Amazon báo động cháy rừng

Bảo Thu 18/04/2021 06:13

Dự án Giám sát rừng Amazon vùng Andes (MAAP) mới công bố báo cáo cho thấy, trong năm 2020, rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh Amazon đã mất 2,3 triệu ha rừng nguyên sinh, tăng 17% so với năm trước đó.

Cleio Junior, lính cứu hỏa thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Brazil, phát hiện một con thú ăn kiến đã chết trong khi anh làm nhiệm vụ kiểm soát các đám cháy gần bang Amazonas. Ảnh: Reuters.

Số liệu nêu trên dựa trên kết quả nghiên cứu của MAAP khi tiến hành phân tích các dữ liệu và hình ảnh vệ tinh có độ phân giải rất cao, ghi nhận tại các vùng lãnh thổ của tất cả quốc gia nằm trong châu thổ Amazon gồm Brazil, Peru, Colombia, Venezuela, Bolivia, Ecuador, Guyana và Surinam.

Theo đó, chỉ riêng diện tích rừng nguyên sinh của Amazon bị mất trong năm qua đã tương đương diện tích của quốc gia Trung Mỹ El Salvador. Các quốc gia có số lượng rừng nguyên sinh Amazon bị mất nhiều nhất trong năm 2020 theo thứ tự là Brazil, Bolivia, Peru, Colombia, Venezuela và Ecuador.

Vẫn theo MAAP, hơn 65% số vụ phá rừng của toàn bộ khu vực Amazon trong năm 2020 được ghi nhận ở Brazil. Quốc gia có diện tích lớn nhất Nam Mỹ này đã mất tổng cộng 1,5 triệu ha rừng trong năm qua, tăng hơn 13% so với năm trước đó. Diện tích rừng bị tàn phá ở Brazil gần gấp đôi diện tích Puerto Rico và chủ yếu tập trung ở phía Nam nước này.

Trong khi đó, diện tích rừng bị tàn phá tại Bolivia trong năm 2020 lên tới con số kỷ lục 240.000 ha với nguyên nhân chủ yếu do các đám cháy xảy ra ở phía Đông Nam nước này đã tàn phá các khu rừng tại các hệ sinh thái Chiquitano và Chaco.

Đối với trường hợp của Peru, nước này đã mất 190.000 ha rừng nguyên sinh trong năm ngoái, tăng 18% so với năm 2019 và cũng là con số kỷ lục ghi nhận được. Nguyên nhân chính của nạn phá rừng ở Peru bị cho là bắt nguồn từ nạn đốt rừng lấy đất canh tác.

Từ giữa năm 2019, dữ liệu từ hệ thống vệ tinh cảnh báo sớm đã cho thấy tốc độ phá tại rừng rậm nhiệt đới Amazon ở Brazil có xu hướng tăng, lên mức nhanh nhất trong 1 thập niên qua. Theo Viện Nghiên cứu không gian vũ trụ Brazil (INPE), hệ thống báo động ghi nhận diện tích rừng bị phá trong tháng 5 lên tới 739 km2. Con số này cao hơn so với 550 km2 ghi nhận vào tháng 5 năm 2018, và cao gấp đôi so với diện tích rừng bị phá 2 năm trước.

Theo người đứng đầu INPE, ông Claudio Almeida, năm 2019 là “năm tồi tệ” đối với rừng Amazon.

Là quốc gia sở hữu nhiều nhất diện tích của Amazon, nhưng Brazil cũng là quốc gia mất nhiều rừng nhất trong năm 2018 với gần 16.187 km2. Nguyên nhân chủ yếu là do tình trạng phá rừng để chăn nuôi gia súc, trồng đậu nành và khai thác mỏ.

Theo các số liệu của Mapbiomas - dự án nghiên cứu về sự biến mất của các khu vực rừng phòng hộ trong rừng Amazon,trong 30 năm gần đây con số 953.000 ha rừng bị biến mất bao gồm cả các khu vực bảo tồn, vùng đất bản địa và các vùng đất nội địa. Người ta nhận ra rằng, con số này tương đương với 6 lần diện tích của thành phố Sao Paulo, thành phố lớn nhất của Brazil và của Nam Mỹ.

Kết quả của Mapbiomas cho biết thêm, không tính các vùng rừng phòng hộ, diện tích rừng Amazon bị tàn phá trong vòng 30 năm qua đã lên tới 39,8 triệu ha, tương đương với 19% tổng diện tích rừng tự nhiên từng tồn tại trong năm 1985. Hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy, 84% diện tích bị mất đi của khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này đã trở thành các khu vực đất phục vụ nông nghiệp, bao gồm cả đồng cỏ chăn nuôi và đất trồng trọt.

Đầu tháng 12 năm 2020, phái viên của Liên minh châu Âu (EU) tại Brazil, Đại sứ Ignacio Ybanez cho biết, cho tới khi nào Brazil còn chưa cam kết ngăn chặn nạn phá rừng Amazon thì Hiệp định Tự do thương mại giữa EU và khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur) sẽ không thể được nghị viện các nước thành viên EU phê chuẩn để chính thức có hiệu lực.

Điều này diễn ra khi mà thế giới lo ngại về việc “lá phổi xanh của Trái Đất” là Amazon bị đốt cháy ngày càng nhiều. Đại sứ quán EU tại Brazil đã đề cập tới nạn phá rừng Amazon và sự tham gia vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Trên thực tế, nạn cháy rừng Amazon đã ở mức báo động. Nó không chỉ ảnh hưởng tới một vài quốc gia mà còn mang tính toàn cầu vì đây là khu rừng lớn nhất thế giới với những giá trị có thể nói là không thể đo đếm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Amazon báo động cháy rừng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO