Ai cho phép bác sĩ 'kẹp' TPCN vào đơn thuốc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương?

Nhóm phóng viên 16/09/2020 13:31

Mỗi bệnh nhân khi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương đều được bác sĩ cẩn thận ghim lại một phiếu tư vấn phía sau đơn thuốc điều trị mà không hề giải thích hay tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân.

Việc kê thêm thực phẩm chức năng vào đơn thuốc không còn xa lạ đối với bệnh nhân, điển hình tại Bệnh viện Da liễu Trung ương hầu hết các đơn thuốc đều được các bác sĩ kê phiếu tư vấn thực phẩm chức năng (TPCN) đính kèm đơn thuốc chính. Vậy kiến thức kê đơn thực phẩm chức năng các bác sĩ được đào tạo ở đâu? Cơ quan nào cho phép? Đó là những câu hỏi mà dư luận quan tâm?

Phiếu tư vấn lách quy chế kê đơn

Theo ghi nhận của phóng viên báo Đại Đoàn Kết, mỗi bệnh nhân khi đến Bệnh viện Da liễu Trung ương đều được bác sĩ cẩn thận ghim lại một phiếu tư vấn phía sau đơn thuốc điều trị mà không hề giải thích hay tư vấn trực tiếp cho bệnh nhân.

Ngày 9/9, tại quầy thuốc tầng 1 của bệnh viện, bà Nguyễn Thanh H. (55 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) tỏ ra không hài lòng khi muốn trả lại một loạt sản phẩm TPCN và mỹ phẩm nhưng không được nhân viên bán thuốc chấp nhận.

Bà cho biết “hai mẹ con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm da dầu, sau đó một bạn giúp việc trong phòng khám ghim thêm 2 tờ giấy vào đơn thuốc của 2 mẹ con rồi dặn mang đơn xuống tầng 1 mua thuốc. Nhưng khi con gái tôi thanh toán, nhận thuốc xong mới phát hiện dưới mỗi đơn thuốc có kèm một phiếu tư vấn, cả 2 tờ đều ghi liều lượng và cách dùng, hình thức không khác nhiều so đơn thuốc. Quay lại để trả mà nhân viên bán thuốc bảo lên gặp bác sĩ”.

Để tường minh, chúng tôi đề nghị bà H. cho xem thì thấy ngoài 2 đơn thuốc có giá hơn 400 ngàn đồng thì sản phẩm trên 2 phiếu tư vấn hết gần 1,4 triệu đồng.

Khi được hỏi có biết về phiếu tư vấn không? Bà H. cho hay “không hề biết về phiếu tư vấn". Khi thanh toán mất nhiều tiền, bà mới xem lại. "Nhưng cái chính trong suốt quá trình khám và kê đơn bác sĩ hoàn toàn không giải thích nên cứ nghĩ nó cũng là thuốc chưa bệnh. Tra thuốc tính tiền xong, ngẩn ngơ vì đã mất hơn 1 triệu để mua cái thứ mình đang không có dư tiền để dùng”.

Vậy phiếu tư vấn là gì? Theo tìm hiểu, thực tế trong thuật ngữ y khoa không có phiếu tư vấn, nhưng Bệnh viện Da liễu Trung ương lại cho lưu hành loại phiếu này như một dạng tương tự của đơn thuốc. Phải chăng sau khi có Thông tư 05/2016/TT-BYT cấm kê TPCN và mỹ phẩm vào đơn thuốc bệnh viễn đã cố tình lách luật, nhằm “trục lợi” hoa hồng từ những sản phẩm bổ trợ không phải là thuốc?

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 Thông tư số 52 của Bộ Y tế thì không được kê vào đơn thuốc các nội dung quy định tại khoản 15 Điều 6 Luật Dược.

Cụ thể: Các thuốc, chất không nhằm mục đích phòng bệnh, chữa bệnh; Các thuốc chưa được phép lưu hành hợp pháp tại Việt Nam, Thực phẩm chức năng; Mỹ phẩm.

Đồng thời người kê đơn thuốc có trách nhiệm: Thực hiện các quy định về kê đơn thuốc tại Thông tư này và chịu trách nhiệm về đơn thuốc do mình kê cho người bệnh; Hướng dẫn việc sử dụng thuốc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh; hướng dẫn người bệnh hoặc người đại diện người bệnh phải thông báo ngay cho người kê đơn thuốc hoặc đến cơ sở y tế gần nhất khi có dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc.

Như vậy, theo quy định thì người kê đơn chỉ có thể tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt cho người bệnh hoặc người đại diện người bệnh. Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn đời sống khó khăn nhưng khi đến bác sỹ thì họ hoàn toàn tin tưởng mà không thể phân biệt được đâu là phiếu tư vấn và đâu là đơn thuốc.

Kiến thức thực phẩm chức năng ở đâu để kê đơn?

Theo khái niệm TPCN được đưa ra trong Thông tư 08/2004/TT-BYT thì: TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ gây bệnh. TPCN, tuỳ theo công dụng, hàm lượng vi chất và hướng dẫn sử dụng, còn có các tên gọi khác sau: Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; Thực phẩm bổ sung; Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Sản phẩm dinh dưỡng y học. Như vậy TPCN không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Trong khi người bệnh đi bệnh viện vốn dĩ rất chú ý tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ. Họ cũng chẳng biết đâu là thuốc, đâu là sản phẩm bổ trợ, đâu là sản phẩm điều trị chính cho bệnh của mình. Khi được bác sĩ hay y tá giao đơn thuốc và phiếu tư vấn, họ cứ thế đi mua không tự nhiên sản phẩm đến tay người bệnh.

Hơn nữa chính các bác sĩ không được đào tạo chính quy về TPCN và mỹ phẩm. Theo khảo sát của PV, hầu hết các sinh viên được đào tạo y khoa đều không được học bất kì tiết học nào liên quan đến TPCN trong chương trình chính quy. Bản thân những người chịu trách nhiệm trực tiếp cho bệnh nhân còn không nắm rõ những sản phẩm mình kê đơn, thì bệnh nhân chỉ biết “kêu giời”.

Cuối cùng, thiệt thòi vẫn về với người bệnh, đã vất vả khám chữa, còn vật lộn với việc phân biệt đâu là thuốc, đâu là TPCN? Rõ ràng, chúng ta cần những quy định chặt chẽ hơn về việc quản lí TPCN để tránh tình trạng quy định một đằng nhưng làm một nẻo.

Trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế cho biết: Trong các trường y không có trường lớp nào đào tạo về TPCN và mỹ phẩm, chỉ đào tạo về mô hình bệnh học, các biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng cho hàng vạn mặt bệnh. Đào tạo về thuốc, chuẩn đoán đúng bệnh, đúng thuốc, tỷ lệ thuốc…

Việc kê kèm phiếu tư vấn TPCN kèm đơn thuốc hay bất kỳ dưới hình thức nào đều vi phạm luật, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai cho phép bác sĩ 'kẹp' TPCN vào đơn thuốc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO