Ám ảnh đòi nợ thuê

Thanh Giang 03/10/2018 08:00

Còn khá mới mẻ cùng với quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng, nên dịch vụ đòi nợ thuê biến tướng, trở thành những đơn vị hoạt động theo hình thức “xã hội đen”. Đa phần hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê dùng số đông để áp đảo tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Người dân hoang mang

Bà Lê Nguyên Thanh, ngụ ở quận Tân Bình than phiền: “Gia đình tui từng mất ăn, mất ngủ vì dịch vụ đòi nợ thuê quấy rầy. Năm 2016 chồng tui có vay khoảng 300 triệu đồng từ một chủ nợ. Đến thời hạn nhưng chậm trả nên các đối tượng đòi nợ thuê liên tục tìm đến nhà bất kể giờ giấc. Thậm chí còn đe dọa sự an toàn. Sợ các đối tượng này làm càn, tui phải chạy vạy khắp nơi gom góp trả cho xong”.

Ngán ngẩm cảnh nợ nần từ các doanh nghiệp cho vay, ông Trần Văn Tư ngụ tại Bình Tân phải bán rẻ căn nhà để trả 800 triệu đồng cho chủ nợ. “Trước đây tôi vay 500 triệu đồng từ doanh nghiệp chuyên cầm đồ. Thế nhưng, do khó khăn nên chậm trả trong vòng một năm mà tổng số nợ lên đến 800 triệu đồng. Chủ nợ cho hay, càng chậm trả, lãi càng cao. Để có thể thu hồi cả gốc lẫn lãi, phía chủ nợ cho nhóm thanh niên xăm hình đầy người thường xuyên đến làm phiền, la hét, dọa nạt. Chịu không nổi, tôi đành bán tháo căn nhà để trả nợ”, ông Tư kể và cho hay đã trả dứt nợ hai năm nay, nhưng vẫn cảm thấy chưa hết ám ảnh và bàng hoàng.

Ông Nguyễn Quang Thắng – Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP HCM khẳng định, loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê phát sinh nhiều phức tạp. Các đối tượng cho vay nặng lãi vì mục đích lợi nhuận luồn lách, áp lực đối với người vay để đòi tiền. Công an thành phố đã rà soát và lên danh sách 5 băng nhóm với 137 doanh nghiệp cầm đồ với thủ đoạn cho thuê rồi đòi nợ để đưa vào “tầm ngắm”.

Ông Võ Văn Hoan – Chánh văn phòng UBND TP HCM cho biết, năm 2017 thành phố có 65 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn nhất là 200 tỷ đồng, nhỏ nhất là 2 tỷ đồng.

Thế nhưng, ngay từ khi doanh nghiệp thành lập và hoạt động đã gặp khó khăn, vì vậy chỉ có 44/65 doanh nghiệp được cơ quan chức năng hoàn tất đủ diều kiện để hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

Qua tổ chức kiểm tra 28 lượt doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã phát hiện 17 trường hợp chưa xuất trình được các hồ sơ, tài liệu chứng minh việc đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về lao động; 8 trường hợp chưa xuất trình được hồ sơ, tài liệu về báo cáo tài chính, quyết toán thuế, kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp; 1 trường hợp chưa có biên bản họp đại hội đồng cổ đông thường niên.

Theo ông Võ Văn Hoan, phần lớn công ty đòi nợ thuê là của các tỉnh thành khác. Về nhân sự, thành phố chỉ có 238 người làm việc trong các doanh nghiệp dịch vụ đòi nợ, 2/3 số còn lại thuộc hộ khẩu các tỉnh.

“Xóa sổ” không được thì phải siết

Nhận định về hoạt động của dịch vụ đòi nợ, lãnh đạo UBND TP HCM cho rằng, dịch vụ đòi nợ thuê xuất hiện nhiều khuyết tật cần chấn chỉnh.

Thứ nhất, chưa có quy định pháp lý về địa bàn hoạt động của loại hình này cho nên phần lớn các doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh phía Bắc, miền Trung đều đặt văn phòng đại diện ở TP HCM. Đây chính là khó khăn trong công tác quản lý, do văn phòng đại diện không quy định phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nên cơ quan công an không quản lý được.

Thứ hai, quá trình hoạt động của loại hình này biến tướng nhiều. Ranh giới việc đòi nợ thuê đúng pháp luật và không đúng rất mong manh. Một số đơn vị cố tình biến tướng để làm sao đó đòi được nợ thì thôi. Thậm chí, lực lượng đòi nợ thuê đe dọa bằng nhiều cách khác nhau tác động đến tâm lý, tư tưởng, thậm chí gây hoang mang về mặt tinh thần người dân. Nhưng những hành vi như thế vẫn chưa cấu thành tội phạm vì chưa xảy ra hậu quả nên rất khó xử lý.

Thứ ba, quá trình thực hiện việc đòi nợ thuê thường dùng số lượng đông đảo tạo áp lực gia đình và tâm lý xã hội. “Nhìn vào lực lượng đòi nợ thuê thấy phản cảm, bất ổn khi họ dàn hàng ngang, bao vây nhà ở, công trình,… Những cảnh tượng trên tạo ra tâm lý rằng, chính quyền bó tay với các đối tượng này” - ông Võ Văn Hoan chia sẻ.

Để chấn chỉnh và quản lý chặt chẽ loại dịch vụ trên, UBND TP HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. TP HCM mạnh mẽ như vậy, song thực tế cũng cần quá trình, có báo cáo tác động trên nhiều khía cạnh để điều chỉnh đưa ra khỏi danh mục.

Trường hợp không cấm được loại hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, phải tăng cường quản lý nhà nước bằng quy định cụ thể và cần sự phối hợp giữa Bộ Tài chính, công an, chính quyền địa phương.

Theo đó, đưa ra quy trình ứng xử của lực lượng đòi nợ thuê để siết chặt hoạt động này. Đơn cử, quy định đồng phục của nhân viên làm công việc đòi nợ; số lượng tối đa nhân viên mỗi lần tham gia thực hiện đòi nợ đối với con nợ (để tránh tình trạng tụ tập thành băng nhóm gây mất an ninh trật tự); đòi nợ đúng với hợp đồng ủy quyền đòi nợ (tránh tình trạng đòi qua thân nhân và gia đình của con nợ, gây xáo trộn cuộc sống sinh hoạt của người dân)…

“Quan điểm của thành phố, vay và cho vay nợ là quan hệ đối tác kinh tế bằng những hợp đồng cụ thể. Khi có tranh chấp hợp đồng các bên tham gia tự thỏa thuận hoặc khởi kiện để tòa án giải quyết. Kết luận của tòa án chính là kết luận cuối cùng. Ở các nước khác, giải quyết hợp đồng này khi có tranh chấp cũng triển khai như trên. Quản lý theo cách này nhằm nâng cao ý thức cho người dân”- ông Hoan nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ám ảnh đòi nợ thuê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO