Ai Cập, Kim tự tháp và dòng sông Nile

T.Tuấn (Theo National Geographic) 24/11/2015 10:40

Ai Cập là quốc gia có vị trí địa lý hết sức đặc biệt: Nằm ở phía bắc châu Phi, Trung Đông và tây nam châu Á. Dòng sông Nile chảy qua đã tạo nên một diện mạo khác biệt cho đất nước. Thời gian trôi qua, nhưng nhân loại vẫn luôn tự hào về nền văn minh Ai Cập cổ đại, vĩ đại bậc nhất thế giới.

Kim tự tháp- niềm tự hào của văn minh Ai Cập

1. Người ta cho rằng, thời lập quốc của Ai Cập vào khoảng năm 3.100 trước Công nguyên bởi vị vua huyền thoại Menes, người đã cho xây thành Memphis. Với sức mạnh ghê gớm lúc bấy giờ, người Ai Cập đã đặt nền móng đầu tiên của kênh Suez và nối liền Biển Đỏ với Địa Trung Hải (hoàn thành vào năm 1869).
Cách tổ chức, quản lý nhà nước của người Ai Cập vang lừng với những vị vua (Pharaoh) và những Nữ hoàng. Tới, đó vẫn là những huyền thoại và những Kim tự tháp “trơ gan cùng tuế nguyệt” vẫn im lìm như một thách thức. Nền văn minh đó còn để lại cho hậu thế những xác ướp cổ nhiều ngàn năm tuổi, cho thấy ngay từ bấy giờ Y học Ai Cập cũng đã phát triển mạnh mẽ.
Không có nơi nào trên trái dất có hệ thống Kim tự tháp kì vĩ như Ai Cập. Không một ai đến Ai Cập lại không ghé thăm Kim tự tháp. Đứng trước những lăng mộ khổng lồ này, người ta băn khoăn tự hỏi: Bằng cách gì người xưa có thể xây dựng nên những kiến trúc vượt thời gian ấy? Hệ thống Kim tự tháp Ai Cập là một trong 7 kỳ quan cổ đại, được đánh giá là một trong những công trình xây dựng lớn nhất của con người. “Thung lũng của các Hoàng đế” là nơi lưu giữ chứng tích sự tập trung quyền lực tối đa, sức mạnh tập quyền tối đa. Tới nay, nó vẫn là địa chỉ hàng đầu thu hút bất cứ nhà khảo cổ học nào trên thế giới.

Thủ đô Cairo

Thung lũng các Pharaoh nằm bên bờ phía tây của sông Nile, đối diện với thành phố Luxor bên bờ phía đông. Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng những tượng đài khổng lồ cho Pharaoh và tạo ra những kho báu dưới lòng đất, “chôn cất cùng linh hồn và thể xác của Pharaoh mà không bao giờ có ý định để người khác chiêm ngưỡng”- theo nhà Ai Cập học Michael Kassfarock. Những lăng mộ khổng lồ ấy “ngủ yên” cho mãi đến năm 1922 khi người châu Âu chính thức thừa nhận đó là những công trình vĩ đại nhất mà cũng bí ẩn nhất của loài người.
Những phát hiện mới giai đoạn từ năm 2006 đến 2008 cho thấy, có tất cả 63 lăng mộ. Kích thước của các lăng mộ khác nhau, lăng mộ rộng nhất được tìm thấy có tới 120 phòng. “Lăng mộ là bằng chứng thể hiện niềm tin của người Ai Cập cổ vào việc chuẩn bị cho các Pharaoh đến một thế giới khác, nơi con người tiếp tục sự sống mới và các Pharaoh trở thành những vị thần”- vẫn theo Michael Kassfarock. Phải chăng đó cũng chính là lý do người Ai Cập cổ đại tiến hành ướp xác các vị Hoàng đế, Nữ hoàng do muốn bảo vệ cơ thể của nhưng người đã khuất để linh hồn được sống đời đời ở thế giới bên kia.

Cưỡi lạc đà trong “Thung lũng các Hoàng đế”

Nếu các Kim tự tháp nổi bật trên nền trời sa mạc thì phần mộ bên trong lại nằm sâu dưới lòng đất, được trang trí cầu kì và lộng lẫy. Những bức tranh tường ở đây được đánh giá cao, nó như một câu chuyện kể về cuộc sống Pharaoh lúc bấy giờ.
Đáng chú ý là hình như những lăng mộ Pharaoh được tìm thấy vẫn chưa dừng lại. Năm 2005, một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà khảo cổ học Otto Schaden phát hiện trong thung lũng thêm một lăng mộ, rộng 15m được bao quanh bởi các bức tường. Người ta cho rằng đây mới chính là nơi chôn vua Tutankhamun chứ không phải là trong Kim tự tháp.

2. Nói về Ai Cập, người ta không quên nói về “huyền thoại sông Nile”. Dòng sông này gắn liền với nền văn minh Ai Cập, được xem là “món quà” Mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho đất nước Ai Cập.

Tranh tường trong các lăng mộ Pharaoh

Trước, người ta ghi nhận sông Nile là con sông dài nhất thế giới, tuy nhiên sau này người ta cho rằng, sông Amazon còn dài hơn. Và như thế, sông Nile được xác nhận là dòng sông thứ hai của thế giới. Dòng sông bắt nguồn từ Burudi phía Nam xích đạo, chảy dọc theo vùng Đông Bắc Phi và cuối cùng mới chảy qua lãnh thổ Ai Cập trước khi đổ ra Địa Trung Hải.
Người ta nói rằng, không thể có nền văn minh Ai Cập cổ đại nếu không có sông Nile; và Ai Cập sẽ bị sa mạc hóa hoàn toàn nếu dòng sông này cạn nước. Dòng sông cung cấp nước ngọt cho toàn bộ đất nước. Hai bên dòng sông là những đô thị lớn nhỏ khác nhau, cùng đó là những cánh đồng phì nhiêu, những thung lũng tươi tốt. Mỗi năm lại một mùa nước lên. Sau khi nước rút, ruộng đồng bạt ngàn lại được phủ một lớp phù sa vô cùng màu mỡ. Chính vì thế, người Ai Cập luôn có những mùa màng bội thu đến mức khó có thể tin nổi.
Tuy chỉ 22% chiều dài của sông Nile chảy qua Ai Cập, nhưng đó lại chính là đoạn quan trọng nhất, giàu phù sa nhất và cũng yên ả nhất. Người đời sau cho rằng, chính việc thuận tiện giao thông thủy trên sông Nile đã giúp người xưa chuyên chở được những khối đá khổng lồ để xây dựng Kim tự tháp.
Nhưng, sông Nile cũng lại là nơi sinh sống của nhiều loài thủy quái nước ngọt. Nơi đây có những con cá sấu ăn thịt người rất lạnh lùng. Cực kỳ nguy hiểm là loại cá sấu này thường sống rất gần bờ sông, sát với những nơi có thể có người qua lại. “Hình như lúc nào chúng cũng có ý định rình rập để ăn thịt con người”- Michel Kassfarock, một chuyên gia Ai Cập nhận xét. Theo ông, sông Nile là con sông vĩ đại nên nó cũng trở thành nơi ẩn cư của nhiều quái thú một cách tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai Cập, Kim tự tháp và dòng sông Nile

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO