Ai sẽ được miễn học phí?

Thủy Anh 07/10/2015 07:10

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021.

Ai sẽ được miễn học phí?

Ảnh minh họa.

Điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng

Theo Nghị định, học phí được thu định kỳ hàng tháng, nếu HS, SV tự nguyện thì nhà trường có thể thu cả năm học. Nghị định cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục công bố công khai mức học phí cho từng năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cho từng năm học cùng với dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục ĐH, giáo dục nghề nghiệp.

Từ năm học 2016-2017 trở đi học phí được điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng tăng bình quân hàng năm do Bộ Kế hoạch Đầu tư thông báo. Các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng mức học phí tương xứng để trang trải chi phí đào tạo, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt.

Theo đó, học phí đối với các chương trình giáo dục đại trà cấp mầm non và giáo dục phổ thông công lập năm học 2015-2016 từ 60-300 nghìn đồng/tháng với khu vực thành thị; khu vực nông thôn từ 30-120 nghìn đồng/tháng; miền núi từ 8-60 nghìn đồng/tháng.

Mức trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo trong năm học 2015-2016 dao động từ 610-880 nghìn/tháng. Đến năm 2020-2021 dao động từ 980-1.430 nghìn/tháng (trong đó mức học phí cao nhất là nhóm ngành Y dược).

Tương tự, trần học phí đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ ĐH tại các cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư cao nhất áp dụng cho khối ngành Y dược lên tới 4,4 triệu đồng/tháng (từ năm học 2015-2016 đến 2017-2018); 4,6 triệu đồng/tháng (năm học 2018-2019 đến năm học 2019-2020); và 5,05 triệu đồng/tháng (năm học 2020-2021). Các nhóm ngành khác dao động trên dưới 2 triệu đồng/tháng.

Học phí đào tạo ĐH và giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo phương thức giáo dục thường xuyên áp dụng mức không vượt quá 150% mức thu học phí so với hệ đào tạo chính quy tương ứng cùng trình độ đào tạo, nhóm ngành, chuyên ngành và nghề đào tạo theo chương trình đào tạo đại trà tại cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp chưa thực hiện tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.

Học phí đối với các chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn khác được áp dụng thu theo sự thỏa thuận chi phí giữa cơ sở giáo dục và người học. Không áp dụng chính sách miễn giảm học phí đối với người học theo phương thức giáo dục thường xuyên và đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở giáo dục thường xuyên…

Nhiều đối tượng được miễn học phí

Theo Nghị định, những đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm: HS tiểu học; HS, SV sư phạm; người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục ĐH.

Bên cạnh đó, Nghị định còn quy định về 15 đối tượng được miễn học phí gồm: Người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 26/2005/PL-UBTVQH11 ngày 29/6/2005, Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng.

Trẻ em học mẫu giáo và HS, SV bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; Trẻ em học mẫu giáo và HS dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Người từ 16 tuổi đến 22 tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21-10-2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất.

Trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; Trẻ em học mẫu giáo và HS phổ thông là con của hạ sĩ quan và binh sĩ, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong lực lượng vũ trang nhân dân.

HS, SV hệ cử tuyển (kể cả HS cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên); HS trường phổ thông DTNT, trường dự bị đại học, khoa dự bị ĐH; HS, SV học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; SV học chuyên ngành Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; HS, SV, học viên, nghiên cứu sinh các chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh.

HS, SV người dân tộc thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; SV CĐ, ĐH, học viên cao học, nghiên cứu sinh học các chuyên ngành trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Người tốt nghiệp THCS học tiếp lên trình độ trung cấp; Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương quy định; Người học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Ngoài ra, Nghị định này còn quy định cụ thể về đối tượng được giảm học phí, các trường hợp không thu học phí có thời hạn, đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập...

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2015.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ai sẽ được miễn học phí?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO