Âm nhạc giúp chữa lành những vết thương tâm lý

VIỆT QUỲNH (thực hiện) 30/03/2022 05:58

Lê Thanh Tâm là một nhà sản xuất, nhà soạn nhạc, trưởng ban nhạc và kỹ sư phòng thu.

Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm. Ảnh: NSCC.

Anh là nhạc sĩ có nhiều tìm tòi, phát triển và thực hiện các sản phẩm có tính chất “live” với mục tiêu rút ngắn khoảng cách về âm thanh - âm nhạc giữa Việt Nam và thế giới. Rất sôi động với các hoạt động âm nhạc, nhưng nhạc sĩ Lê Thanh Tâm lại kín đáo trong các giao tiếp khác ngoài xã hội, như anh chia sẻ, giống như người “ở ẩn”. Khác với sự rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu, đời thường của nhạc sĩ Lê Thanh Tâm rất giản dị bên gia đình.

PV: Một thời gian dài, khi nói đến âm nhạc, báo chí truyền thông nhắc nhiều đến tên anh. Mỗi khi nhận những giải thưởng hay sự tôn vinh, anh nghĩ gì? Và phía sau đó, anh đã phải trả bằng mồ hôi công sức, nhiệt huyết ra sao?

Nhạc sĩ LÊ THANH TÂM: Cần đính chính, tôi khá ít có duyên với giải thưởng khác, ngoài “Bài hát Việt”. Công việc tôi đảm nhận, không quá chìm nhưng lại không thể nổi theo kiểu “Best seller”, giải thưởng gần nhất tôi nhận là về âm nhạc cho phim, cũng là điều mà nếu người xem phim thử một lần xem phim câm mới nhận ra.

Tuy vậy, đúng là rất vất vả để khẳng định được bản thân và vẫn khiến công chúng không quên mình, dù những việc mình làm không thuộc nhóm công việc quá phổ biến. Tôi đã phải nỗ lực trong từng sản phẩm, dù nó đến từ khách hàng vô danh, hay ca sĩ ngôi sao.

Càng ít có cơ hội làm với nhóm phổ biến nhất, tôi càng trân trọng cơ hội đến với mình. Nhìn chung, cứ như kiểu về nhì, về ba ấy, những con người như thế, tôi nhìn thấy sẽ còn khát khao hơn những người về nhất. Động lực sẽ là rất lớn khi đích đến vẫn còn phía trước.

Anh có cho rằng mình may mắn khi đã được trải qua thời kỳ rất sôi động về âm nhạc, với những tìm tòi khám phá mới, với các cách tân, cũng như các chương trình, cuộc thi âm nhạc được yêu thích trên sóng truyền hình?

- May mắn là điều rất cần thiết đối với mỗi con người, tôi không ngoại lệ. Tuy vị trí của tôi trong nghề không phải là quá cao, sức ảnh hưởng cũng kém, nhưng với một nhạc sĩ “không chọn sáng tác ca khúc là nghề” thì đó là vị trí mà tôi cảm thấy khá may mắn mới có được rồi.

Lê Thanh Tâm đã mang tinh thần tích cực tới công chúng thông qua các chương trình anh làm ra sao?

- Tôi có quan điểm, khi đã nhận làm thì bằng mọi giá phải yêu việc mình làm, tìm ra ưu điểm dù ít ỏi đến mấy trong vô vàn khuyết điểm, và khai thác triệt để ưu điểm đó, khiến khán giả nhận ra và tán thưởng. Là một nhà sản xuất, tôi luôn mong muốn chương trình mình đảm nhận có điểm nhấn, cao trào và sức hút. Tôi cũng mong muốn khán giả khám phá ra những chi tiết mới lạ, sáng tạo và hợp thời, vì thế chương trình do tôi đảm nhận, tôi rất mạnh tay tạo đột biến.

Điều anh mong muốn, khi tìm tòi, phát triển và thực hiện các sản phẩm có tính chất “live”?

- Âm nhạc mà không “live” ư? Thế thì còn gì là nhạc nữa? Vậy tại sao nó dần trở nên không “live”? Ngày xưa chơi nhạc “live” là chuyện đương nhiên mà nghệ sĩ chuyên nghiệp phải làm? Sao bỗng dưng trở nên đặc biệt?

Đó là những câu hỏi mà tôi đặt ra khi nhìn thấy sự “live” mất đi. Vấn đề vẫn là lý do. Để đảm bảo âm thanh tốt nên không "live" nữa. Vậy, tôi nhìn lại, bản thân mình có khởi đầu âm nhạc suôn sẻ mấy đâu, cũng có lấy nó làm lý do để dừng lại đâu? Vậy, tôi quyết định tìm vấn đề và tự giải quyết nó. Nên, thiếu cái gì không nhờ được ai, tôi đành tự học. Nên tôi học về âm thanh, về microphone, về kết cấu studio, về khác biệt giữa trong studio và ngoài sân khấu. Nói chung, có cái gì trở ngại hiện ra, tôi cố gắng nhớ và tìm cách giải quyết.

Học thì phải hành. Khi đó không có studio đủ rộng, không đủ thiết bị thì đi thuê, hết tiền thì dừng, có tiền lại làm. Không ai thuê mình thì mình tự nghĩ ra mà làm, coi như học làm sản xuất cũng tốt mà. Thế bây giờ studio đủ rộng, cái gì cũng có, lại càng có lý do để làm.

Mà tôi muốn làm cho hay, âm thanh phải đủ tốt để người ta nghe thì biết là “live” mà đủ chất lượng nó hay như nào. Rồi, đủ hay rồi còn phải nhiều, phải liên tục, phải dễ tìm, để người ta công nhận. Cái này tôi chưa làm được, có lẽ cần thêm nhiều thời gian nữa thì khán giả mới thấy. Đó là dự án tôi đang làm với rất nhiều nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, dự án Studio Party. Rất tự hào khoe với mọi người.

Khi sáng tác ca khúc, anh thường chú trọng điều gì?

- Tôi không thường chỉ sáng tác ca khúc, nên tôi chú trọng vào khí nhạc, ảnh hưởng của phối khí đến ca khúc của tôi nhiều hơn. Và vì nó là một nơi để tôi “chơi” nhiều hơn là làm, tôi thường chọn nhiều giải pháp khác lạ, ít giống các ca khúc phổ biến. Và vì tôi là một người thích chơi nhạc cụ, đối với tôi, giai điệu của bài hát cũng như một nhạc cụ trong dàn nhạc.

Điều đó ảnh hưởng ngược lại đối với các tác phẩm hòa tấu của tôi, hay ngay cả âm nhạc cho phim. Các phân đoạn khí nhạc của tôi luôn mang một nội dung mà nếu ngân nga, có khi ta còn tự nghĩ ra được phần lời cho các bài hòa tấu ấy. Nhìn chung, ca sĩ nào hát bài tôi viết (thực ra là không nhiều) sẽ có một cảm giác thú vị, là dựa được vào hòa thanh, bản phối, và cũng có thể bẻ thành giai điệu khác tùy hứng thú của mình mà ít gặp trở ngại. Dĩ nhiên cũng phải là ca sĩ có trình độ chút xíu (cười).

Những yếu tố nào gợi cảm hứng cho anh trong quá trình sáng tác nhạc?

- Tình yêu và sự chân thực của cuộc đời, đó cũng chính là lý do tôi đã lâu không viết ca khúc có chủ đề chia tay nào cả. Tôi mong muốn có gia đình hạnh phúc, cố gắng giữ gìn gia đình và tất cả các ca khúc về sau luôn là thể hiện điều đó. Tôi có góc nhìn hiện thực, nên không có xu hướng dùng nội dung hoa mỹ, màu mè. Tôi viết đơn giản, và mong có ai đó đồng cảm và nhịn được chiều sâu của những từ đơn giản ấy. Xu hướng viết này thực ra được sử dụng rất nhiều trong các ca khúc tiếng Anh, đặc biệt là nhạc Blues, Country. Họ luôn hàm chứa sâu nhưng đọc qua thấy cũng không khó hiểu.

Nhìn lại, âm nhạc đã mang cho anh những gì?

- Ngoài âm nhạc ra tôi đâu biết gì, nên tất cả những gì thuộc về tôi hiện giờ, đều là âm nhạc mang lại. So với nhiều nhạc sĩ tên tuổi, vai trò và sự tỏa sáng của tôi chẳng là gì, tuy vậy tôi thấy rất mãn nguyện ở chỗ, tôi luôn nhận được sự công nhận của đàn anh, nhận được sự nể trọng của đồng nghiệp cùng thời, và các em thế hệ sau không xem tôi lổi thời, mà họ thường thích được tìm hiểu xem tôi làm gì để đến giờ vẫn thích nhạc.

Với gia đình thì tôi trân trọng việc vợ con tôi vẫn ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình, dù thành quả có lẽ vẫn còn đợi ở phía trước.

Làm thế nào để anh cân bằng được giữa những áp lực về tài chính, trách nhiệm, các mối quan hệ, vị trí xã hội để sống trọn vẹn trong âm nhạc cùng đam mê của mình?

- Tôi phải thừa nhận là tôi không cân bằng được các việc kể trên, bằng chứng là tôi giao thiệp không giỏi, đồng nghiệp thường thấy tôi như kẻ ở ẩn vậy. Tôi cũng không giàu có, không có vị trí xã hội hay tầm ảnh hưởng quá mạnh nếu so với các nhạc sĩ ở tuổi tôi. Tuy vậy điểm mạnh nhất của tôi là trách nhiệm. Tôi có nguyên tắc rất rõ ràng, khi tôi đã nhận thì có trời sập tôi cũng sẽ làm tốt nhất. Tôi sẽ giúp đỡ tất cả các nhánh công việc liên quan miễn được phép, mà không cần phải thuê. Tôi quan điểm, việc thành công thì không có khâu nào dở thì mới là thành công, chứ không chỉ phần việc của mình. Lý do không chỉ là trách nhiệm, mà khi mình làm tròn, mỗi công việc đó dạy mình rất nhiều điều. Tôi không có điều kiện học hành tử tế, nên càng làm chuyên sâu, tôi càng có cơ hôi học nhiều hơn và áp dụng điều đó cho công việc mới về sau.

Trong những ngày tháng dịch bệnh vừa qua, cuộc sống công việc của anh đã đang diễn ra như thế nào?

- Cùng với sự dừng lại của ngành giải trí, đặc biệt là các tháng tăng cường giãn cách của thành phố, công việc của tôi cũng không nhiều.

Tuy vậy do đang tiến hành ghi hình Studio Party, với khối lượng rất lớn, phần hậu kỳ cũng chỉ do một nhóm nhỏ chúng tôi làm việc, nên có thể nói là cũng không mấy dư dả thời gian. Nhờ đó mà tôi cũng học được thêm các kỹ năng liên quan đến hình ảnh, dựng phim, chỉnh sửa hình ảnh, thiết kế, hậu kỳ… đủ để hợp tác với các bạn trong nhóm. Vậy cũng xem như khá may mắn.

Anh đã làm thế nào để cân bằng các cảm xúc, để tiếp tục dự án âm nhạc mà anh còn dang dở do dịch bệnh?

- Thực ra là chả làm thế nào được cả (cười). Tôi cứ tự cho mình căng thẳng... thoải mái, đỡ căng thẳng xíu thì tập đàn, hoặc nghĩ ra cái gì trong đầu là làm luôn cái ấy, đỡ hơn nữa thì lại tập đàn, Mix nhạc…

Tôi còn “trang bị” kỹ năng dọn nhà quét nhà giúp vợ, cái này bản thân yếu kém lắm, con trai còn giỏi hơn tôi khoản này gấp nhiều lần dù cháu mới lớp 3.

Trong góc nhìn của anh, đời sống âm nhạc của TP HCM nói riêng và trong nước nói chung đang ra sao? Anh đang bắt nhịp với dòng chảy này như thế nào?

- Không nhiều những dự án thực sự có chiều sâu đang được thực hiện, hầu hết đang là những dự án, hoặc đã bị tạm dừng quá lâu dó dịch, hoặc là mong muốn nhanh chóng nắm bắt cơ hội tiếp cận công chúng. Điều đó ảnh hưởng không tốt đến thị trường âm nhạc nói chung.

Tôi không mong mình sẽ nhảy vào dòng chảy này, nên vẫn đang rất cố chậm lại một nhịp để đảm bảo, sản phẩm tôi thực hiện không bị “giá như” sau khi phát hành. May mắn là khách hàng của tôi thuộc dạng kiên nhẫn và cũng từ tốn. Dự án riêng của anh em tôi lại càng từ tốn. Chúng tôi mong muốn có dự án để đời trước đã, lợi nhuận từ từ tính.

Chia sẻ của anh về chương trình âm nhạc anh tham gia ngay sau khi thành phố bước vào giai đoạn bình thường mới?

- Hiện giờ vẫn đang là giai đoạn tôi khởi động dự án riêng, Studio Party, tôi mang trên mình trách nhiệm phổ biến nó đến khán giả, nên không thể lơ là. Dự án này sẽ mở rộng sang nhiều mảng, trong đó sẽ có “Live tour concert” và kết hợp với biên chế dàn nhạc rất lớn với số lượng nghệ sĩ khá đông. Ngoài ra tôi cũng đang cộng tác với một số ca sĩ khác để xây dựng chiến lược cho họ, cái này thì chỉ dám nói đến thế (cười).

Suy nghĩ của anh về dòng chảy âm nhạc hiện tại và tương lai, khi mà con người đã phải trải qua quá nhiều khó khăn về tinh thần, sức khoẻ, vật chất do dịch bệnh?

- Âm nhạc sẽ giúp đỡ rất nhiều trong việc chữa lành những vết thương tâm lý do dịch bệnh gây ra, đó là trách nhiệm của nghệ sĩ. Tôi cũng mong muốn mình đóng góp được gì cho khán giả chứ, nhưng nói thì không bằng làm, nên tôi sẽ cứ tiếp tục làm thôi.

Sau thời gian dịch bệnh vừa qua, nhìn lại những ngày ảm đạm, đông cứng khi sống trong giãn cách, và nhịp sống thành phố đang sôi động lại rất nhanh, anh có suy nghĩ gì về dự án tới, sẽ làm mới, làm đẹp hơn cho đời sống tinh thần người dân qua âm nhạc không? Và như thế nào?

- Thì tôi cũng không làm một mình, ít ra là đã làm thế với các anh em chơi nhạc và nhiều nghệ sĩ rồi. Tôi sẽ tự thân gửi lời mời hợp tác đến nhiều nghệ sĩ hơn, hợp tác với các nghệ sĩ nước ngoài, online hay nếu may mắn tình hình ổn hơn thì mời họ về đây.

Tôi có xu hướng tổ chức những dự án thân thiện, có tính gần gũi khán giả, không hoành tráng màu mè, và tôi hy vọng khán giả sẽ nhìn được nhiều hơn về cách chúng tôi thực hiện âm nhạc, thông qua việc làm khán giả những dự án đó. Điều này không đơn giản, vì muốn cho khán giả thấy, mình phải làm rất tốt. Huống hồ khán giả của chúng tôi thực sự cũng rất hiểu biết về âm nhạc.

Với các bạn trẻ đang theo đuổi con đường âm nhạc đại chúng, anh chia sẻ điều gì?

- Tôi luôn có nhiều chia sẻ với giới trẻ, nhưng điều tôi mong mỏi nhất, mà sẽ gửi ở đây, chính là sự kiên nhẫn. Hiện nay, trình độ âm nhạc nước ta, không khéo đã tụt hậu quá xa so với thế giới, không phải do ta không đủ giỏi, mà là do ta quá vội có sản phẩm. Vội quá khiến các sản phẩm luôn có thiếu sót mà ngay cả khán giả cũng phát hiện và chặc lưỡi bỏ qua với quan niệm “Việt Nam mình làm được thế là hay rồi”.

Tôi nghĩ nếu các nghệ sĩ trẻ cần tôi hỗ trợ ở góc nhìn của tôi, nhưng điểm nào cần hoàn thiện, thì có thể tôi sẽ sẵn lòng giúp đỡ. Tôi không thể đi nhanh, vì tôi luôn quan sát và tìm hiểu mình thiếu những gì so với âm nhạc xứ người. Thói quen đó duy trì hơn 20 năm làm nghề.

Tôi nghĩ, tích lũy đó nên được chia sẻ, để thế hệ sau không mất công như tôi, phải đi tìm hiểu từ con số không. Âm nhạc Việt Nam muốn phát triển phải như thế, chứ thế hệ nào cũng từ số không thì rất tốn thời gian…

Xin cảm ơn anh!

Nhạc sĩ Lê Thanh Tâm sinh ra tại TP HCM. Anh từng học tại Đại học Kinh tế TP HCM - chuyên ngành Marketing, nhưng thể hiện niềm đam mê với mọi thể loại âm nhạc và ngay từ khi còn nhỏ đã thành thạo piano. Từ năm 15 tuổi anh đã làm việc thường xuyên với các ban nhạc khác nhau tại TP HCM. Anh hiện đang làm việc và sáng tác trong phòng thu cá nhân của mình, chuyên sản xuất, phối khí, kỹ thuật thu âm, mix và master.

Từ năm 1995 đến nay, nhạc sĩ Lê Thanh Tâm liên tục tham gia các dự án âm nhạc lớn của Việt Nam và quốc tế. Đồng thời biểu diễn, thu âm, làm việc với các nghệ sĩ Việt Nam hàng đầu Việt Nam. Anh hiện làm việc và sáng tác trong phòng thu cá nhân của mình, chuyên sản xuất, phối khí, kỹ thuật thu âm, mix và master.

Tại giải Cánh diều 2020, cùng với nhạc sĩ Huy Tuấn, Lê Thanh Tâm đã được trao giải Âm nhạc cho phim Điện ảnh xuất sắc nhất dành cho phần âm nhạc của phim “Kiều”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Âm nhạc giúp chữa lành những vết thương tâm lý

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO