt chẽ người đã tiếp xúc với người bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng; điều trị hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong do dịch bệnh; bảo đảm an toàn tối đa cho nhân viên y tế...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    61.580 tỷ đồng hỗ trợ người dân gặp khó do dịch Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO