77 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945: Những bài học lịch sử còn nguyên giá trị

V.Thắng (ghi) 19/08/2022 07:00

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội
ngày 19/8/1945. Ảnh: tư liệu/TTXVN

Bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc

Ít ai ngờ, một Đảng mới 15 tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm đã đoàn kết và lãnh đạo được nhân dân cả nước, đưa cuộc khởi nghĩa đến thành công vang dội. Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới, mà cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác - Lênin ở một nước thuộc địa.

Đã 77 năm trôi qua, đến nay chúng ta đã có hơn 5 triệu đảng viên, song bài học quý báu về chất lượng đảng viên, sẵn sàng hy sinh vì nước vì dân, đặt quyền lợi của nhân dân lên trên hết mới chính là vấn đề xuyên suốt, cốt lõi, nhất là trong điều kiện hiện nay khi củng cố xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đang được Đảng đẩy mạnh trong những nhiệm kỳ gần đây. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, bài học lớn nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 chính là bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc. Bài học đại đoàn kết có được nhờ đường lối cứu nước của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên “trên hết, trước hết”.

Ông Phúc nhấn mạnh: Nhất là từ hội nghị Trung ương 8 tháng 5/1941 đã đưa ra khẩu hiệu nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc “độc lập trên hết, Tổ quốc trên hết”. Tất cả mọi lợi ích đều phục tùng lợi ích của quốc gia, dân tộc. Lợi ích quốc gia dân tộc lớn nhất là phải giành cho được độc lập dân tộc. Từ đó phát triển đất nước. Nhờ đường lối cứu nước đúng đắn, nhờ chủ trương của Đảng trong thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp trong xã hội từ công nhân, nông dân, trí thức, nhân sĩ yêu nước, người Việt Nam có tinh thần dân tộc, và tinh thần độc lập được tập hợp vào Mặt trận Việt Minh.

“Về mục tiêu đấu tranh và phương pháp đấu tranh, Đảng cũng đề ra phương pháp đấu tranh phù hợp với hoàn cảnh lịch sử. Đi từ khởi nghĩa từng phần đến tổng khởi nghĩa, kết hợp các hình thức đấu tranh: từ đấu tranh chính trị, quần chúng, đến phát triển căn cứ địa, xây dựng lực lượng vũ trang, xử lý vấn đề thời cơ cách mạng để đẩy lùi nguy cơ lớn. Chủ trương quan trọng của Đảng đã làm cho khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc. Cho nên khi thời cơ đến, điều kiện thuận lợi thì cao trào cách mạng quần chúng phát triển đến đỉnh cao phong trào kháng Nhật cứu nước. Đến đỉnh cao thì Đảng quyết định phát động tổng khởi nghĩa. Với quyết định lịch sử như vậy thì chuyển hoá giai đoạn thần kỳ “1 ngày bằng 20 năm”, chuyển hóa sức mạnh của dân tộc với tinh thần tự lực tự cường, đem sức ta để tự giải phóng cho ta. Điều đó cắt nghĩa cho việc một Đảng lúc bấy giờ chỉ có 5000 đảng viên mà có thể lãnh đạo cuộc cách mạng thắng lợi to lớn, sự đổi thay lớn lao như vậy”- ông Phúc nói và khẳng định rằng: “Quan trọng chính là đường lối, chiến lược, sách lược cách mạng của Đảng ở công tác tổ chức lãnh đạo các tổ chức quần chúng trong Mặt trận Việt Minh. Quan trọng là quyết sách của Đảng được thấm vào trong phong trào cách mạng của quần chúng. Vì thế lúc bấy giờ một Đảng chỉ có 5000 đảng viên nhưng đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi” - ông Phúc nhận định.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”

Đến giờ, dù đã 77 năm trôi qua, song ông Ngô Văn Sửu - nguyên Vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương vẫn nhớ thời điểm theo chân các đảng viên đi phá kho thóc Nhật để cứu đói, chia thóc cho dân. “Lúc bấy giờ cả xã cũng chỉ có vài đảng viên nhưng các đảng viên đã đi trước để quần chúng noi gương theo sau, tiến lên để chiến đấu giành chính quyền” - ông Sửu kể.

Theo ông Sửu, làm được điều đó với số lượng đảng viên không nhiều, nguyên nhân quan trọng là ở đường lối của Đảng. Nhưng quan trọng là những đảng viên lúc đó luôn “đi trước để làng nước theo sau”. Cho nên khi ra trận chiến đấu với kẻ thù, các đảng viên đều xông lên trước bất chấp hiểm nguy. Như vậy mới vận động được quần chúng”. Đó là bài học về sự nêu gương của các cán bộ đảng viên. Hy sinh tất cả vì mục tiêu của Đảng, giành độc lập tự do cho đất nước, giải phóng dân tộc, đánh đuổi quân thù. Nhiều người vào Đảng lúc đó còn chưa hiểu rõ lý tưởng vì lý tưởng trìu tượng lắm. Nhưng tựu chung, các đảng viên lúc nào cũng phải gương mẫu đi đầu, học giỏi, lao động tốt, xông pha, bất chấp hiểm nguy, đối mặt với hy sinh.

Ông Sửu nói: “Thời điểm đó rất khí thế, cả làng xóm đi theo đảng viên vào bốt của địch để giành chính quyền. Hàng nghìn người dùng gậy, xẻng, cuốc đi theo đảng viên vào các kho lúa của giặc, cướp phá kho thóc để cứu đói cho dân. Du kích, đảng viên tiên phong đi trước bao vây địch, sau đó quần chúng đi theo. Đảng viên dựa vào dân và được người dân bảo vệ. Không dựa vào dân sao có thể sống và hoạt động cách mạng được. Lúc đó đảng viên và quần chúng gắn bó với nhau, thân thiết và gần gũi”.

Cũng theo ông Sửu, thành quả của Cách mạng tháng Tám đã để lại cho chúng ta bài học về “đảng viên đi trước làng nước theo sau”. Trong khởi nghĩa giành chính quyền cả xã chỉ vài đảng viên nhưng luôn thể hiện tính tiền phong gương mẫu. Bây giờ mỗi đảng viên trong các tổ chức cần phải nêu gương cho quần chúng noi theo. Vừa qua, Trung ương đã ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

“Tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại một câu nói đầy ấn tượng và rất sâu sắc của nhân vật Pavel Korchagin, nhân vật chính trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn nổi tiếng Liên Xô Nicolai A.Ostrovsky, một cuốn sách gối đầu giường của lớp thanh niên cỡ tuổi chúng tôi thời những năm 1959-1960 rằng, cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể tự hào rằng tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời. Do đó bây giờ mỗi cán bộ đảng viên phải xứng đáng với danh dự của người đảng viên, phải biết liêm sỉ. Đảng viên phải hiểu, thông cảm với dân, làm đến nơi đến chốn. Nếu không gương mẫu thì không tồn tại được”-ông Sửu nói.

Còn ông Nguyễn Túc - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cũng cho rằng, bài học lớn nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là nhờ đường lối chính sách của Đảng ta phù hợp với lòng dân, với khẩu hiệu “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Mọi người vùng lên không kể già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo, dân tộc, tôn giáo trở thành cao trào cách mạng quét sạch kẻ thù.

“Những đảng viên lúc bấy giờ đều là những người mẫu mực, đi trước, sẵn sàng hy sinh tính mạng để lôi cuốn các tầng lớp nhân dân tham gia cách mạng. Bây giờ trong thời kỳ hiện nay khi chúng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường định hướng XHCN nên xuất hiện không ít cán bộ đảng viên thoái hóa biến chất, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bài học kinh nghiệm quý báu lớn nhất đặt ra vào lúc này là làm sao các đảng viên phải phát huy tinh thần nêu gương để quần chúng noi theo”- ông Túc nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    77 năm Cách mạng tháng Tám năm 1945: Những bài học lịch sử còn nguyên giá trị

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO