Ai chịu trách nhiệm?

Nam Việt 13/08/2022 10:46

Gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động được Chính phủ quyết từ tháng 3, nhưng tới nay nhiều địa phương vẫn triển khai rất chậm, nhiều người trong diện vẫn không nhận được hỗ trợ. Như vậy là giải ngân rất kém, cho dù biện minh với lý do gì đi chăng nữa. Thông tin tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) chiều 11/8 đã cho thấy điều đó. Câu hỏi đặt ra là: Ai phải chịu trách nhiệm về việc chậm trễ này?

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh, tới nay, trừ Lai Châu, Điện Biên và Cao Bằng không có doanh nghiệp (DN) đề nghị hỗ trợ, còn lại 60 tỉnh, thành DN đã nộp hồ sơ. Cụ thể: cấp huyện tiếp nhận được 56.351 DN với trên 2,8 triệu lao động, kinh phí đề nghị hỗ trợ hơn 1.883 tỉ đồng. Tuy nhiên điều đáng nói là đến nay mới giải ngân cho 16.436 DN, với 1 triệu lao động, số tiền hơn 728 tỷ đồng, chỉ đạt 11,23% so với dự kiến.

Đáng chú ý, một số địa phương tới nay mới giải ngân được trên dưới 1%, trong đó có Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Kiên Giang…

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH cho rằng, nguyên nhân chậm là do địa phương chưa quan tâm đúng mức, tinh thần trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách. Việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách chậm, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đầy đủ, kịp thời. Việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ ở cấp huyện còn lúng túng, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong việc triển khai chính sách.

Trước đó, ngày 27/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐTB&XH cùng Bộ Tài chính phải có giải pháp đẩy nhanh hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động; kịp thời xử lý vướng mắc phát sinh. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành thực hiện ngay việc giải ngân hỗ trợ thuê trọ cho người lao động, không để chậm và phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc này.

Xin được nhắc lại, Quyết định 08 của Chính phủ (ban hành cuối tháng 3/2022) về thực hiện chính sách hỗ trợ khoảng 6.600 tỷ đồng tiền thuê nhà cho 3,4 triệu người lao động. 2 nhóm thụ hưởng gồm người có hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, đang làm việc trong DN và người quay lại thị trường lao động, làm tại khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế. Người lao động thuê trọ sẽ nhận được hỗ trợ từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng mỗi tháng, tối đa 3 tháng. Thời gian triển khai chính sách từ 1/4 đến hết 15/8.

Tuy nhiên, việc giải ngân rất chậm. Đến giữa tháng 7, mới có 24 địa phương giải ngân cho 252.500 lao động. Lúc đó, nguyên nhân từ phía địa phương đưa ra giải thích tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ thấp là do chờ kinh phí từ Trung ương. Nhưng lý do đó không thuyết phục vì từ đầu tháng 7, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cấp 100% kinh phí từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để thực hiện.

Vậy, tới nay, gần 5 tháng đã trôi qua, gói hỗ trợ tiền thuê trọ vẫn chưa đến tay người lao động, vì sao? Có đúng như lãnh đạo Bộ LĐTB&XH nói còn do địa phương chưa quan tâm đúng mức, cán bộ sợ sai? Nhiều ý kiến cho rằng cả hai nguyên nhân đó là đúng, vấn đề còn lại là “gỡ vướng” thế nào và ai phải chịu trách nhiệm nếu gói hỗ trợ đầy tính nhân văn ấy đến với người lao động quá chậm trễ.

Sau hơn 2 năm bị tác động của đại dịch Covid-19, cộng đồng DN lẫn người lao động gặp vô vàn khó khăn. Khi mở của trở lại, DN cũng như người lao dộng rất cần được hỗ trợ, và Chính phủ đã nỗ lực làm điều đó. Vậy nên không thể nại ra bất cứ lý do gì kéo dài hết tháng này sang tháng khác việc giải ngân, để những đồng tiền quý báu đó chậm đến tay người lao động.

Nói như Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, khó như thời điểm Covid-19 hoành hành mà TP Hồ Chí Minh vẫn thực hiện tốt việc hỗ trợ cho dân, thì nay “dễ hơn nhiều” nhưng vẫn không làm xong, trong khi “chưa bao giờ thủ tục, tổ chức thực hiện giản đơn như bây giờ”.

“Gói này lợi thế là có tên, tài khoản ngân hàng, địa chỉ rõ ràng nên làm chậm là không được” - Bộ trưởng nói.

Như vậy, lỗi không phải do DN, cũng không phải do chủ nhà trọ chậm xác nhận, chứng nhận hoàn tất hồ sơ cho người lao động, mà ở cán bộ địa phương, ở bảo hiểm xã hội đã không làm đúng, làm đủ chức phận của mình, khiến chủ trương lớn của Chính phủ bị trì hoãn, người lao động phải tự vật lộn, tự chống chọi để vượt qua khó khăn mà lẽ ra họ đã được tiếp sức từ gói hỗ trợ tiền thuê nhà trọ.

Qua vụ việc này, rất cần chỉ rõ nơi nào, khâu nào, ai đã làm chậm trễ, và cần có xử lý thích hợp. Dư luận nói chung và nhất là những người thuộc diện được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ trông đợi điều đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai chịu trách nhiệm?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO