86% trẻ em bị người thân, người quen xâm hại

Lê Anh 13/10/2020 11:01

Đó là con số được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến về an toàn cho trẻ em gái - Phòng tránh quấy rối và xâm hại trẻ em vừa diễn ra. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có giải pháp hữu hiệu truyền thông trong cộng đồng thì bạo lực và xâm hại đối với trẻ em sẽ còn gia tăng trong những năm tới đây.

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2014 cả nước phát hiện có 1.544 vụ, năm 2015 có 1.355 vụ, năm 2016 có 1.248 vụ, năm 2017 có 1.370 vụ, và đến năm 2018 có 1.269 vụ xâm hại tình dục. Trong khi đó, thông tin do Tổng đài điện thoại quốc gia về bảo vệ trẻ em (111) công bố, riêng trong năm 2017-2018 có tới 86% số trẻ bị xâm hại bởi thủ phạm là chính người thân, người quen.

Trong các đối tượng được cảnh báo, người quen, hàng xóm chiếm 59%; giáo viên, nhân viên nhà trường là 6%; đặc biệt trên 21% là người thân trong gia đình. Thêm vào đó, tình trạng bạo lực, bắt nạt trẻ em trên không gian mạng ngày càng gia tăng. Trung bình mỗi ngày có 720,000 hình ảnh và các đăng tải có nội dung bạo lực và xâm hại đối với trẻ em.

Theo bà Khuất Thu Hồng – Chủ tịch Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam, dù chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng để thay đổi, nhưng cần nhìn nhận rằng tình trạng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang diễn ra cùng với sự phát triển của xã hội với tính chất phức tạp hơn và khó đối phó hơn.

“Chúng tôi kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội, không chỉ là các cơ quan chuyên trách về bảo vệ phụ nữ và trẻ em, mà còn cả các bậc phụ huynh, giáo viên, chính bản thân trẻ em và cộng đồng cùng tham gia đẩy lùi nạn xâm hại, quấy rối trẻ em, để những câu chuyện, những vụ việc đau lòng không còn tiếp diễn nữa”.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục, chuyên gia Nguyễn Vân Anh chia sẻ: “Trước những vụ việc đau lòng liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em, chúng ta thường đưa ra những lời cảm thán, đau xót và giật mình trước những con số báo cáo, thế nhưng chúng ta lại quên ngay sau đó và thờ ơ khi cho rằng đó không phải chuyện nhà mình”.

Chuyên gia này cảnh báo, cần nhớ rằng việc bảo vệ trẻ em là câu chuyện không của riêng ai, là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà và toàn xã hội. Trẻ em, dù là trai hay gái, dù ở độ tuổi nào cũng đều cần bảo vệ bởi mọi sự xâm hại, quấy rối đều sẽ để lại những vết thương rất sâu trong lòng trẻ em.

“Tôi tin rằng nếu mỗi chúng ta đều có ý thức với việc lên tiếng tố giác các hành vi xâm hại, quấy rối và nhận thức được trách nhiệm bảo vệ trẻ em, những trường hợp đau lòng sẽ giảm đi rất nhiều”, bà Nguyễn Vân Anh chia sẻ.

Việc giáo dục truyền thông cho trẻ em và gia đình, và nhà trường là đặc biệt quan trọng. Các chuyên gia khuyến nghị, cả cộng đồng xã hội cần chung tay để phòng ngừa từ gốc rễ chứ không để xảy ra các sự việc xâm hại đau lòng rồi mới đi xử lý, răn đe. Việc giáo dục truyền thông do đó, cần tránh mang tính lý thuyết, nhiều khi né tránh các vấn đề giáo dục tình dục, giới tính của trẻ em vì cho là nhạy cảm, trẻ em không biết gì. Thay vào đó, cần phải nhìn thẳng vào vấn đề, hành động ngay.

Nếu việc giáo dục truyền thông cho trẻ em, gia đình, nhà trường và cộng đồng được làm tốt, chúng ta có thể xây dựng 1 tấm khiên, sức đề kháng và tự bảo vệ cho trẻ em.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    86% trẻ em bị người thân, người quen xâm hại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO