Ai dẹp các vị ‘thần’?

Hà Trọng Nghĩa 19/04/2021 12:00

Đã từ lâu trên mạng xã hội xuất hiện nhiều người tự xưng, hoặc được ai đó phong là “thần y”. Cùng với đó là nhan nhản “thần dược” không ai có thể kiểm chứng được tác dụng chữa trị bệnh ra sao. Những người trong ngành y cho rằng, đó là những quảng cáo nhảm nhí, sai sự thật. Đáng tiếc là nó vẫn ngang nhiên tồn tại, làm hại không biết bao người.

Một biếm họa về “các vị thần” gây họa.

Bà Nguyễn Thị Băng Thanh, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội kể lại câu chuyện của chính bà mắc phải. Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, tin vào quảng cáo quá hay trên mạng, bà đã mua một liều “thần dược” trị căn bệnh đái tháo đường vốn hành hạ bấy lâu. Nhà thuốc cho biết mình có bí quyết gia truyền, trong vòng 3 tháng uống thuốc nếu người bệnh không khỏi sẽ hoàn tiền. Liều đầu tiên uống trong 1 tháng, giá 8 triệu đồng. Nhưng thuốc hết, các chỉ số đường huyết không giảm, chân tay bà Thanh vẫn lẩy bẩy, mắt mờ hơn.

Bà Thanh không mua “thần dược” nữa, coi như mất không 8 triệu đồng.

Nhưng câu chuyện không dừng ở đó. Gần đây đêm nào bà cũng nhận được vài ba cú điện thoại giục tiếp tục mua thuốc. Khi biết bà không mua thì người ta quay sang dọa dẫm, rồi chửi bới. Họ cho rằng bà Thanh không mua thuốc của họ mà mua nơi khác. “Dọa dẫm, chửi bới tôi chưa đủ, họ còn gọi cho cả con tôi cũng vẫn những lời thô tục như thế” - bà Thanh nói.

Câu chuyện của bà Thanh không phải hiếm khi mà các “thần y”, “thần dược” nhan nhản trên mạng xã hội, với các chiêu thức tự quảng cáo theo kiểu “thề sống thề chết”.

Về chữa bệnh, việc “thần y” Võ Hoàng Yên mới đây có thể coi là một ví dụ điển hình. Ông này không có giấy phép hành nghề chữa bệnh nhưng vẫn tự coi mình là lương y, còn những người tung hô thì gọi ông là “thần y”. Theo đó, ông này và các đệ tử có thể chữa được cả bệnh câm điếc bẩm sinh. Cách chữa là hét vào tai bệnh nhân, liên tục đập vào hai bên tai, rút lưỡi. Thật hết sức bạo lực.

Cũng may từ chuyện lình xình tiền bạc với vợ chồng đại gia Dũng “lò vôi” nên sự thật về tài năng chữa bệnh nan y của ông này mới “lộ sáng”. Một số địa phương từng mời ông này về lập cơ sở chữa bệnh đã “chia tay” ông. Có tỉnh từng cấp bằng khen cho ông cũng vội vã “hủy quyết định”.

Còn về thuốc chữa bệnh. Trên mạng xã hội rất nhiều nơi quảng cáo thuốc của họ là “độc nhất vô nhị”, có thể điều trị được cả những bệnh nan y mà y học tiên tiến bó tay, trong đó có cả bệnh ung thư. Có bệnh thì vái tứ phương, thói thường vẫn vậy. Không ít người bệnh đã vô phương cứu chữa, bệnh viện trả về, thông qua mạng xã hội lại tìm đến với những loại “thần dược” này. Còn đông hơn thế là những người mắc bệnh mạn tính cho dù không “chết ngay” nhưng vẫn tìm mua những loại thuốc được quảng cáo đó với hy vọng cháy bỏng bệnh tình sẽ tiêu tan.

Không ai cấm người có bệnh hy vọng, tìm mọi cách chữa trị. Nhưng nếu cứ để họ lạc trong trận đồ bát quái của những “thần y”, “thần dược” cho đến khi tiền mất tật mang thì trách nhiệm phải thuộc về nhà quản lý. Đó là cơ quan y tế địa phương thiếu trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các loại thuốc họ điều chế, hoặc cách chữa bệnh (đôi khi phản khoa học). Tiếp đó là chính quyền địa phương nơi các “thần y” và những người làm ra “thần dược” cư trú. Biết mười mươi ai đó không thể có tài như phù thủy, nhưng vẫn ngó lơ. Không thể nói khác hơn là họ vừa thiếu trách nhiệm lại vừa kiếm chác từ những đối tượng ấy. Và thứ ba, đó là việc kiểm soát không gian mạng thiếu chặt chẽ, khiến cho nạn “thần y”, “thần dược” càng thêm loạn. Không thể ai muốn đưa gì lên mạng xã hội, nói gì trên mạng xã hội cũng được, đặc biệt khi điều đó ảnh hưởng xấu tới xã hội. Trong trường hợp này là lợi dụng niềm tin ngây thơ của người bệnh và gia đình người bệnh để trục lợi.

Cũng cần nói thêm rằng, những người tự cho là sở hữu “thần dược” đã lợi dụng ranh giới nhập nhòa giữa thuốc chữa bệnh với thực phẩm chức năng bồi bổ sức khỏe, để quảng cáo một cách vô tội vạ. Điều chế được một loại thuốc chữa bệnh đương nhiên là khó, để có một loại thực phẩm chức năng đúng nghĩa cũng rất khó. Tuy nhiên, thực phẩm chức năng không bị kiểm soát chặt như thuốc, nên người ta đã lợi dụng nó để quảng cáo như một loại “thần dược” chữa bách bệnh. Điều đó là phạm luật nhưng tiếc thay vẫn tồn tại công khai và có nguy cơ ngày một diễn biến phức tạp hơn.

Suốt bao nhiêu năm qua đất nước đã phấn đấu không mệt mỏi xây dựng một nền y học vì con người. Chúng ta đã dày công xây dựng cả hệ thống y tế dự phòng và hệ thống y tế điều trị. Không lẽ bây giờ công lao và thành quả ấy lại để cho những “thần y”, “thần dược” không khác gì lang băm làm hỏng. Tinh hoa y học cổ truyền, thành tựu y học hiện đại của đất nước không thể để bị phá hỏng bởi những con người như thế.

Về y học cổ truyền, người Việt Nam tự hào có danh y Tuệ Tĩnh “vị thánh thuốc nam”; Hải Thượng Lãn ông Lê Hữu Trác “đại y tôn nước nam”… và những bác sĩ tài năng thời nay đã kế tục xứng đáng, phát triển lên tầm cao mới công quả của tiền nhân, trong đó có nhiều vị mà tên tuổi “như sấm bên tai”. Trong đó có các vị: Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Phạm Ngọc Thạch, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Tài Thu… Vậy chẳng lẽ đến giờ họ lại lu mờ, bị trở thành quá khứ trước những “thần y”, “thần dược” không một chút sở cứ. Ai sẽ đứng ra dẹp “loạn” này để trả lại giá trị đích thực của y học, để người bệnh không còn bị mắc lừa?

Câu hỏi ấy rất cần sớm có lời giải đáp. Mà xét cho cùng, cũng không có gì là quá khó vì những quảng cáo “một tấc tới giời” vẫn sờ sờ trên mạng đấy thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai dẹp các vị ‘thần’?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO